"Đó là lý do khiến giá của nó rất rẻ", Ng Goon-lau nói. Ông đã mua căn hộ 30 m2 này sau hai vụ tự tử liên tiếp xảy ra chỉ với giá một triệu đôla Hong Kong (HKD) (127.400 USD) hồi năm 2010, rẻ hơn 30% so với giá thị trường thời điểm đó. 8 năm sau, căn hộ giờ có giá khoảng 4,4 triệu HKD (khoảng 560.000 USD), Ng Goon-lau ước tính.
Được báo chí địa phương đặt biệt danh là "trùm căn hộ ma ám", Ng Goon-lau nổi tiếng nhờ đầu cơ những căn nhà "hung gia", tức nơi từng xảy ra các thảm kịch, chẳng hạn như tự tử hay án mạng. Ông từng mua một số căn hộ "ma ám" với giá rẻ hơn 40% so với giá thị trường.
Không sợ ma, chỉ sợ đắt tiền
Giá bất động sản ở Hong Kong tăng vọt lên mức kỷ lục trong những năm qua đã khiến nhiều người nhận ra rằng các căn hộ có điềm gở như vậy rẻ đến mức không thể bỏ qua, bất kể nó có lịch sử xui xẻo ra sao.
Ng Goon-lau cho biết mức chiết khấu lớn từ giá bán của một căn hộ "ma ám" đã thu hẹp lại từ 30% vào năm 2013 xuống còn khoảng 10% trong năm nay. Theo ông, mức chiết khấu giảm với tốc độ nhanh nhất trong năm qua.
"Thị trường bất động sản đang sốt một cách điên rồ vì nhu cầu quá lớn. Mua căn hộ xui xẻo giờ đây là cách rất thực tế để sở hữu một căn nhà, do đó, tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt", Ng Goon-lau chia sẻ.
Giá nhà ở Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, đã kéo dài đà tăng kỷ lục 18 tháng liên tiếp và thành phố này giờ đây trở thành một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Một báo cáo của ngân hàng UBS hồi tháng 9 năm ngoái xếp thị trường bất động sản của Hong Kong là nơi có giá nhà đắt nhất, xét theo thu nhập người dân trong 20 thành phố lớn trên thế giới. Một nhân viên lành nghề ngành dịch vụ cần làm việc đến 20 năm mới đủ tiền mua một căn hộ 60m2 ở gần trung tâm Hong Kong.
Chỉ khoảng 20% trong 1,85 triệu người dân nộp thuế của Hong Kong đủ sức mua một căn hộ giá tầm trung khoảng 8 triệu HKD (khoảng 1.020.000 USD), theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Giới phân tích dự báo giá bất động sản Hong Kong sẽ tiếp tục tăng trong năm nay với mức tăng khoảng 8 - 17%.
Ng Goon-lau đã mua khoảng 24 căn hộ "ma ám" kể từ thập niên 1990 và bán lại hầu hết chúng để kiếm lời. Ông đang lo sợ trước đà tăng giá của thị trường.
Hai khó khăn ập đến cùng lúc, bao gồm giá nhà ở tăng cao và mức đánh thuế nặng đối với những người không phải mua nhà lần đầu, khiến ông không thể mua thêm bất động sản "ma ám" nào suốt 6 năm qua. Ng Goon-lau không định bán các căn hộ "ma ám" đang nắm giữ vì ông xem danh mục đầu tư hiện tại quý như "châu báu".
Ngay cả với thị trường nhà ở xã hội, nơi thời gian chờ đợi trung bình lên đến 5 năm vì lượng cung hạn chế và nhu cầu lớn, nhiều người vẫn đổ xô đăng ký danh sách chờ riêng để mua những căn hộ ít được quan tâm. Theo trang web của Cơ quan Nhà đất Hong Kong, chúng bao gồm những căn hộ dính dáng đến các biến cố ghê rợn. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan này nhận 80.000 đơn xin đăng ký mua 576 căn hộ như vậy.
Vượt qua rào cản tâm lý
Vấn đề của căn hộ "ma ám" là sự kết hợp giữa nỗi ám ảnh mua nhà ở Hong Kong với một cộng đồng người có xu hướng mê tín và tin vào các quy luật phong thủy.
Một căn hộ "ma ám" không chỉ kéo giá những căn hộ còn lại trong cùng tầng đi xuống mà còn có thể làm giảm giá trị của các căn hộ nằm ở tầng trên lẫn tầng dưới nó, theo những nhân viên môi giới bất động sản.
