Hôm thứ Sáu – 5/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức tham vấn kín về tình hình ở Myanmar. Trong bài phát biểu của Đặc phái viên Christine Schraner-Burgener được dịch vụ báo chí của Liên hợp quốc công bố, bà Schraner-Burgener nói: "Mọi người đổ xô đến các máy ATM để rút tiền tiết kiệm vì sợ hệ thống ngân hàng ngừng hoạt động. Sau cuộc đảo chính, các ngân hàng không mở các chi nhánh".
Bà Schraner-Burgener cho biết, cuộc khủng hoảng trong nước ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất, kinh doanh, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Theo bà, Ngân hàng Trung ương Myanmar áp đặt hạn chế rút tiền mặt nhằm kiềm chế cơn hoảng loạn. Việc chuyển tiền quốc tế cũng bị đình chỉ và tài khoản ngân hàng của một số cơ quan Liên hợp quốc đã bị đóng băng.
Bà Christine Schraner-Burgener, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Myanmar. |
Ngoài ra, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Myanmar Christine Schraner-Burgener cho biết, bà đã tiếp xúc chặt chẽ với mọi người ở nhiều cộng đồng khác nhau kể từ khi quân đội tiếp quản ngày 1/2, “bao gồm cả những công chức tận tụy, là những anh hùng thực sự và những người bảo vệ cho sự tiến bộ dân chủ của quốc gia”.
“Tuy nhiên, hy vọng mà họ đặt vào Liên hợp quốc và tư cách thành viên của nó đang suy yếu và tôi đã trực tiếp nghe thấy những lời khẩn cầu tuyệt vọng - từ các bà mẹ, học sinh và người già. Mỗi ngày, tôi nhận được khoảng 2.000 tin nhắn kêu gọi hành động quốc tế nhằm đảo ngược một cuộc tấn công rõ ràng vào ý chí của người dân Myanmar và các nguyên tắc dân chủ”, bà nói.
Bà kêu gọi Hội đồng thúc đẩy hơn nữa để chấm dứt bạo lực và khôi phục các thể chế dân chủ. Đặc phái viên cho biết: “Khoảng 50 người biểu tình "vô tội và hòa bình" hiện đã bị giết và nhiều người bị thương, với bằng chứng về sự hiện diện của các tay súng bắn tỉa quân sự.”
“Nghĩa vụ của chúng ta là bảo vệ những người không có khả năng tự vệ”, Đặc phái viên Christine Schraner-Burgener nói.