Ô nhiễm nặng nề bên dòng Bắc Hưng Hải
Theo phản ánh của bà H (ngụ khu liên cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) từ nhiều năm nay, gia đình bà luôn phải sống trong cảnh ngột ngạt, khó chịu do mùi từ phía Cụm công nghiệp Tân Quang (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng yên) mỗi khi có gió lớn thổi qua.
“Tôi về ở đây từ năm 1982 nhưng chưa bao giờ thấy không khí và dòng sông ô nhiễm như lúc này. Ban ngày thì còn đỡ, chứ vào ban đêm thì mùi hóa chất do gió thổi sang và mùi hôi từ dòng sông bốc lên rất khủng khiếp”, bà H bức xúc.
Còn anh Q, là người dân xã Tân Quang, hiện đang làm bảo vệ cho một nhà máy nằm dọc theo sông Bắc Hưng Hải cho biết, khi Cụm công nghiệp Tân Quang chưa có, cá dưới dòng sông này nhiều vô kể.
“Thanh niên chúng tôi xuống đi dọc bờ sông một tí là về có cá để ăn ngay. Nước sông thì trong, có thể múc lên uống trực tiếp. Còn bây giờ, chỉ lội chân xuống thôi cũng không ai dám lội. Nhiều người dân chúng tôi bức xúc cũng đã kiến nghị nhiều rồi, nhưng đến giờ vẫn cứ sống trong khói bụi mà mùi hôi thối”, anh Q cho biết.
Theo chân anh Q, PV luồn lách qua bãi cỏ lau rậm rạp để đến một con mương nhỏ, nơi chia cắt địa giới giữa xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) và xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Nơi đây có hàng loạt thùng nhựa đựng hóa chất vứt chỏng chơ trên bãi cát. Từ các thùng nhựa này, mùi hóa chất xông lên nồng nặc rất khó chịu. Một số thùng nhựa khác tuy không có mùi nhưng nhãn hiệu ghi trên các thùng này cho thấy, đó là một loại “phụ gia trợ nghiền”.
|
Các thùng nhựa đựng hóa chất bốc mùi nồng nặc vứt chỏng chơ ngay sát bờ rào của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Công nghiệp môi trường Việt Nam. |
Theo thông tin an toàn và môi trường ghi trên nhãn mác, thì đây là các loại hóa chất tránh tiếp xúc trực tiếp với da, mắt, miệng và cấm thải hóa chất này ra môi trường. Một số thùng khác thì có ký hiệu 23771 TROP-L và cho biết thông số ảnh hưởng sức khỏe là 2 (thấp nhất là 0, cao nhất là 4).
Theo quan sát của PV, các thùng nhựa đựng hóa chất này nằm cách bờ rào của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Công nghiệp môi trường Việt Nam chỉ khoảng vài mét. Đây là công ty chuyên xử lý rác thải độc hại và rác thải công nghiệp.
Nằm cách các thùng hóa chất này không xa là một cống ngầm dưới lòng đất chảy ra sông Bắc Hưng Hải những dòng nước đen kịt. Anh Q cho biết thêm, đi kèm với dòng nước đen kịt, bóng váng mỡ này là mùi hôi thối nồng nặc bốc lên suốt ngày đêm.
Thiếu hàng loạt giấy phép nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động?
Theo chỉ dẫn của anh Q, PV đã lần theo nơi đầu nguồn của ống cống ngầm này, đi đến một con mương nhỏ và xuyên vào Cụm công nghiệp Tân Quang (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Theo lời anh Q, thì con mương này là địa giới của xã Kiêu Kỵ và xã Tân Quang.
Điều khiến PV tò mò là ở con mương này, phía sau bờ rào của Công ty TNHH Nhuộm và Giặt thời trang quốc tế là một ống nhựa đường kính trên 10cm đang xả thải với khối lượng nước rất lớn. Anh Q lấy chai nhựa múc lên cho PV xem thì nước có màu đen và bốc lên mùi như thuốc tẩy quần áo và hóa chất rất khó chịu. Trên mặt nước, từng mảng bọt đen trắng lẫn vào nhau nổi bồng bềnh hoặc bám vào cành cây.
|
Nước đen ngòm từ ống cống ngầm chảy ra môi trường. |
Để tìm hiểu rõ sự việc, PV đã đến Công ty TNHH Nhuộm và Giặt là thời trang quốc tế để làm việc nhưng ông Hoàng Anh, người tự xưng là quản lý Công ty này đã từ chối làm việc.
