Mỗi ngày uống nửa lít rượu, máu của người đàn ông có màu bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có thói quen uống rượu bia vào mỗi buổi chiều, người đàn ông có huyết tương màu bất thường, được chuẩn đoán viêm tụy cấp mức độ nặng, đối diện nguy cơ tử vong.
Anh M. được lọc máu, thay huyết tương. Ảnh: BVCC
Anh M. được lọc máu, thay huyết tương. Ảnh: BVCC

Mỗi ngày uống nửa lít rượu hoặc 6 lon bia

Ngày 15/5, bác sĩ Vương Mỹ Dung - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết vừa thay huyết tương, lọc máu cho người bệnh viêm tụy cấp do uống nhiều rượu bia và tăng triglycerid máu.

Người bệnh là anh P.H.M. (44 tuổi, Đắk Lắk) chuyển từ bệnh viện địa phương đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Tâm Anh trong tình trạng chướng bụng, đau bụng âm ỉ, sốt, buồn nôn, không ăn uống được. Cơn đau lan dần lên ngực, sang hai bên mạng sườn và sau lưng.

Sau khi tiếp nhận, anh M. được chỉ định kiểm tra huyết áp, dấu hiệu sinh tồn và xét nghiệm máu, siêu âm bụng tổng quát. Ghi nhận mẫu máu lấy ra từ cơ thể anh M. đục, được chuyển ngay đến Trung tâm Xét nghiệm.

Kết quả khí máu động mạch ghi nhận nồng độ pH động mạch giảm còn 7.2 (bình thường 7.35 – 7.45), HCO3 giảm còn 13.1mmol/l (bình thường 22 – 26mmol/l). Định lượng triglycerid (chất béo trung gian) tăng đến 23mmol/l, gấp 13 lần bình thường (bình thường dưới 1.7mmol/l).

Bác sĩ nhận định huyết tương của bệnh nhân trắng đục như sữa do mỡ máu tăng quá cao. Người bệnh bị toan chuyển hóa, viêm tụy cấp thể nặng, có nguy cơ tử vong cao, cần được lọc máu, thay huyết tương cấp cứu.

Ngay lập tức, người bệnh được đặt catheter tĩnh mạch đùi, thay huyết tương song song lọc máu liên tục. Sau 3 giờ, anh M. bước đầu thoát khỏi “tử thần”. Hàng ngày, anh M được các bác sĩ liên tục theo dõi sát lượng nước tiểu, sinh hiệu (mạch, huyết áp, SpO2…), nồng độ urê máu, triglyceride máu, điện giải đồ… đánh giá sức khỏe người bệnh để điều chỉnh thuốc và các thông số trên máy lọc máu phù hợp.

Sau 10 ngày điều trị, định lượng triglyceride máu giảm, hết toan chuyển hóa, các chỉ số viêm cải thiện rõ rệt, giảm chướng bụng, có thể uống sữa và ăn cháo loãng mà không đau bụng, người bệnh được chuyển đến Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Khi sức khỏe ổn định, có thể ăn uống bình thường… anh M. được xuất viện. Bác sĩ dặn dò anh không nên uống rượu bia, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ để phòng bệnh tái phát.

Khai thác bệnh sử, vợ bệnh nhân cho biết, cho biết anh M. có thói quen uống nửa lít rượu hoặc 6 lon bia vào mỗi buổi chiều sau khi đi làm về. Đôi khi uống nhiều hơn. Cách đây 2 tháng, anh bị viêm tụy cấp mức độ nhẹ, nhập viện ở bệnh viện địa phương, uống thuốc 5 ngày thì được xuất viện. Khi về nhà, anh tiếp tục uống rượu bia.

Viêm tuỵ cấp không điều trị kịp thời dễ tử vong

Bác sĩ Vương Mỹ Dung giải thích tuyến tụy nằm sau dạ dày, phía bên trái bụng, gần với phần đầu tiên của ruột non, có nhiệm vụ tạo ra enzym cung cấp cho ruột non tiêu hóa phân hủy thức ăn và tiết ra các hormone insulin, glucagon kiểm soát lượng đường trong máu.

Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm, sưng đột ngột. Nếu không điều trị kịp thời dễ bị tử vong do suy đa cơ quan và hoại tử tụy, nhiễm trùng. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động khoảng 5%-15% tùy nguyên nhân và mức độ, tuổi tác và bệnh đi kèm, thậm chí có thể tăng đến 20%. Sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, tỷ lệ người bệnh phải nhập viện vì viêm tụy cấp tăng lên.

Các nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp thường gặp do sỏi mật, uống nhiều rượu bia, tăng mỡ máu. Lượng cồn trong máu cao khiến tuyến tụy làm việc liên tục để tăng sản xuất enzym, bên cạnh đó còn làm tăng tính thấm của ống tụy. Men tụy tiếp xúc với nhu mô tụy nhiều hơn dẫn đến tình trạng tự tiêu các tế bào tụy, khởi phát quá trình viêm tụy cấp. Trong trường hợp người bệnh có tình trạng tăng triglyceride máu (thường vượt quá 1000mg/dL), các hạt dưỡng chấp (các phân tử có thành phần lipid) sẽ xuất hiện thường xuyên trong các mao mạch gây tắc nghẽn các mao mạch ở tụy, dẫn đến viêm tụy, thiếu máu gây hoại tử tụy và nhiễm trùng.

Viêm tụy cấp nếu không được điều trị dứt điểm sẽ có nguy cơ tiến triển thành viêm tụy mạn tính và các biến chứng nguy hiểm: nang giả tụy (túi phình chứa một lượng dịch tụy bị rò rỉ ra khỏi tuyến tụy), ung thư tuyến tụy, đái tháo đường,…

Người bệnh thường được dùng thuốc giảm đau, bù dịch và kháng sinh để điều trị viêm tụy cấp. Trường hợp của anh M. bị viêm tụy cấp nặng với nồng độ triglyceride máu rất cao, nguy cơ tử vong cao nên cần kết hợp với phương pháp thay huyết tương và lọc máu nhằm giảm nguy cơ biến chứng, giảm mức độ nặng của viêm tụy, giúp rút ngắn thời gian điều trị.

Để phòng ngừa viêm tụy cấp, bác sĩ khuyên người dân hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều dầu mỡ… Với người bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật… nên khám sức khỏe định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh biến chứng viêm tụy cấp.

Đọc thêm