Người dân Ấn Độ vật vã với nắng nóng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều vùng ở Ấn Độ vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong 122 năm, với mức nhiệt lên tới 45 độ C, khiến hàng chục người tử vong.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ đô New Delhi, Ấn Độ như đang bốc cháy. Hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ mặt đường, nước chảy ra từ vòi nóng đến mức không thể chạm vào. Nhiệt độ tại New Delhi vào ban ngày đạt 44 độ C và không dưới 30 độ C vào ban đêm. Núi rác Bhalswa khổng lồ tại vùng ngoại ô phía bắc New Delhi tiếp tục cháy từ ngày 26/4 tới nay, khiến không khí oi bức tại thành phố càng trở nên ô nhiễm nặng nề.

Tại bang Odisha, miền đông Ấn Độ, giới chức cho biết một người đàn ông 64 tuổi đã chết vì sốc nhiệt hôm 25/4 và hàng trăm người trong khu vực này cũng phải tiếp nhận điều trị y tế vì nắng nóng.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nước này đã ghi nhận tháng 4 nóng nhất trong 122 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1 độ C, cao hơn gần 1,86 độ C so với thông thường. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 27/4 cảnh báo thời tiết khắc nghiệt làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Cụ thể vào tuần trước, một đám cháy kinh hoàng bùng lên tại bãi rác khổng lồ cao hơn tòa nhà 17 tầng (73m) và rộng hơn 50 sân bóng đá (4.572m) ở ngoại ô New Delhi đã khiến không khí trong thành phố thêm phần ngột ngạt.

Tại nhiều địa phương, nắng nóng khiến trường học bị đóng cửa do các em học sinh không thể chịu được thời tiết khắc nghiệt. Ấn Độ mới đây thậm chí buộc phải hủy bỏ 650 chuyến tàu chở khách từ nay đến hết tháng 5/2022 để dọn đường cho nhiều chuyến tàu chở hàng hơn, trong bối cảnh New Delhi nỗ lực bổ sung lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện. Nắng nóng đã tàn phá nhiều loại cây trồng, trong đó có lúa mỳ, rau củ, trái cây. Tại Ấn Độ, sản lượng lúa mỳ đã giảm đến 50% ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ khắc nghiệt, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu, khi xung đột ở Ukraine vốn đã tác động đáng kể tới nguồn cung.

Do nguồn nước địa phương đang cạn kiệt, phụ nữ ở nhiều ngôi làng vùng nông thôn phải đi bộ tới 2km để lấy nước trong nắng nóng chói chang. Không chỉ thiếu nước, người dân Ấn Độ còn đang đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua, khi lượng than dự trữ tại nhiều nhà máy nhiệt điện xuống thấp kỷ lục, trong khi nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt, khiến hệ thống điện quá tải.

Tình trạng cắt điện luân phiên đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế đang hồi phục sau đại dịch và đe dọa gián đoạn các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện. Nhiều khu dân cư ở các bang như: Uttar Pradesh, Punjab, Haryana và Rajasthan liên tục bị cắt điện 7 tiếng mỗi ngày.

Ông Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, cho hay biến đổi khí hậu khiến nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với nền nhiệt cao hơn. Các đợt nắng nóng sẽ tấn công Ấn Độ khoảng 4 năm một lần thay vì 50 năm một lần như trước đây.

Theo Bloomberg, đợt sóng nhiệt ở Ấn Độ đang thử thách giới hạn chịu đựng của con người, khi kết hợp với hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt". Nhiệt độ bầu ướt là đơn vị nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31°C. Độ ẩm trong không khí có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ nắng nóng mà chúng ta cảm nhận được. Nhiệt độ bầu ướt càng cao, không khí càng nóng bức.

Trên lý thuyết, ngưỡng chịu đựng của con người để sống sót vài giờ trong bóng râm, với nguồn nước không hạn chế, là nhiệt độ bầu ướt 35°C, tương đương chỉ số nóng bức 70°C, dù chỉ số nóng bức thường không chạm tới mức này.

Trong trường hợp nhiệt độ bầu ướt trên 35°C, không khí không thể hấp thụ thêm hơi nước, khiến mồ hôi không bay hơi, làm cho con người gặp các hiện tượng sốc nhiệt như mệt mỏi, chuột rút, phát ban, đặc biệt là tình trạng say nắng với nguy cơ tử vong chỉ sau vài giờ. Hiện tượng này đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong các đợt nắng nóng tại châu Âu và Nga năm 2003 và 2010.

Lo ngại trước thời tiết nắng nóng cực đoan, giới chức Ấn Độ ngày 1/5 kêu gọi các bang đảm bảo hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với làn sóng bệnh nhân tăng đột biến do nắng nóng. Họ cũng khuyến cáo người dân sơn trắng mái nhà để giảm bớt hấp thụ nhiệt.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những biện pháp này là không đủ để giúp người Ấn Độ đối phó với những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm. Hệ thống y tế sẽ không thể giúp được gì khi hàng triệu máy điều hòa chạy hết công suất làm lưới điện quốc gia quá tải giữa nắng nóng chạm ngưỡng chịu đựng của con người.