Ông Nguyễn Văn Dừa là người có sáng kiến, đề xuất thực hiện mô hình cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) liên thông một cửa tại cấp xã (còn gọi là mô hình “ba trong một”) đầu tiên trên toàn quốc. Mô hình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai khắp cả nước, thuận tiện cho dân mà tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Dừa – Trưởng phòng Tư pháp huyện Bến Lức |
Khi thấy ông, nhìn khuôn mặt, nụ cười và cả cái tên Nguyễn Văn Dừa làm tôi thật sự ấn tượng về tính cách hiền lành, chất phác, sảng khoái của người miền Tây Nam bộ. Ông Dừa sinh năm 1957, đã trải qua 40 năm công tác ở nhiều ngành trên quê hương Bến Lức của ông.
Năm 2003 ông được điều từ Văn phòng UBND huyện sang làm Trưởng phòng Tư pháp. Tuy không phải là dân có thâm niên trong ngành nhưng ông đã cố gắng học hỏi, thấy được những khó khăn của người dân để tìm ra nhiều sáng kiến đột phá, đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Ông cho biết: “Những tháng đầu năm 2010, nhiều lần xuống xã Lương Hòa, thị trấn Bến Lức công tác, tôi thấy người dân đến đăng ký khai sinh (ĐKKS), nhập hộ khẩu, rồi đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi. Qua quan sát, lúc thì có cán bộ tư pháp tại trụ sở Ủy ban, khi thì lại không; lúc có cán bộ tư pháp lại không có cán bộ công an và ngược lại; chưa kể đến sự vắng mặt của nhân viên làm BHYT vì bận đi công tác…
Do đó, người dân muốn có đầy đủ 3 loại giấy tờ trên phải tốn thời gian, chi phí đi lại nhiều lần, gây phiền hà, bức xúc cho họ. Bên cạnh đó, tôi còn thấy hiện tượng khi làm thủ tục ĐKKS cho con cháu, nhưng một số người dân vẫn chưa quan tâm đến việc nhập hộ khẩu, khi đến tuổi đi học thì mới xem trọng việc này; hoặc khi ĐKKS các bậc phụ huynh cũng chưa chú ý đến vấn đề đăng ký thẻ BHYT, đợi đến lúc con cháu họ bệnh thì mới cấp tốc đi làm, gặp nhiều trở ngại. Từ những vấn đề bất cập nêu trên, tôi cứ trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp.
Sau một thời gian ngắn, tôi mới nảy sinh ra phương án là người dân chỉ cần đến Bộ phận một cửa UBND xã yêu cầu làm một thủ tục ĐKKS cho trẻ thì các bộ phận chức năng cùng cấp phải có trách nhiệm làm luôn 2 thủ tục còn lại cho trẻ là nhập hộ khẩu và đăng ký BHYT. Đây là quy trình khép kín thực hiện 3 thủ tục riêng biệt thành 1 thủ tục duy nhất, trong một thời gian ngắn người dân sẽ nhận được cùng lúc 3 kết quả (Giấy khai sinh, BHYT, Hộ khẩu)”.
Trưởng phòng Tư pháp lập tức làm đề án, đến ngày 31/5/2010 gửi Tờ trình xin thí điểm 6 tháng ở xã Lương Hòa và thị trấn Bến Lức. Tất nhiên, đề án được Sở Tư pháp, UBND huyện nhanh chóng chấp thuận. Trong thời gian này, cũng xuất phát từ tình hình thực tế ở cơ sở, ông Dừa tiếp tục triển khai thêm 1 mô hình mới nữa “hai trong một” là khi dân đến khai tử thì cơ quan Công an phải xóa hộ khẩu luôn cho người mất, nhằm giúp cho người dân khỏi phải đi lại nhiều lần. Mô hình này còn giúp tránh phiền phức về sau nếu người mất mà vẫn còn tên trong sổ hộ khẩu.
Đến cuối năm 2010, UBND huyện tổ chức hội nghị sơ kết việc thí điểm, nêu những ưu điểm, tìm ra mặt hạn chế của mô hình để khắc phục. Mô hình “ba trong một” được nhiều ngành, chính quyền địa phương, người dân đánh giá cao và ủng hộ. Vì thế, ngày 22/3/2011, UBND huyện Bến Lức ban hành Quyết định số 1426/QĐ-UBND cho phép triển khai mô hình này trong toàn huyện, nhưng có bổ sung nội dung mới là “khai tử - xóa hộ khẩu”.
