Túi nâng ngực có thể vỡ khi nào, những dấu hiệu không nên bỏ qua

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, một trường hợp thai phụ bị vỡ túi nâng ngực sau 7 năm làm đẹp khiến nhiều chị em băn khoăn. Vậy các túi nâng ngực này có thể vỡ khi nào và bao lâu nên đi thay để đảm bảo an toàn?
Thai phụ bị vỡ túi ngực khi đang mang thai lần 3.
Thai phụ bị vỡ túi ngực khi đang mang thai lần 3.

Túi nâng ngực có thể vỡ khi nào?

Thai phụ mang thai lần 3, đến viện khi đau đớn, tâm lý bất an. Chị từng nâng ngực cách đây 7 năm. Trong quá trình mang thai, chị thấy đau nhức vùng ngực bên trái nên đi khám. Bác sĩ xác định vỡ túi ngực - trường hợp hy hữu khi mang thai. Người bệnh cơ ngực lớn, tình trạng vỡ túi xảy ra trong bao xơ hình thành do quá trình viêm, giúp bảo vệ gel không lan rộng ra các tổ chức mô xung quanh. Tuy nhiên, bao xơ dày và cứng gây đau đớn nghiêm trọng.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Phạm Tú, Bệnh viện Đa khoa Hà Thành cho biết, hiện trên thị trường nhiều hãng túi nâng ngực khác nhau và mỗi hãng lại có những sản phẩm với các mức giá khác nhau. Tùy thuộc vào khả năng tài chính của mình mà đưa ra lựa chọn sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên nhân có thể gây ra vỡ túi nâng ngực như:

Lỗi túi nâng ngực do nhà sản xuất: Bề mặt túi có điểm bị mỏng hơn hoặc bị 1 lỗ thủng nhỏ ngay từ khi xuất xưởng.

Trong quá trình phẫu thuật nâng ngực, túi nâng ngực bị 1 vật sắc nhọn làm xước bề mặt túi tạo ra 1 điểm yếu trên vỏ túi.

Sau khi phẫu thuật đặt túi nâng ngực thành công thì không lâu sau chị em lại vô tình đi tiêm hoặc làm đầy mô ngực cho to hơn bằng cách tiêm các chất làm đầy. Và trong quá trình tiêm chất làm đầy, kim tiêm đã chọc vào và làm thủng vỏ túi.

Túi ngực để quá lâu (thường từ 15 - 20 năm hoặc lâu hơn) làm cho chất liệu vỏ túi bị xơ cứng mất đi tính đàn hồi của túi và tự vỡ theo thời gian.

Để nhận biết sớm tình trạng vỡ túi nâng ngực, bác sĩ Phạm Tú khuyến cáo: “Chị em đã thực hiện đặt túi nâng ngực cần chú ý những biểu hiện như: có cảm giác đau ở vùng ngực, thay đổi hình dạng ngực, cảm thấy khó chịu khi lấy tay tác động vào. Nhất là khi chị em tự kiểm tra mà thấy bên đau hoặc có cảm giác khó chịu đó khác với bên còn lại thì nên đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt”.

Bởi, nếu không được phát hiện sớm thì vỡ túi nâng ngực có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. “Khi chúng ta đưa một chất liệu cấy ghép vào cơ thể, thì cơ thể sẽ hình thành một màng sinh học để bao bọc lại chất liệu đó. Đặt túi nâng ngực cũng vậy, túi ngực cũng là một chất liệu cấy ghép vào cơ thể để nâng to thể tích của ngực nên cũng có một màng sinh học mỏng bao trọn lấy túi. Bình thường lớp màng bao này mỏng đàn hồi không có cảm giác gì nhưng trong trường hợp túi nâng ngực bị vỡ thì lớp bao mỏng này sẽ có phản ứng dày lên để ngăn chặn silicon xâm nhập ra xung quanh. Tuỳ từng mức độ mà lớp bao này dày hay mỏng khác nhau, có thể có thêm các hiện tượng khác như co thắt bao hoặc có thể lớp bao này xơ hoá vôi hoá ở các mức độ khác nhau,… Khi bao xơ co thắt sẽ gây nên các hiện tượng biến dạng ngực và gây đau cho người bệnh”, bác sĩ Tú giải thích thêm.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Phạm Tú, Bệnh viện Đa khoa Hà Thành đang thăm khám, tư vấn nâng ngực cho bệnh nhân.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Phạm Tú, Bệnh viện Đa khoa Hà Thành đang thăm khám, tư vấn nâng ngực cho bệnh nhân.

Bao lâu nên đi thay túi nâng ngực?

Đề cập đến vấn đề bao lâu nên đi thay túi ngực, bác sĩ Tú cho biết, bất kỳ vật liệu nào khi đưa vào cơ thể thì đều có hạn sử dụng và túi nâng ngực cũng vậy. Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, nên thay túi nâng ngực sau khoảng 10 năm.

Nói rõ hơn về thời hạn thay túi nâng ngực, bác sĩ Phạm Tú cho hay: “Chị em nên thay túi nâng ngực sau một thời gian đặt túi là vì, sau một thời gian sử dụng túi nâng ngực sẽ giảm chất lượng so với ban đầu. Thêm nữa, theo thời gian, cơ thể con người sẽ lão hoá, có thể túi vẫn còn tốt nhưng tổ chức mô tuyến ngực bị lão hoá chảy xệ sẽ không còn giữ được túi ở vị trí ban đầu và do chảy xệ nên cũng không giữ được dáng ngực như ban đầu. Vì vậy, giới chuyên môn khuyến cáo thay túi nâng ngực sau khoảng 10 năm là vừa để thay túi mới chất lượng hơn, vừa là để chỉnh sửa lại mô tuyến ngực do cơ thể lão hoá theo thời gian”.

Vị chuyên gia này khuyến cáo thêm, sau khi đặt túi nâng ngực, dù không có triệu chứng bất thường gì thì chị em cũng nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần, cần thực hiện siêu âm hoặc chụp chiếu để kiểm tra tình trạng túi nâng ngực, nhằm phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn và xử lý kịp thời.

Chị em cũng cần lưu ý, khi có nhu cầu nâng ngực, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn bởi những bác sĩ có chuyên môn. Đặc biệt, chị em cần được tư vấn rõ về vật liệu độn, chọn loại túi nào, kích thước bao nhiêu, cách thức phẫu thuật (đường mổ, vị trí đặt túi…), phẫu thuật tại cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc hậu phẫu, bảo hành, biến chứng có thể xảy ra, cách xử lý, giá thành…

Đọc thêm