Người dân bất lực “gồng mình” chịu xe quá tải chở cát “cày nát” đường liên thôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự xuất hiện của mỏ cát, đã khiến làng quê nơi đây bị phá vỡ sự yên bình bao đời nay, khi phải hứng chịu hàng chục lượt xe ben chở cát, đất cỡ lớn “đầu kéo” liên tục nối đuôi nhau đi qua mỗi ngày, kèm theo khói bụi của đoàn xe, tiềm ẩn xẩy ra tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Xác minh thực tế vụ việc theo đơn phản ánh kêu cứu tập thể của bà con thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, những ngày đầu tháng 4, nhóm phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, ghi nhận, tại nơi vùng đất nghèo của xã Sơn Giang, có một mỏ cát do Nhà nước cấp phép cho Công ty TNHH vận tải xây dựng Hồng Nguyên đóng trên địa bàn từ năm 2017. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường xá của khu mỏ lại phải đi ngang qua đường liên thôn, nên người dân nơi đây phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của mỏ cát này.

Bãi cát lớn hoạt động liên tục, có khi suốt ngày đêm.
 Bãi cát lớn hoạt động liên tục, có khi suốt ngày đêm.

Theo đó, ngày 29/3, sau khi người dân phản ánh, Sở Tài nguyên & Môi Trường tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa  tại mỏ cát của Công ty TNHH vận tải xây dựng Hồng Nguyên. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại mỏ có 02 xà lan (không hoạt động) có công nghệ khác với công nghệ được cấp có thẩm quyền cho phép.

Qua làm việc, đại diện Công ty trình bày việc lắp 02 xà lan nói trên tại mỏ cát Sông Ba để thử nghiệm khai thác cát, Công ty đang lập thủ tục chứ chưa được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Lực lượng chức năng đã yêu cầu Công ty không được sử dụng 02 xà lan nêu trên để khai thác mỏ cát Sông Ba, thôn Hà Giang. Tuy nhiên, đến nay 02 xà lan này vẫn hoạt động bình thường.

Xe cẩu liên tục múc cát.
 Xe cẩu liên tục múc cát.

Người dân bất lực “gồng mình” chịu xe quá tải

Con đường bê tông liên thôn có tải trọng dưới 30 tấn do người dân thôn Hà Giang góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng để người dân ở thôn này kết nối, giao thương với các xã ngoài và trung tâm huyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây các doanh nghiệp khai thác cát tự ý tận dụng để chuyển chở cát, đất bằng phương tiện có tải trọng lớn lên đến 60-70 tấn, làm cho tuyến giao thông xuống cấp trầm trọng.

Đường sá hư hỏng với hàng trăm ổ voi, ổ gà lổm nhổm trên mặt đường, khiến cho việc đi lại của bà con nơi đây trở nên khó khăn. Càng nguy hiểm hơn khi mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben chở cát tải trọng lớn phóng ầm ầm, kéo thành đoàn trên đường khiến người dân đang lưu thông phải lưu thông vào sát ruộng để né tránh.

Ông X.L. - người dân sống tại khu vực này chia sẻ, khi các cháu đi học thấy xe ô tô lớn, quá tải trọng chạy lấn đường, vì sợ nên đã né và lao xuống ruộng ướt cả người, phụ huynh bức xúc dắt đến UBND xã nhờ giải quyết nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được gì.

Hàng ngày, con đường thôn Hà Giang bị dày xéo dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phải “gồng mình” chịu sức tàn phá của xe quá khổ, quá tải.

Những chiếc xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến giao thông liên thông gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho người dân.
Những chiếc xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến giao thông liên thông gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho người dân.

Công tác kiểm tra, giám sát lỏng lẻo, có dấu hiệu bảo kê?

Ghi nhận của PV tại hiện trường, chưa đầy 15 phút, với hàng chục xe chở cát loại 3-4 giò và xe “đầu kéo” tải trọng lớn sau khi đã ăn đầy hàng “cát”, được các tài xế nhấn ga gầm lên bởi tiếng động cơ, tăng tốc phóng trên đường thôn, kéo theo đó là gió và bụi bay đầy trời. Người dân tại đây cho biết thêm, “thậm chí có khi xe còn chạy hai ba giờ sáng gây ồn ào khiến người dân bị thức giấc không thể ngủ được”.                                                                                                                                 

Theo dấu một chiếc xe ben, chạy khói bụi bay mù mịt đang lao vun vút trên đường vào thôn, dẫn chúng tôi đi qua một oạn dài đường liên thôn là một bãi tập kết cát lớn để nhận hàng. Sau khi được đầy cát, chiếc xe ben ì ạch bò khỏi bến cát lao về đường cũ. Phần lớn những chiếc xe trên đều có dấu hiệu quá tải, cơi nới thùng xe, cát được bơm, xúc vượt thành thùng xe.

Có đoạn đường chỉ vừa 1 làn xe ben đi qua.
Có đoạn đường chỉ vừa 1 làn xe ben đi qua. 

Từ thông tin của người dân phản ánh và sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên vẫn không thấy bóng dáng của các lực lượng thanh tra giao thông hay cảnh sát giao thông  kiểm tra, xử lý các trường hợp nêu trên. Mặc dù sự việc này được người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương từ rất lâu.

Chứng kiến xe qua lại hàng ngày, Chị N.T.M – người dân sống trên trục đường này bức xúc, "sở dĩ xe ben nhiều vậy là vì ở thôn hiện đang có một mỏ cát đang hoạt động, khai thác. Do đó, hàng ngày các xe ben ở khu vực khác liên tục đi qua địa bàn thôn để chở cát cho các cơ sở vật liệu xây dựng. Nhiều lần, chịu không nổi, người dân đã kéo ra chặn xe, không cho lưu thông.

Nhưng cuối cùng đâu cũng vào đó, xe ben vẫn liên tục chạy bất chấp nguy hiểm cho các em học sinh trên đường đi học, đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng xảy ra tai nạn rồi mới xử lý, tồn tại thực trạng trên là có dấu hiệu bảo kê, các chủ xe gửi xe hàng tháng nên tài xế chạy ngang nhiên mà vẫn không bị xử lý...".

Một điều không phủ nhận là hệ lụy từ thực trạng này là ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại trực tiếp đến người dân khi các tuyến đường giao thông được xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con lại mau chóng hư hỏng, đời sống người dân bị đảo lộn khi ngày đêm phải sống chung với các “hung thần” xe ben có tải trọng lớn tàn phá gây nguy hiểm.

Con đường xuống cấp nghiêm trọng, đất cát rơi vãi xuống đường trơn trượt khiến nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Con đường xuống cấp nghiêm trọng, đất cát rơi vãi xuống đường trơn trượt khiến nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông. 

Và điều đáng lo ngại hơn, là người dân bị mất niềm tin vào sự quản lý của các cơ quan chức năng. Dư luận đặt ra, vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi không thể giải quyết được thực trạng này? Đến bao giờ vấn nạn xe quá tải ở đây mới được chấm dứt? Người dân còn chịu ảnh hưởng đến bao giờ? Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.  

Đọc thêm