Năm ngoái, một căn hộ nằm dưới căn hộ cao cấp, nơi giám đốc ngân hàng người Anh tên Rurik Jutting bị hai phụ nữ sát hại hồi năm 2014, đã được bán với giá thấp hơn 6% so với mức giá giao dịch vào năm 2011 dù thị trường nhà ở Hong Kong tăng tới 80% trong giai đoạn 2011 - 2014.
"Chúng tôi sống ở một xã hội theo truyền thống Trung Quốc. Đối với không ít người, căn hộ 'ma ám' tạo ra rào cản tâm lý vì họ không cảm thấy thoải mái khi sống giữa nơi được cho là xui xẻo", một nhân viên môi giới bất động sản giấu tên cho hay.
Khu chung cư ở quận Thuyền Loan, nơi có căn hộ xảy ra vụ tự tử bằng khí gas vào năm 1996, khiến 6 người thiệt mạng |
Các ngân hàng cũng không sẵn sàng cho vay thế chấp đối với những căn hộ "ma ám" vì lo ngại sẽ khó bán lại nó trong trường hợp vỡ nợ thế chấp, theo Ivy Wong, giám đốc công ty môi giới cho vay thế chấp Centaline Mortgage Broker.
Dù một số ngân hàng trước đây thường đơn phương từ chối các đơn xin vay thế chấp căn hộ "ma ám", chính sách này đã được nới lỏng đáng kể những năm gần đây.
"Khi có nhiều người mua nhà sẵn sàng chấp nhận những căn hộ như vậy, các ngân hàng trở nên tự tin hơn", Wong nói.
Năm ngoái, ngân hàng HSBC đã cho một khách hàng vay thế chấp khi người phụ nữ này mua một trong những căn hộ tai tiếng nhất Hong Kong ở quận Thuyền Loan. Nơi đây từng xảy ra một vụ tự tử bằng khí gas vào năm 1996. Người đàn ông tự tử thoát chết nhưng lại khiến 6 người trong nhà thiệt mạng, gồm vợ và ba con của ông cùng hai người thuê nhà. Ông ta sau đó bị kết án tù chung thân.
Giống với người phụ nữ trên, rất nhiều người ở Hong Kong không cảm thấy có bất kỳ vấn đề gì khi mua những căn hộ "ma ám", đặc biệt nếu chúng vừa túi tiền.
"Tôi không sợ gì cả", Jenny Yuen, người gần đây thuê một căn hộ "ma ám" của Ng Goon-lau, nói. "Ai rồi chẳng phải chết. Đấy là điều hết sức tự nhiên".
Theo số liệu thống kê, mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội Hong Kong đã đạt đến đỉnh điểm trong vòng hơn 40 năm qua. Năm ngoái, với dân số 7,3 triệu người, Hong Kong có hơn 4.000 người siêu giàu sở hữu khối tài sản ròng tối thiểu 30 triệu USD, chỉ xếp sau New York và London, theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.
Theo một báo cáo của Oxfam, bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, thu nhập của 10% hộ gia đình giàu nhất ở Hong Kong gấp hơn 44 lần so với 10% những gia đình dưới đáy xã hội.
Lương không tăng, chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng, cộng với giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, 1/7 dân số Hong Kong đang sống trong cảnh "giật gấu vá vai", thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Hong Kong vốn được biết đến như một trung tâm tài chính của thế giới, với cuộc sống xa xỉ trong những tòa nhà chọc trời. Nhưng không phải ai cũng biết Hong Kong cũng bị đánh giá là một trong những nền kinh tế bất bình đẳng nhất thế giới.
Chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong thể hiện rõ nhất ở vấn đề nhà ở. Trong vòng 14 năm qua, giá nhà ở Hong Kong đã tăng gần 400%. Theo số liệu của Demographia, khi so sánh giữa thu nhập và giá trung bình trên thị trường bất động sản, giá nhà Hong Kong đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố như Sydney, London và San Francisco.
Người nghèo Hong Kong sống trong những "căn hộ quan tài" hay "nhà lồng" với diện tích vỏn vẹn vài mét vuông. Một căn hộ siêu nhỏ có diện tích 12 m2 có giá lên tới hơn 400.000 USD.
Trong khi đó, hầu hết các tỷ phú giàu nhất Hong Kong lại tích lũy của cải nhờ kinh doanh bất động sản. Lợi nhuận của tập đoàn bất động sản Cheung Kong Property thuộc sở hữu của tài phiệt Li Ka-shing đạt 2,3 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, công ty Henderson Land Development của tỷ phú Lee Shau Kee, người giàu thứ hai ở Hong Kong, ghi nhận lợi nhuận 1,8 tỷ USD.
Tổng tài sản mà 10 người giàu nhất Hong Kong đang nắm giữ tương đương với 47% GDP của đặc khu hành chính này, theo Bloomberg Billionaires Index.