Để làm rõ việc xả thải ra môi trường của công ty này có đúng pháp luật hay không, PV đã liên hệ làm việc với Công an huyện Văn Lâm. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an huyện này đã cử hai cán bộ thuộc Đội Hình sự, kinh tế và ma túy, môi trường cùng Công an xã Tân Quang PV xuống địa điểm xả thải của Công ty TNHH Nhuộm và Giặt là thời trang quốc tế để ghi nhận thực tế.
Với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, lúc này, ông Hoàng Anh đã hợp tác cung cấp các thông tin về việc xả thải của Công ty. Trong quá trình làm việc, PV đã phát hiện hàng loạt vấn đề bất cập mà không hiểu sao, đến nay các cơ quan chức năng của địa phương chưa vào cuộc để xử lý?.
Mặc dù xưởng giặt là sử dụng rất nhiều hóa chất nhưng hàng chục công nhân đang làm việc không hề có bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động nào. Từ quần áo, đến khẩu trang, găng tay, ủng chân… đều không hề được trang bị. Nhiều công nhân chỉ làm việc với đôi tay trần, quần áo lót trông rất nguy hiểm và mất vệ sinh.
|
Cảnh hoạt động trong nhà xưởng của Công ty TNHH Nhuộm và giặt là thời trang quốc tế. |
Không những vậy, theo như lời ông Hoàng Anh thì Công ty đi vào hoạt động từ khoảng tháng 10/2013, đến nay đã là 3 năm nhưng chưa hề được Phòng PCCC & CNCH tỉnh Hưng Yên cấp chứng nhận. Một công ty hoạt động trong môi trường dễ gây ra cháy nổ như vậy (có 2 lò hơi nước được đốt bằng than rất lớn và hóa chất, quần áo, vải vóc…) nhưng tại sao 3 năm qua, các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra mà không phát hiện ra?.
Theo quan sát của PV, mặc dù nhà xưởng rất lớn với nhiều hạng mục, nhưng từ than, hóa chất, thùng nhựa… đều vứt rất lộn xộn, bẩn thỉu. Thế nhưng, trong trong Biên bản kiểm tra PCCC, Phòng CSCC&CNCH của Công an tỉnh Hưng Yên vẫn nhận xét là: … “bố trí, sắp xếp hàng hóa trong kho ngăn nắp”. Và cũng không hiểu sao, Công ty chưa được cấp giấy chứng nhận về PCCC mà Biên bản này không hề ghi nhận? Liệu có điều gì ẩn khuất hay không?
Và điều mà chúng tôi thấy kỳ lạ là trong 3 năm hoạt động, mỗi tháng xưởng giặt là của công ty này sử dụng hàng nghìn mét khối nước ngầm nhưng chưa hề được cấp giấy phép khai thác nước ngầm theo quy định của pháp luật. Khi đề cập vấn đề này, ông Hoàng Anh cho biết, mặc dù công ty chưa được cấp phép khai thác nước ngầm, nhưng từ 2014 – 2016, công ty luôn nộp đầy đủ lệ phí với Sở TNMT tỉnh Hưng Yên.Tuy nhiên, trong văn bản mà ông Hoàng Anh cung cấp, đây chỉ là lệ phí Bảo vệ môi trường và nước thải công nghiệp mà thôi.
Thêm nữa, khi ông Hoàng Anh chia sẻ thông tin khiến chúng tôi lo ngại đó là mặc dù Công ty đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, nhưng tận nửa năm sau, công ty này mới xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Vậy một thời gian trước đó, với hàng chục mét khối nước độc hại thải ra môi trường hàng ngày, ai phải chịu trách nhiệm? Chẳng nhẽ chỉ với mấy chục triệu xử phạt như ông Hoàng Anh nói là xong?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh./.
Ông Hoàng Anh cho biết, hiện nay công ty chưa được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong khi đó, theo khoản 2, Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường “phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án”. Câu hỏi dặt ra là ai đã dung túng cho sai phạm của Công ty này trong 3 năm qua?
Cùng với đó, mặc dù Công ty TNHH Nhuộm và Giặt là thời trang quốc tế đi vào hoạt động được 3 năm nhưngCông ty này đã bị Cục Cảnh sát môi trường xử phạt gần 100 triệu đồng vào năm 2014. Sau đó, đến năm 2015 lại tiếp tục bị Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên xử phạt tiếp.