Người đàn ông hôn mê sâu sau 7 ngày không ăn, chỉ uống rượu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 7 ngày liên tục uống rượu mà không ăn gì, người đàn ông ở Phú Thọ xuất hiện tình trạng nói nhảm, người tím tái...
Các bác sỹ thực hiện thăm khám cho người bệnh sau 1 giờ tích cực cấp cứu.
Các bác sỹ thực hiện thăm khám cho người bệnh sau 1 giờ tích cực cấp cứu.

Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) mới cấp cứu bệnh nhân H.Q.T (51 tuổi, trú tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, thở ngáp cá, toàn thân tím tái, da nổi vân đá toàn thân, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, đại tiểu tiện không tự chủ.

Trước đó, người bệnh có sử dụng rượu liên tục khoảng 7 ngày, không ăn gì. Khi người bệnh nói nhảm, không kiểm soát được hành vi, người lịm tím tái, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh thăm khám.

Các bác sỹ khoa Cấp cứu – Hồi sức chống độc của Trung tâm tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp, truyền dịch.

Sau 1 giờ cấp cứu tích cực, người bệnh qua cơn nguy kịch. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh bình phục.

Bác sĩ Trần Thạch Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức chống độc cho biết: Đồ uống có cồn (rượu, bia,..) làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém; tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay; giảm trí nhớ. Rượu bia còn gây hại đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng sinh sản.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, bia. Ngoài việc hạn chế uống rượu, việc ăn đầy đủ khi uống rượu cũng rất quan trọng, nên ăn đồ có nguồn gốc từ tinh bột. Trường hợp uống nhiều, mất khả năng kiểm soát thì cần phải dừng ngay lại, không nên uống thêm.

Đọc thêm