Người dân bất an, y - bác sỹ lo vì vắc xin Quinvaxem

(PLO) - Theo dự kiến của Bộ Y tế, trong tháng 11 tất cả các địa phương sẽ triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ em. Dự định, quyết tâm là vậy nhưng lo lắng, băn khoăn vẫn ẩn sâu trong mỗi người dân cũng như cán bộ y tế cơ sở.
Người dân bất an, y - bác sỹ lo vì vắc xin Quinvaxem

"Dân tình" nghe ngóng, chờ đợi…

Nghe ngóng, chờ đợi là tâm trạng chung của người dân cả nước cũng như các bậc cha mẹ ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo kế hoạch, ngày 10/11 Trạm Y tế thị trấn Hương Canh sẽ tổ chức tiêm lại vắc xin Quinvaxem cho trẻ, không biết có nên đưa con em mình đến tiêm phòng không là băn khoăn của hầu hết người dân nơi đây.

“Không tiêm cho con cũng lo mà tiêm cho con cũng sợ” – anh Trần Văn Lực, tổ Đông Mướp, thị trấn Hương Canh cho hay. Chung tâm trạng này, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (khu Chợ Cánh, thị trấn Hương Canh) cũng chia sẻ: “Sau một loạt “sự cố” về vắc xin, trong đó có vắc xin Quinvaxem, cả khu tôi ai cũng lo lắng, hoang mang. Tình hình này chắc tôi phải tạm dừng tiêm cho con thôi, chờ khi nào mọi việc ổn thỏa, quyết định sau”…

“Xem ti vi, nghe đài thấy nói về mấy vụ tai biến vắc xin xảy ra gần đây, trong đó có vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem mà tôi thấy hốt quá. Con tôi đã tiêm một mũi rồi, đợt tới là tiêm mũi thứ hai. Lần trước, sau khi tiêm về cháu cũng bị sốt nhẹ và sưng ở chỗ tiêm, tôi cũng thấy lo lo. Nhưng đến đợt tiêm thì vẫn phải tiêm thôi, cầu mong cháu không xảy ra biến cố gì, hy vọng các nhân viên y tế sẽ làm hết trách nhiệm của mình” – chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm (khu Lang Bầu, thị trấn Hương Canh) cũng lo lắng cho biết. 
Chị Xiêm cho biết thêm, đa số người dân ở đây đều đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”; những gia đình hiếm con hoặc có điều kiện một chút thì đưa con lên bệnh viện đa khoa tỉnh, thậm chí lên Hà Nội tiêm cho “chắc ăn”.

Cán bộ y tế hoang mang…

Người dân lo lắng đã đành, đến ngay cả các cán bộ y tế - những người nắm chắc về chuyên môn, kỹ thuật tiêm chủng cũng không tránh khỏi hoang mang khi dồn dập những vụ tai biến sau tiêm xảy ra tại các tỉnh, thành phố. 
Khuôn mặt đầy ưu tư, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hương Canh tâm sự, hơn 25 năm gắn bó với công tác tiêm chủng nhưng anh cũng như các cán bộ y tế ở Trạm lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi ngày ngày, giờ giờ nghe, xem, đọc những thông tin như thế. “Chỉ cần một ca tai biến xảy ra là "đi tong" cả uy tín, công sức bấy lâu nay chúng tôi đã phấn đấu” – bác sỹ Tuấn khẳng định.
Gần 30 năm trực tiếp làm công tác tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe người dân, với trách nhiệm và kinh nghiệm của mình, chưa bao giờ y sỹ Nguyễn Thị Thủy để xảy ra sai sót hay tai biến chuyên môn nào. Tuy nhiên, nghe ti vi đưa tin về các ca tai biến liên quan đến tiêm chủng xảy ra gần đây, chị Thủy cũng hoang mang lắm.

Cẩn trọng, vẫn chưa đủ

Theo các y, bác sỹ Trạm Y tế Hương Canh, trước họ vẫn tiến hành tiêm chủng theo quy trình như thế (tư vấn, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm). Nhưng sau khi các “sự cố” xảy ra và sau khi Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh công tác an toàn trong tiêm chủng, mọi tiến trình được làm cẩn trọng hơn, nhất là khâu giám sát sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, Trạm cũng tiến hành tập huấn, tập huấn lại cho anh em về các kỹ thuật tiêm chủng, an toàn trong tiêm chủng… 
Tuy nhiên, do phải ôm đồm quá nhiều việc (tiêm chủng; chăm sóc sức khỏe người già, bà mẹ, trẻ em; dự phòng bệnh tật; dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…), lực lượng thì mỏng, trình độ hạn chế… nên các nhân viên y tế ở đây không thể đảm đương và làm hết trách nhiệm của mình. 
Chính vì lẽ đó, các y, bác sỹ ở đây mong muốn Nhà nước phải có một cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, động viên anh em làm việc; đồng thời có sự giám sát, thẩm định chất lượng tất cả các loại vắc xin, góp phần giải tỏa tâm lý hoang mang, lo lắng mà các cán bộ y tế cũng như người dân đang canh cánh trong lòng.

Đọc thêm