Hôm nay (13/6), Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp với Đoàn Luật sư TP Toulouse (Pháp) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức “Khóa Bồi dưỡng LS trong thủ tục trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài” nhằm tăng cường vai trò của luật sư (LS) trong khuyến khích sự phát triển, phổ biến của phương thức trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài trong giải quyết tranh chấp, nhất là tranh chấp thương mại.
Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam chỉ có khoảng 260.000 vụ việc được giải quyết thông qua tố tụng trọng tài trong khi ở Pháp con số này lên đến hàng triệu vụ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam còn thấp (chỉ 54%), chỉ 1/16 phán quyết trọng tài của Pháp được công nhận và thi hành tại Việt Nam.
Ở Nhật, 100% phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành. Ở Anh chỉ 2/89 phán quyết bị từ chối. Pháp, Hà Lan, Singapore rất ít phán quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối.
LS Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội nhấn mạnh, trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài là hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng được khuyến khích trong giải quyết tranh chấp theo tinh thần cải cách tư pháp.
Song cả hai phương thức này vẫn chưa được đặt trong danh sách ưu tiên lựa chọn cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại của các cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Theo đánh giá của các LS, nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính các quy định của pháp luật liên quan đến hai phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án này.
Như quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 cho phép một bên được gửi đơn lên Tòa án yêu cầu hủy quyết định trọng tài trong “làm cho tố tụng trọng tài trở nên rất rủi ro” - LS.Đào Ngọc Chuyền nhận xét.
Cùng với đó, quy định phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự là không phù hợp với đặc thù của phương thức trọng tài thương mại là “nhanh, gọn” mà chỉ làm phức tạp thêm quá trình áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để bảo đảm tính bí mật của các thông tin và tài liệu trong quá trình hòa giải; chưa quy định rõ ràng về việc các thông tin, tài liệu được các bên đưa ra trong quá trình hòa giải có được coi là bí mật nghề nghiệp của hòa giải viên…
Vì vậy, thiếu cơ chế bảo đảm nguyên tắc bí mật trong phương thức trung gian hòa giải, làm các bên lựa chọn phương thức này thiếu cởi mở, thẳng thắn làm quá trình hòa giải sẽ rất dễ đi đến bế tắc…
Ở Mỹ, phương thức hòa giải đáp ứng mục tiêu của các bên, chi phí thấp hơn tố tụng tại Tòa án, hạn chế những ảnh hưởng tâm lý trong quá trình giải quyết tranh chấp… Phương thức hòa giải ngoài tố tụng thường kéo dài 3-12 tháng tùy mức độ của từng vụ việc, qua 4-6 phiên thương thuyết (cách nhau 2-3 tuần), tỷ lệ thành công vào khoảng 85%.
Chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại Đoàn LS TP Hà Nội về phương thức trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài, LS Anne Faure - Chủ nhiệm Đoàn LS TP Toulouse (Pháp) khẳng định, LS đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp bằng hai phương thức này.
Do đó, LS cần khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và phải nắm được kỹ năng để giúp khách hàng khi tham gia quá trình hòa giải cũng như tố tụng trọng tài.
LS cần biết "rút lui" đúng thời điểm để khách hàng có được sự giúp đỡ của LS hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Như ở Pháp, khi đã hòa giải thành công, LS hoàn tất thủ tục và rút ra khỏi hồ sơ, không tiếp tục được giúp đỡ khách hàng trong những quá trình tố tụng tiếp theo theo ĐIều lệ hòa giải đã ký với khách hàng.
Từ thực tế ở Việt Nam trước yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại thời kỳ hội nhập, các LS cho rằng, cần hoàn thiện thể chế về hai phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án này để tháo gỡ những vướng mắc, đưa trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài được áp dụng hiệu quả trong giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp dân sự, thương mại, xã hội như ở nhiều quốc gia.