Chặng đường đấu tranh trường kỳ của lá cờ 6 màu
Ngay khi phán quyết được đưa ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu rằng đây là một thắng lợi cho toàn nước Mỹ. Đông đảo người dân Mỹ đã ra đường ủng hộ, ăn mừng và hò reo. Họ vẫy cờ lục sắc, mặc áo đôi, xuống phố tận hưởng phút giây hạnh phúc.
Trang facebook của Nhà Trắng thay đổi hình đại diện là lá cờ lục sắc. Cũng chia sẻ niềm vui với sự kiện này, Facebook nhanh chóng đưa một ứng dụng có thể chèn cờ lục sắc vào hình đại diện. Với ứng dụng “let’s celebrate pride”, hàng triệu người dùng Facebook đã thay đổi avatar để ủng hộ người đồng tính trên thế giới.
Tìm hiểu được biết, vào năm 1978, lá cờ biểu trưng cho cộng đồng LGBT (tên viết tắt của Cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender)) ban đầu có 8 màu. Về sau Gilbert Baker quyết định sẽ sản xuất một loạt cờ để kinh doanh, nhưng do công ty nhuộm không có sẵn vải màu hồng nên lá cờ 8 màu ngày đó được “cắt giảm” đi 1 màu còn 7 màu.
Năm 1979, Ủy ban Diễu hành Tự hào đồng tính đã chọn lá cờ của Gilbert Baker làm biểu tượng cho người đồng tính. Nhưng lần này, lá cờ lại thêm một lần nữa thay đổi, họ quyết định bỏ đi màu lam, chuyển màu chàm thành màu xanh hoàng gia để tránh bị quá chìm vào màu tím. Lá cờ biểu tượng cho cộng đồng LGBT cuối cùng có 6 màu.
Các gam màu trên lá cờ mang những ý nghĩa sau: màu đỏ tượng trưng cho dũng khí, màu cam tượng trưng cho nhận thức và các khả năng, màu vàng tượng trưng cho sự thách thức, màu xanh lá cây thể hiện sự khích lệ và phấn đấu, màu xanh dương là hy vọng, sự chia sẻ, giúp đỡ, đấu tranh và màu tím tượng trưng cho sự thống nhất, hòa hợp, đoàn kết.
Từ đó đến nay, trong những cuộc diễu hành lớn, ở những nơi có nhiều người đồng tính hội tụ, người ta đều thấy lá cờ này dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau như in trên quần áo, biểu ngữ, đồ trang sức, hình vẽ…
Cần nhận thức rõ vấn đề khi hưởng ứng theo phong trào
Không chỉ riêng nước Mỹ mà với toàn thế giới, sự kiện ngày 26/6 vừa qua mang một ý nghĩa lịch sử của nhân loại. Hơn 37 năm, người đồng tính luôn trong một cuộc chiến tranh ngầm: họ đấu tranh cho tình yêu, cho giới tính và con người thật của mình.
Phán quyết của nước Mỹ đã lan truyền cảm hứng đến hàng tỷ người, để họ có thêm hy vọng đấu tranh cho tình yêu và sống thật với con người mình. Lần đầu tiên, tình yêu chiến thắng tất cả, vượt qua mọi rào cản của xã hội, vượt qua bức tường do chính bản thân người đồng tính dựng lên.
Phong trào treo cờ lục sắc này không chỉ hiện hữu ngoài cuộc sống mà còn trở nên rầm hộ hơn trên mạng xã hội; dĩ nhiên cũng lan rộng nhanh chóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của nó khi thay đổi hình đại diện. Chẳng ít trường hợp “nhầm” lá cờ 6 màu thành… cầu vồng 7 màu.
Người viết từng ngớ người khi nghe một vài bạn trẻ giải thích rằng “Lúc thử thấy cũng hay hay nên em để vậy luôn!”, “Em thích nhiều màu, sặc sỡ. Đẹp mà...”. Sững sờ không kém, nhiều bạn trẻ còn ngây ngô nghĩ avatar lục sắc là ứng dụng trò chơi mới của Facebook hay thậm chí cho rằng “nó có ý nghĩa nhắn nhủ cuộc sống tươi đẹp muôn màu” (?!).
Treo cờ lục sắc cũng giống như việc quyết tâm đấu tranh cho người đồng tính, tôn trọng họ, ủng hộ họ, đó là một hành động nhân văn. Nhưng không phủ nhận rằng nhiều người treo cờ lục sắc mà không hiểu rõ vấn đề, họ chỉ thay đổi avatar theo trào lưu, vì bạn bè mình cũng thay đổi.
Một bạn trẻ cho rằng, người dùng nên biết rõ nguồn gốc, thông tin, giá trị của cái mà mình đang hưởng ứng và quan tâm thì việc hưởng ứng mới có ý nghĩa. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của lá cờ này là gì? Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi con em, bạn bè của họ thú nhận là người đồng tính? Liệu họ có thật lòng chấp nhận người thân của mình hay phản đối, đi trái với hành động của họ bây giờ?
Xét cho cùng, khi tham gia vào bất cứ phong trào gì cần hiểu rõ ý nghĩa và quan điểm của bản thân để không biến mình thành kẻ “hiểu biết nửa vời” khi đã và đang có vô vàn trào lưu chạy theo hiệu ứng đám đông từ ủng hộ cho đến “ném đá”. Biết rằng cá nhân có quyền ủng hộ hay phản đối một vấn đề xã hội, nhưng trước khi hành động, hãy hiểu điều mình muốn làm và tin tưởng nó!
Vài ngày tới, khi trào lưu “nguội” dần, liệu 26 triệu người thay đổi avatar Facebook theo cờ lục sắc sẽ thực sự thay đổi được gì và làm được điều gì? Hay rồi chỉ dừng lại ở một phong trào thú vị với màu sắc và nhiều người sẽ lại thay avatar khác hoặc vẫn có cái nhìn hiếu kỳ, dè bỉu cộng đồng LGBT?