Trong dự thảo BLDS (sửa đổi), quy định về việc chuyển đổi giới tính được quy định riêng, tách khỏi quy định về quyền xác định lại giới tính để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết trước khi QH tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Bộ luật này sáng nay (24/10) để hoàn thiện thông qua tại kỳ họp như chương trình.
Thực tế, hiện nay, người chuyển giới ngày càng nhiều, hiện diện rõ nhưng chưa được công nhận, nên họ phải sống như “người vô hình”, ngoài xã hội, khó khăn trong việc tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, thiếu hỗ trợ pháp lý, không hoặc chưa được bảo vệ thích đáng.
Ngay việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới cũng khó khăn, thậm chí có thể xâm pham nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của cá nhân chuyển giới.
Vì vậy, trong dự thảo, cùng với quy định về quyền xác định lại giới tính, việc chuyển đổi giới tính được tách thành một điều riêng, xác định theo hướng: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan” (Điều 37).
Đây là kết quả tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp 9. Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều ĐBQH đã không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng lại cho phép người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Tuy nhiên, nhận thấy việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội..., nên UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định riêng về việc chuyển đổi giới tính trong dự thảo BLDS (sửa đỏi) để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của UBTVQH đồng tình việc quy định trong dự thảo về quyền xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH vì đảm bảo tính “nhân văn, phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”.
Nhìn nhận vấn đề chuyển đổi giới tính dưới góc độ vừa là quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận, vừa là thực tiễn xã hội, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, quy định như dự thảo sẽ giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với những người đã chuyển giới.
Tuy nhiên, việc dự thảo chưa thừa nhận rõ việc chuyển đổi giới tính có phải là quyền hay không khiến một số ĐBQH lo ngại vì "chưa biết đến bao giờ có luật để điều chỉnh". ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị nên có một đạo luật riêng điều chỉnh vấn đề chuyển đổi giới tính để giải quyết đầy đủ các vấn đề liên quan.
Song ĐBQH vẫn hy vọng, dự thảo BLDS (sửa đổi) dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp này sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của người chuyển giới.
Tính đến tháng 9/2015, có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật, các nước đang thay đổi theo xu hướng thừa nhận quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay cả khi không cần phẫu thuật. Ngoài ra, quyền thay đổi tên không phụ thuộc vào việc đã phẫu thuật hay chưa cũng được thừa nhận rộng rãi.
Việt Nam là một trong những nước trên thế giới cấm việc phẫu thuật chuyển giới. (Gồm Ethiopia, Morroco, Cotê d’voire, Tiểu vương quốc A Rập Thống Nhất, Oman, Qatar, Kuwait, Macedonia).