Người dân không còn mặn mà với cây mía?

(PLVN) - Niên vụ mía 2018 - 2019 đang bước vào vụ thu hoạch nhưng ngành mía đường được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi đường "ngoại" vẫn tràn lan thị trường và có giá rẻ hơn...
Ảnh minh họa

Mía đường trong tâm bão khó khăn

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến nay cả nước đã có tới 36 nhà máy (NM) đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn với diện tích khoảng 300.000ha. Hàng năm, ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường (với giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng).

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA cho rằng, mặc dù mía đường thuộc mặt hàng bình ổn giá nhưng niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp phải hứng chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi.  Khí hậu thời tiết không tốt, giá cả và thị trường trong nước và quốc tế ở mức thấp, nhất là kết quả kinh doanh giảm sút, thua lỗ của nhiều NM, Công ty mía đường đã dẫn đến việc mía đường tồn đọng và ngành mía đường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ.

Thống kê, đến ngày 15/5, có 36/36 NM đường đã vào vụ sản xuất 2018-2019, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. Ước cả niên vụ 2018-2019 sẽ có khoảng 14 triệu tấn mía, với 1,3 triệu tấn đường, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Với đà sản xuất như vậy, dự báo tình hình niên vụ 2019-2020 cũng sẽ tiếp tục giảm so với hiện nay. Theo đó, diện tích sẽ giảm chỉ còn khoảng 220.000ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường còn khoảng 1,25 triệu tấn.

Trong khi lượng đường còn tồn đọng từ niên vụ trước rất lớn thì đường lỏng tiếp tục nhập khẩu (NK) gia tăng (năm 2014 NK 46.000 tấn thì năm 2018 NK 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần). Vì thế, giá đường hiện nay đang ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều nơi, giá đường của Thái Lan và Campuchia, chủ yếu là nhập lậu lại có giá thấp hơn, chỉ từ 9.600 đồng đến 9.800 đồng/kg, khiến lượng đường tiêu thụ trong nước rất chậm.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, nguyên Phó Tổng Giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ cho rằng, do thế giới dư thừa sản lượng đường nên giá cả giảm mạnh. Cũng vì giá đường thấp nên hầu hết các NM đường hoạt động không hiệu quả, nếu không muốn nói là thua lỗ và cầm chừng. Tại ĐBSCL mặc dù đến tháng 5/2019 mới kết thúc vụ, nhưng đến nay chỉ còn 5 NM đường hoạt động (Vị Thanh, Phụng Hiệp, Trà Vinh, Sóc Trăng và Long Mỹ Phát); trong khi các NM khác như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre và 2 NM đường ở Long An đã ngừng sản xuất. 

Nông dân không còn mặn mà với cây mía

Do giá mía liên tục giảm và lợi nhuận không còn nên tại nhiều địa phương, nông dân không còn mặn mà với cây mía. Các địa phương như Tây Ninh, An Giang, diện tích trồng mía giảm tới 40%. Riêng ở thủ phủ mía Hậu Giang, nếu như năm 2012 toàn tỉnh trồng hơn 12.000 ha mía, thì năm 2018 sụt giảm còn 10.500 ha; niên vụ mía 2019- 2020 tiếp tục giảm xuống khoảng 8.500 ha. Tại Hòa Bình - thủ phủ mía phía Bắc, người dân chuyển sang bán mía chục cho các cơ sở giải khát, hoặc xoay sang mía tím để bán lẻ hy vọng có lãi chứ không còn thiết tha với các NM đường.

Vậy mối liên kết giữa các NM đường và nông dân đã đứt gãy? Ông Đỗ Thanh Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc CTCP Đường Khánh Hòa, đồng thời là Phó Chủ tịch VSSA đánh giá, nếu người dân “quay lưng” với cây mía để chuyển sang cây trồng khác sẽ càng đẩy ngành mía đường Việt Nam vào khó khăn. Tại Ninh Hòa, trung bình mỗi năm diện tích mía giảm khoảng gần 1.000 ha. 

Hiện giá thu mua mía tại ruộng của đa phần các NM đường rơi vào khoảng 300 đến 700 đồng/kg cho 10 chữ đường. Mức giá này được đánh giá là quá thấp, người dân không có lãi. Trong khi đó, các NM đường không thể thu mua cao hơn. Thậm chí, có nơi dừng bao tiêu nguyên liệu càng khiến người dân ngoảnh mặt với cây mía. 

Mới đây, CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, do tình hình sản xuất kinh doanh mía đường khó khăn, nên dự kiến niên vụ mía 2019-2020, phía Casuco sẽ không ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân Hậu Giang và các tỉnh như những vụ trước; mà chuyển sang hình thức thu mua theo giá sàn. Thông tin này ít nhiều khiến ngành chức năng và nông dân trồng mía lo lắng, bởi Casuco là doanh nghiệp mía đường hàng đầu ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Lâu nay, có hơn 62% diện tích mía của địa phương được Casuco hợp đồng bao tiêu; nay nếu Casuco không bao tiêu thì tình hình vô cùng khó. Cần thấy rằng, trong tình cảnh nông dân trồng mía thua lỗ do giá thấp và nếu công ty không bao tiêu sẽ dẫn đến đầu ra càng bấp bênh hơn; khi đó nông dân ào ạt phá bỏ cây mía là khó tránh khỏi”.

Ngành mía sẽ ra sao khi có ATIGA?

Khi Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2020, thuế NK đường trong khu vực Đông Nam Á về 0%. 

Lo lắng trước điều này, VSSA đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian bảo hộ, đồng thời cơ cấu lại giá mía nguyên liệu, theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa NM với nông dân theo tỉ lệ 70/30.  VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12%. Hiện mặt hàng đường lỏng đang không áp dụng hạn ngạch thuế quan và thuế suất áp dụng trong các nước ASEAN là 0%.

Đọc thêm