Ngoài những sáng kiến, Phòng Tư pháp còn tham mưu cho lãnh đạo huyện để Bến Lức trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh, là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện tốt Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình: UBND cấp xã phải làm lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp vợ chồng. Do đặc thù Bến Lức có nhiều xã có khu công nghiệp (KCN) đóng trên địa bàn nên ông Dừa đề xuất xã nào có KCN thì sẽ tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn tập thể vào ngày nghỉ thứ bảy cuối tuần.
Dịp này, các cặp vợ chồng trẻ được tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức pháp lý về hôn nhân gia đình. Sáng kiến trên đã được nhân rộng ra các huyện của tỉnh Long An có nhiều KCN như: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
Mô hình được nhân rộng trên toàn quốc
Khi Bến Lức triển khai thí điểm mô hình “ba trong một” được một thời gian ngắn thì vài tỉnh, thành lân cận cũng bắt đầu thực hiện. Ngày 26/7/2013, UBND tỉnh Long An ra Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND triển khai cả 2 mô hình “ba trong một” và “hai trong một” trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ những sáng kiến và áp dụng thực tiễn khởi đầu tại Bến Lức, Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát ở các địa phương; đồng thời chủ trì nhiều Hội thảo khoa học. Mô hình “ba trong một” được các ngành chức năng, UBND các cấp, dư luận xã hội đánh giá đạt hiệu quả cao trong CCTTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại; đồng thời giải quyết kịp thời các quyền lợi hợp pháp của trẻ em mới ra đời, nhất là quyền lợi về chăm sóc sức khỏe; nâng cao trách nhiệm trước dân của cán bộ, công chức, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn...
Vì thế, Bộ Tư pháp trình đề án lên Chính phủ, đề nghị cho thực hiện quy mô toàn quốc. Ngày 4/8/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: ĐKKS, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi”.
Ngày 15/5/2015, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Y tế được ban hành để hướng dẫn thực hiện liên thông về vấn đề trên, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Thời gian thực hiện liên thông được quy định cụ thể như sau: ĐKKS trong thời hạn 1 ngày, đăng ký thường trú tối đa không quá 15 ngày và cấp thẻ BHYT là 10 ngày.
Với sự cống hiến và những thành tích của ông Nguyễn Văn Dừa cũng như của tập thể Phòng Tư pháp huyện Bến Lức nên nhiều năm nay, cá nhân ông Dừa và Phòng Tư pháp đã vinh dự nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Long An. Đơn vị này liên tục dẫn đầu ngành Tư pháp tỉnh nhà.
“Những việc làm của tôi cũng không có gì to tát lắm đâu, nó đều xuất phát từ những chuyến đi thực tế ở cơ sở, rồi tích cực tham mưu cho lãnh đạo thực hiện. Thành công như hôm nay còn nhờ sự tham gia, hỗ trợ nhiệt tình của các ban ngành, nhiều chính quyền địa phương và anh em trong cơ quan tôi. Thời gian tới, tôi sẽ tham khảo một số lĩnh vực thực tế ở địa phương để nghiên cứu, tìm tòi những mô hình mới khác nhằm phục vụ cho việc CCTTHC nói chung, ngành Tư pháp nói riêng trên địa bàn huyện nhà của tôi” - ông Dừa khiêm tốn tâm sự.
Ông Trần Minh Mẫn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An:
Anh Dừa là niềm tự hào lớn của anh em trong ngành
“Anh Dừa là điển hình của sự tận tụy, yêu ngành. Tuy tuổi cao nhưng lúc nào cũng nhiệt tình với công việc, luôn tìm tòi sáng tạo nhằm đem lại sự thuận tiện, lợi ích cao nhất cho người dân. Anh chính là tấm gương sáng của ngành Tư pháp Long An, anh còn được chính quyền, nhân dân trong huyện Bến Lức yêu mến. Có thể nói anh là niềm vinh dự, tự hào lớn của anh em trong ngành chúng tôi”.