Người dân có thể “hỏi” lý lịch thế chấp mọi thửa đất

Ông Vũ Đức Long – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trao đổi những vấn đề liên quan đến việc sắp công khai thông tin thế chấp bất động sản


Sau khi PLVN đăng bài “Sắp công khai thông tin thế chấp bất động sản”, nhiều cuộc gọi, email của bạn đọc chuyển tới tòa soạn mong muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Long – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm:


Công khai là có lợi cho ngân hàng

- Thưa ông, một số ý kiến cho rằng ngân hàng phải giữ bí mật cho khách hàng khi  thế chấp bất động sản để vay vốn. Vậy thì, việc công khai thông tin về thế chấp liệu có ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng không?

- Thông tin thế chấp là dữ liệu của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, vì theo quy định hiện hành, thông tin thế chấp được ghi chính trong “sổ đỏ”. Có công khai thông tin thế chấp thì ngân hàng khác muốn nhận thế chấp mới biết được mảnh đất này đã thế chấp để không nhận nữa. Như vậy, ngân hàng cũng là người “thụ hưởng” thông tin này, trên cơ sở đó yên tâm cho vay với những tài sản thế chấp minh bạch. Vấn đề cần xử lý là mối quan hệ giữa các văn phòng đăng ký và ngân hàng là như thế nào.

Nếu ngân hàng coi thông tin thế chấp là bí mật thì sẽ lại có một khoảng trống, một “điểm đen” nào đó không thể động tới được. Tôi cho rằng, đã tới lúc phải xem xét trong hoạt động ngân hàng, đâu là thông tin bí mật, bí mật ở mức nào để có thể dành chỗ cho sự công khai các thông tin khác liên quan tới tài sản. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng đáng lẽ thông tin cần phải công khai thì lại được cho là thuộc phạm trù bí mật, không giúp cho việc minh bạch hóa thị trường.

- Có phải vì thế mà thời gian vừa qua đã xẩy ra nhiều vụ lừa đảo do mập mờ thông tin thế chấp quyền sử dụng đất, mà mới đây nhất là vụ Giám đốc công ty cổ phần thương mại tổng hợp Quốc tế D&T Trần Thị Mỹ Hạnh lừa đảo bán đất dự án đã thế chấp?

- Những vụ việc này chủ yếu là lừa đảo ngay từ khâu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như một nhà có đến 2 – 3 giấy khác nhau; một tài sản thế chấp vài nơi, có nguyên nhân từ chính sự dễ dãi của ngân hàng; một hợp đồng được nhiều văn phòng công chứng xác nhận… Vì vậy, thông tin thế chấp càng phải công khai, phải đăng ký. Hiện nay, ở Việt Nam, đất thì đăng ký bắt buộc, song nhà thì chưa nên không theo dõi được, là kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo, bán một nhà cho nhiều người khác nhau.


Có tiêu chí, phạm vi thông tin rõ ràng


- Theo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì người dân có thể đến bất kỳ văn phòng đăng ký nào để yêu cầu cung cấp thông tin, phải không thưa ông?

- Về nguyên tắc là thông tin phải cởi mở. Dự thảo Thông tư không hề đề cập việc hạn chế địa giới hành chính, người yêu cầu chỉ cần làm đơn nộp cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Vấn đề chính lại là ý thức, thái độ đối xử với công khai thông tin ở mức độ nào. Khó nữa là phải tạo tâm lý rằng nghĩa vụ cung cấp thông tin là quan trọng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực ra, việc cung cấp thông tin đòi hỏi tốn kém nên các văn phòng rất ngại cung cấp thông tin, mất thời gian trong khi phí lại không đáng bao nhiêu, chưa kể những đối tượng lợi dụng việc không cung cấp để lừa đảo. 


- Dự thảo Thông tư cũng quy định khá cụ thể về nội dung văn bản cung cấp thông tin. Ông có thể nói rõ hơn?

- Việc cung cấp thông tin là theo yêu cầu của người có yêu cầu, các văn phòng đăng ký sẽ trả lời bằng văn bản với những nội dung tối thiểu nhất. Dự thảo Thông tư đã xác định tiêu chí, phạm vi thông tin để tránh trường hợp có văn phòng “lười” không cung cấp. Chẳng hạn, trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang thế chấp thì xác nhận đang thế chấp  với thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức nhận thế chấp và ngày tháng năm thực hiện đăng ký thế chấp; trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất thì xác nhận đang thế chấp quyền sử dụng đất, đối với tài sản gắn liền với đất thì xác nhận chưa thế chấp; trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đăng ký thế chấp và đã xóa đăng ký thế chấp thì xác nhận đã thế chấp và xóa thế chấp…

Phá vỡ thế “bế quan tỏa cảng”


- Tuy nhiên, lâu nay việc tiếp cận thông tin thế chấp vốn không dễ dàng gì. Với một văn bản ở tầm thông tư, liệu có tạo được bước chuyển mạnh mẽ không, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, cái chính là ý thức với công khai thông tin. Phải thừa nhận rằng thông tin về các tài sản đất đai, nhà ở tại các địa phương hiện nay gần như “bế quan tỏa cảng”. Giữa các văn phòng chưa nối mạng, chưa liên thông thông tin với nhau và ở từng văn phòng, việc công khai thông tin cũng rất hạn chế, người dân khó có thể tiếp cận thông tin đó được. Vì vậy, cần phải phá vỡ thế này và làm theo từng cấp độ mà trước hết sẽ nối các văn phòng đăng ký cấp huyện với nhau, tiến tới văn phòng của huyện nối với văn phòng của tỉnh, trong tỉnh có một cơ sở dữ liệu thống nhất, tiến tới nối tất cả các tỉnh để thống nhất trong toàn quốc.

Ngoài Thông tư này, Cục cũng đang xây dựng Đề án thí điểm tại một địa phương về đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm trong các lĩnh vực từ đất đai, nhà ở đến các tài sản khác như động sản, tàu bay, tàu biển nhằm công khai hóa thông tin, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận với thông tin, cơ sở dữ liệu. Chúng tôi cho rằng dữ liệu là tài sản, tài sản này chỉ phát huy đúng vị thế nếu được công khai thông tin, để người ta biết được số phận của tài sản, địa vị của tài sản, sự thay đổi của tài sản đó. Đồng thời, trong tháng 6, Cục sẽ xúc tiến ra đời Trung tâm đăng ký trực tuyến đối với động sản, trừ tàu bay, tàu biển. Về mặt kỹ thuật, trung tâm này có thể tích hợp được khoảng 50 triệu thông tin, tức là hoàn toàn khả năng chứa tất cả các dữ liệu của 63 tỉnh thành liên quan tới các loại tài sản khác nhau.

- Xin cảm ơn ông!


Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm