Người dân “thắp lửa” du lịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Viên ngọc ẩn” Ninh Bình giờ đây đang dần “lột xác” trở thành một trong những điểm đến du lịch tuyệt vời nhất thế giới. Điều “hớp hồn” và “giữ chân” du khách không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hoá, di sản mà còn đến từ vẻ đẹp của chính con người tại vùng đất cố đô, mỗi người dân bản địa đều là một “đại sứ du lịch”.
Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn được tổ chức hàng năm tại huyện Gia Viễn. (Ảnh: UBND huyện Gia Viễn)
Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn được tổ chức hàng năm tại huyện Gia Viễn. (Ảnh: UBND huyện Gia Viễn)

“Làn gió mới” từ du lịch cộng đồng

“Rượu ngon cơm cháy thịt dê/Ninh Bình chào đón khách về thăm quan/Dạo chơi non nước Tràng An/Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương”. Những nét đặc sắc, độc đáo của mảnh đất Ninh Bình như Tràng An, Cúc Phương, cơm cháy, thịt dê từ lâu đã đi vào thơ ca của vùng đất này, cũng đã chinh phục du khách thập phương ghé thăm muốn quay trở lại để thưởng thức các danh lam thắng cảnh, cùng những món ngon nức tiếng, sản vật độc lạ trứ danh.

Thế nhưng, 4 câu thơ trên dường như chưa đủ để có thể miêu tả hết những điều đẹp đẽ ở vùng đất cố đô. Sẽ thật thiếu sót nếu như không kể đến lòng hiếu khách cùng với nét văn hoá bản địa độc đáo của người dân nơi đây. Với sự tham gia tích cực của mỗi người dân vào các hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, với định hướng phát triển bền vững, du lịch cộng đồng không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa, nâng cao đời sống cho người dân; mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.

Chính vì vậy, trong những năm qua, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ đều ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 18 khu, điểm du lịch chính được đầu tư hoàn thiện và đi vào phục vụ khách du lịch. Trong đó, 13 khu, điểm du lịch sinh thái đều có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương; 09 khu, điểm du lịch có vận chuyển khách du lịch đường thuỷ nội địa không sử dụng thuyền máy, chỉ sử dụng thuyền chèo tay với hơn 3.000 thuyền có sức chở từ 04 đến 12 khách, cùng với người lái thuyền là dân địa phương tham gia phục vụ khách du lịch.

Tại một số khu, điểm du lịch còn khai thác loại hình phương tiện thô sơ (xe trâu, xe bò,…) phục vụ khách tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại địa phương. Đặc biệt, tuỳ vào từng địa phương và văn hoá bản địa mà các loại hình du lịch cộng đồng lại khác biệt góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của tỉnh và thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia làm du lịch.

Điển hình như huyện Gia Viễn, với lợi thế về văn hoá bản địa và ẩm thực, huyện đã đẩy mạnh hai yếu tố này trong loại hình du lịch cộng đồng. Văn hoá chính là tinh thần để du khách thưởng thức, do vậy tại lễ hội truyền thống đền Đức Thánh Nguyễn có nghệ nhân hát chầu kệ để tôn vinh ngài, đấy là một trong những yếu tố rất đặc sắc và đặc trưng của lễ hội. Đồng thời đưa nghệ sĩ hát chèo và các tích vũ điệu vào chương trình để du khách có dịp thưởng thức bản sắc văn hoá thông qua nghệ thuật và con người nơi đây. Còn đối với những tour, tuyến du lịch đang tạo chuỗi như ở Vân Long Xanh, huyện có lồng ghép yếu tố du lịch cộng đồng bằng người chèo thuyền, kéo trống, yếu tố hát chèo và múa vũ điệu cờ lau.

Tại Gia Viễn, nhắc đến du lịch cộng đồng là phải gắn với ẩm thực. “Trên dê, dưới hến, giữa chừng ba ba” là câu nói quen thuộc tại đây, nghe tưởng như một câu bông đùa nhưng đây lại là mô tả chân thực về nét ẩm thực độc đáo vùng này. Dê và hến của huyện Gia Viễn thuộc vùng đất trũng nên rất nổi tiếng, tận dụng lợi thế, huyện đã lập nên một làng ẩm thực dê núi Ninh Bình. Thương hiệu “dê núi Ninh Bình” từ đó được gây dựng và phát triển đến nay, nhận được khen ngợi từ không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế. Làng ẩm thực dê núi có sự tham gia của đông đảo các chủ nhà hàng kinh doanh thịt dê với cam kết niêm yết giá bán rõ ràng, đặt chất lượng lên hàng đầu.

