Người đàn ông bị hoại tử túi mật do sỏi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân L.Đ.H., nam, 39 tuổi, trong tình trạng đau dữ dội vùng hạ sườn phải kèm theo sốt, da vàng, mắt vàng.
9 viên sỏi to trong túi mật bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ
9 viên sỏi to trong túi mật bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế đã tiến hành thăm khám, làm các cận lâm sàng cần thiết và chẩn đoán hoại tử túi mật/kẹt cổ túi mật do sỏi. Sau khi tiến hành khảo sát toàn trạng và hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật hoại tử cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật tiến hành thành công, các bác sĩ đã lấy ra được 9 viên sỏi to trong túi mật của người bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh, sức khỏe tốt và đã được chỉ định ra viện.

BSCKII. Đỗ Xuân Hùng, Trưởng khoa Ngoại - Chuyên khoa cho biết: Sỏi túi mật là căn bệnh ngày càng phổ biến và thường gặp hơn ở nữ giới, người thừa cân, béo phì, người từ 40 tuổi trở lên, các bệnh nhân dùng thuốc giảm mỡ máu hoặc thuốc có chứa estrogen như thuốc điều trị hormone…

Bệnh sỏi túi mật thường tiến triển âm thầm, rất ít triệu chứng. Nhưng biến chứng xảy ra thường không báo trước, diễn biến đột ngột bất cứ lúc nào. Khi sỏi túi mật kẹt cổ túi mật sẽ dẫn đến ứ đọng dịch mật, kết hợp với tình trạng nhiễm khuẩn gây viêm túi mật cấp có thể dẫn đến áp xe túi mật, hoại tử túi mật hoặc vỡ gây viêm phúc mạc mật...

Để phòng ngừa bệnh sỏi túi mật, mọi người cần thay đổi lối sống sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất. Kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, giảm mỡ, chất béo, tăng lượng rau quả tươi giàu vitamin B, C để tăng chuyển hóa chất béo và tinh bột. Cùng với đó thực hiện tẩy giun định kỳ để tránh nhiễm trùng và ký sinh trùng đường tiêu hóa.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo, người bệnh khi phát hiện có sỏi túi mật không nên tự ý sử dụng các thuốc tác dụng tan sỏi bởi thuốc này có rất ít hiệu quả trong việc làm giảm kích thước hoặc mất hoàn toàn sỏi túi mật, chi phí lại rất tốn kém. Thay vào đó, nên tới các cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra định kỳ để điều trị hoặc phẫu thuật khi cần thiết.

Đọc thêm