Đó là câu chuyện về ông Dương Anh Tuấn (SN 1980, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và đàn cá tự nhiên mà ông đã chăm sóc hơn 1 năm qua. Người đã dành nhiều tâm huyết để bảo vệ, chăm sóc và tạo môi trường trú ngụ cho đàn “chim trời cá nước”.
Ông Tuấn là tiểu thương tại chợ, công việc vốn dĩ khá bận rộn. Năm 2023, ông Tuấn quyết định làm một bè nhỏ ở phía sông trước nhà để nuôi cá, với mong muốn có một góc thư giãn sau những giờ làm việc. Ban đầu, ông Tuấn thả những con cá điêu hồng, tai tượng… trong bè và ngồi cho cá ăn, ngắm chúng. Sau thời gian, ông Tuấn bất ngờ phát hiện cá ngoài sông tự nhiên bơi đến gần bè để tìm thức ăn, điều này làm ông thêm phần thích thú.
Theo ông Tuấn, hiện nay số lượng đàn cá tự nhiên này lên đến hàng nghìn con ước khoảng 3 – 4 tấn. |
“Tôi không biết đàn cá này đến đây từ bao giờ, chỉ biết mỗi ngày lại càng đông hơn. Thấy vậy nên tôi cho chúng ăn mỗi khi tôi chăm sóc cá trong bè. Lâu dần, đàn cá quen nơi này nên bây giờ chỉ cần có người đi rung rinh xuống bè là cả đàn trồi lên mặt nước ngay” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, ban đầu đàn cá này rất ít chỉ vài chục con, chủ yếu là cá tra nhưng đến nay số lượng có thể lên cả nghìn con, nhiều chủng loại như: cá mè vinh, cá trê, cá lóc... Nhiều người hiếu kỳ đến tận nơi xem và vô cùng ngạc nhiên không hiểu vì sao giữa con sông rộng lớn lại có đàn cá vây quanh bè của ông Tuấn sinh sống.
Thấy chồng say mê với đàn cá, vợ ông Tuấn cũng ủng hộ nhiệt tình. |
Trước số lượng cá ngày càng đông, ông Tuấn tự bỏ tiền túi ra thuê xáng cạp về cải tạo, mở rộng diện tích mặt nước lên hàng trăm mét vuông nhưng điều bất ngờ hơn dù bị động môi trường sống mà đàn cá vẫn không bỏ đi. Ông còn mua lưới, tre và cừ tràm rồi kéo lục bình tạo thành lá chắn và môi trường sống an toàn cho chúng. Thậm chí, ông Tuấn còn lắp camera theo dõi, tránh người khác vào chích điện đàn cá.
Thời gian gần đây, công tác chăm sóc đàn cá cũng khá vất vả và tốn kém hơn. Do mật độ cá nhiều nên khoảng 2 ngày một lần ông Tuấn sẽ tốn khoảng một bao thức ăn công nghiệp có giá hơn 300.000 đồng. Trung bình một tháng ông Tuấn sẽ bỏ ra hơn 4 triệu đồng đề nuôi đàn cá tự nhiên này. Ngoài ra, những phế phẩm tại chợ cũng được ông xin và mang về đề cho đàn cá tiêu thụ.
Khoảng 2 ngày một lần ông Tuấn sẽ bỏ ra hơn 300.000 đồng mua thức ăn nuôi đàn cá. |
Hỏi về những chi phí này, ông Tuấn cười mỉm và chia sẻ rằng đây là thú vui của ông khi nhìn đàn cá bơi tung tăng, lượn sóng. Tuy ông có chặn lưới nhưng chỉ để bảo vệ không cho ghe, xuồng của những người chích điện vào đây, phía dưới lưới hoàn toàn trống nên đàn cá có thể bơi đi bất cứ khi nào. Với ông, mỗi ngày cho đàn cá này ăn là niềm vui sau những giờ chật vật, bộn bề cuộc sống.
Bà Lê Thị Mười (mẹ vợ ông Tuấn) cho biết gia đình con rể cũng không phải khá giả gì mấy, nhưng thấy con say mê với niềm vui này gia đình rất ủng hộ. Sau thời gian đi làm, về nhà phụ giúp gia đình là ông Tuấn lao ra bè say sưa với đàn cá. Những hôm về trễ nhưng ông Tuấn vẫn dành thời gian ra chăm, quan sát đàn cá.
Cũng theo bà Mười, đàn cá này rất dạn và thân thiện với khu vực quanh bè. Nhiều người hiếu kỳ đến đây xem có thể sờ, chạm tay vào chúng. Dù rằng ở đoạn sông này có nhiều người chạy ghe cào, kéo lưới đến đánh bắt nhưng đàn cá vẫn chỉ quanh quẩn bên khu vực bè. Chỉ cần dùng cây gỗ hay vật dụng gì gõ vào bè, tạo ra tiếng động là đàn cá sẽ trồi lên mặt nước.
Khu vực quanh bè được giăng lưới và bao phủ bằng lục bình nhằm tạo chỗ trú an toàn cho đàn cá. |
Tình cảm của ông Tuấn dành cho đàn cá sông không chỉ được gia đình mà còn được cộng đồng xung quanh đánh giá cao. Nhiều người trong xóm đến thăm bè cá của ông, họ không chỉ ngạc nhiên trước số lượng và sự đa dạng của các loài cá, mà còn cảm phục trước sự chăm sóc tận tình và tâm huyết của ông.
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi cá, nhiều người cho rằng việc làm của ông Tuấn không đơn thuần là thú vui mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và động vật tự nhiên. Bởi, hiện nay, nhiều người đánh bắt theo kiểu tận diệt, làm các loài cá tự nhiên ngày một ít. Nếu càng có nhiều người như ông Tuấn thì trong tương lai nguồn lợi thủy sản sẽ được phát triển bền vững.