Một giải pháp khác của huyện để phát triển ẩm thực là mô hình phiên chợ Làng Điềm tại Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn. Phiên chợ này góp phần tiếp thị, quảng bá, kích cầu mua sắm các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm OCOP của người nông dân Gia Viễn như: mắm tép Thanh Nguyễn, cá nướng rơm Đại Hữu, bánh đa làng Điềm, dưa bở,…

Hơn nữa, tỉnh Ninh Bình cũng không đứng ngoài xu thế lưu trú mới của du khách khi có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư loại hình du lịch homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) hoặc farmstay (trang trại du lịch); hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay hoạt động hiệu quả cao, cụ thể như các xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên, huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, Gia Vân, Gia Hòa, huyện Gia Viễn; xã Sơn Hà, huyện Nho Quan,… Loại hình du lịch homestay chiếm 37,5% tổng số cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch và thu hút lượng lớn người lao động địa phương tham gia.

Nghề chèo đò phục vụ khách du lịch ở mỏ đại bàng Tam Cốc. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình)

Nghề chèo đò phục vụ khách du lịch ở mỏ đại bàng Tam Cốc. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình)

Xây dựng giá trị thương hiệu từ con người

Có thể thấy, với hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hoá địa phương thì vai trò của người dân bản địa là hết sức quan trọng. Việc phát triển nguồn nhân lực, quan tâm bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng làm du lịch đối với người dân bản địa là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các kỹ năng như nghệ thuật kinh doanh, ngoại ngữ, tổ chức, giới thiệu, thuyết minh,… thì văn hoá ứng xử cũng cần sự quan tâm hàng đầu.

Thành công của một điểm du lịch không chỉ đơn thuần là du khách được trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, con người và lịch sử mà họ còn phải cảm thấy thoả mãn đối với chất lượng phục vụ cũng như thái độ phục vụ, cách giao tiếp ứng xử,… Chính vì vậy, việc tạo nên ấn tượng của du khách về văn hoá ứng xử có thể xem là sức mạnh quyết định chất lượng dịch vụ và thu hút du khách quay trở lại với điểm đến.

Trong thời gian qua, ngành Du lịch địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.

Gần đây nhất, tại khu du lịch sinh thái Tràng An, Sở Du lịch vừa mới tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch cho hơn 80 học viên là những lao động đang làm dịch vụ tại Khu du lịch sinh thái Tràng An và Phố cổ Hoa Lư. Thông qua các lớp tập huấn, người dân làm du lịch càng thêm “thấm thía” phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là niềm tự hào quê hương, đất nước. Bởi vậy, họ có trách nhiệm tiếp nối, phát huy, phát triển, bảo vệ những giá trị vốn có, dựa trên việc không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết, kỹ năng chuyên nghiệp.

Nhận thức của người dân tại các khu, điểm du lịch đã có sự thay đổi, tình trạng ép khách mua hàng, chèo kéo khách chụp ảnh, xin tiền bo giảm hẳn. Công tác an ninh trật tự được bảo đảm. Hoạt động chèo đò chở khách du lịch đi vào nền nếp và bảo đảm an toàn, đem lại sự yên tâm, thoải mái cho du khách. Đặc biệt, không chỉ với những người làm dịch vụ liên quan đến ngành du lịch mà văn hoá ứng xử của những người dân sinh sống, làm việc trong địa bàn tỉnh đều được thể hiện qua những hành động đẹp như nhặt được của rơi trả người đánh mất, giúp đỡ du khách,…

Không ngoa khi cho rằng một trong những giá trị cốt lõi xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình được như ngày hôm nay đến từ chính những con người nơi đây. Việc khơi dậy, phát huy bản sắc văn hoá bản địa và tích cực xây dựng văn hoá ứng xử cho người dân đã giúp Ninh Bình có tên trên nhiều bảng xếp hạng về du lịch và trở thành bài học thương hiệu cho nhiều điểm đến khác.

Theo một thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, trong giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 7.200 lượt học viên về nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý cơ sở lưu trú du lịch, quản lý homestay, bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân cho các cán bộ, công chức quản lý du lịch, người lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch.

Đọc thêm