Bệnh nhân là ông Tuyên (tên đã được thay đổi) hút thuốc lá hơn 40 năm, những năm gần đây mỗi ngày ông hút hơn 1 gói. Ông Tuyên có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang uống thuốc điều trị, sức khỏe ổn định, tập thể dục đều đặn.
Vừa qua, khi đi khám tổng quát, ông Tuyên phát hiện mình bị loét xuyên thành động mạch chủ kích thước 10×11 mm, kéo dài một đoạn 22 mm, tạo thành túi phình động mạch chủ ngực.
Theo ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phình động mạch chủ ngực xảy ra khi một đoạn của động mạch chủ chạy qua ngực bị tổn thương, dần suy yếu và phình to ra. Khoảng 1/4 các ca phình động mạch chủ xảy ra ở ngực, số còn lại hình thành ở bụng (phình động mạch chủ bụng). Nếu không được điều trị, khối phình mạch có thể bị vỡ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu của bệnh viện nhận định: "Hút thuốc lá nhiều năm là tác nhân thúc đẩy hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch chủ, đồng thời trên nền những mảng xơ vữa này có những tổn thương loét. Đây là lý do khiến lòng các động mạch bị hẹp và có thể có biến chứng của loét động mạch là hình thành túi phình (phình động mạch dạng túi) hoặc bóc tách động mạch".
Do ông Tuyên có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) dẫn đến tình trạng bệnh phức tạp hơn. Khối phình dạng túi nên bác sĩ quyết định can thiệp sớm để phòng tránh vỡ gây chảy máu, huyết khối dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi dưới…
2 ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ. Hai ngày sau, sức khỏe ông Tuyên ổn định và được chuyển về phòng nội trú, xuất viện hai ngày sau đó.
Bác sĩ Hiếu cho biết, nguyên nhân phổ biến gây phình động mạch chủ là xơ vữa động mạch. Mạch máu bị lấp đầy bởi mảng xơ vữa sẽ trở nên kém linh hoạt. Khi đó, dòng máu lưu thông qua đây sẽ tạo thêm áp lực cho động mạch, khiến thành mạch yếu đi và phình to, gây ra chứng phình động mạch chủ. Ngoài ra còn có yếu tố di truyền, giới tính nam, tuổi cao (trên 60 tuổi), tiền sử tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh động mạch vành, hút thuốc lá, chấn thương vùng ngực do tai nạn xe cộ, tai nạn lao động…
"Không có biện pháp giúp phòng tránh tuyệt đối chứng phình động mạch chủ ngực. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh để giảm xơ vữa động mạch – nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Mỗi người nên duy trì chỉ số huyết áp và mức cholesterol trong giới hạn bình thường, xây dựng thực đơn ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch, không tiếp xúc với thuốc lá dưới mọi hình thức, tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần với các bài tập cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe, yoga, khiêu vũ, bơi lội… Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ ngực", bác sĩ Hiếu khuyến cáo.