Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 42 tuổi tiền sử khỏe mạnh, vào viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 7, đau ngực khi hít vào.
Bệnh nhân cho biết người bệnh đã sốt 7 ngày sốt cao liên tục, đau đầu, không nôn, mệt mỏi. Ở nhà bệnh nhân đã đi truyền dịch 3 ngày không đỡ nên mấy ngày sau mới đi viện.
Sau khi nhập viện người bệnh được chỉ định các xét nghiệm cấp cứu, chụp CT ngực không tiêm thuốc cản quang. Kết quả cho thấy trên da vùng hố nách bên phải có 1 vết loét đáy khô sạch màu đen, không nổi ban, hạch không to, sốt cao 38,5 độ kèm mệt mỏi.
Dựa vào dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết loét ở hố nách, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị mò cắn dẫn tới sốt cao liên tục.
Sau 5 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã cắt sốt và được xuất viện.
Chẩn đoán: Sốt mò có biến chứng viêm phổi, viêm gan, giảm tiểu cầu. Ảnh: BVCC |
Các bác sĩ cho biết, Việt Nam là vùng dịch tễ của sốt mò, đặc biệt là vùng nông thôn. Do đó nếu thấy sốt cao nhiều ngày kèm các triệu chứng: mỏi người, phát ban, nổi hạch... cần chú ý thăm khám kĩ các vùng kín như nách, bẹn, quanh hậu môn, nếp gấp sau gáy, sau tai... là những nơi dễ bị mò đốt.
"Nếu thấy có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt ve mò, nên đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán xác định và có hướng điều trị chính xác. Cần lưu ý là không được chủ quan chữa bệnh tại nhà, sốt mò nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây suy đa tạng với các biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong", các bác sĩ khuyến cáo.
Bệnh sốt mò còn có tên gọi khác là sốt triền sông Nhật Bản, sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng... Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng bọ ve mò đã bị nhiễm mầm bệnh chính là vật trung gian truyền sốt mò. Ấu trùng mò mang vi khuẩn đốt cắn con người, truyền bệnh qua nước bọt là phương thức lây nhiễm duy nhất. Bệnh không lây lan từ người sang người.
Sốt mò là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây sang người thông qua ấu trùng mò. Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt chủ yếu là loài chuột, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm.
Thời gian ủ bệnh của bệnh từ 6 - 20 ngày, trung bình 10 ngày. Khởi phát bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, ho, tiêu chảy, đau bụng buồn nôn và nôn, có vết loét nổi hạch vùng phát ban, sẩn, đôi mắt đỏ. Trường hợp nặng có thể nhiễm khuẩn huyết, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim thậm chí tử vong.
Bệnh sốt mò không lây từ người sang người, chỉ lây khi thông qua vết cắn của con bọ chét nhiễm tsutsugamushi. Ấu trùng là giai đoạn duy nhất có thể truyền bệnh cho người. Những con ấu trùng này truyền bệnh cho người bằng cách ăn chất lỏng trên da.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách tiêu diệt ổ dịch, phát quang bụi rậm. Người làm việc và sinh hoạt ở những nơi có nhiều lùm cây cần che chắn cẩn thận, thoa thuốc diệt côn trùng lên da và giặt sạch quần áo sau một lần sử dụng.