Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết các ý kiến đều tỏ rõ sự phấn khởi về việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là khi người dân được trực tiếp bày tỏ suy nghĩ của mình, góp ý vào dự thảo. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề theo ý kiến của người dân, Dự thảo cần phải sửa đổi tiếp để có một bản Hiến pháp hoàn thiện.
Dự thảo cần làm rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân
Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hầu hết các ý kiến góp ý về phạm vi, mức độ sửa đổi đều cho rằng: So với thời điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước đây (2001), tình hình nước ta đã có nhiều thay đổi, tình hình quốc tế cũng có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này là cần thiết. Phạm vi và mức độ sửa đổi theo Dự thảo tương đối hợp lý trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: TTXVN. |
Dự thảo đã thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và phát triển đất nước.
Hôm nay, tại nghị trường, Quốc hội dành một ngày để tổ chức thảo luận theo tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 3 và 4/6/2013 các đại biểu sẽ có hai ngày phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự luật quan trọng này. Chương trình sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp. |
Nhiều ý kiến cho rằng: Dự thảo cần làm rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân; cần thể hiện rõ chủ quyền nhân dân; các nguyên tắc tổ chức của bộ máy nhà nước chưa được thể hiện một cách rõ nét trong Dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần cụ thể hơn vấn đề này.
Dự thảo cũng chưa thể hiện rõ về cơ chế phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Dự thảo khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhà nước ta nhưng trong các quy định về tổ chức bộ máy lại chưa có cơ chế tương xứng (ví dụ: đại biểu Quốc hội vẫn chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm).
Dự thảo cũng chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Chính phủ, chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng; bộ máy hành chính nước ta còn quá phức tạp nhưng Hiến pháp chưa có điều khoản nào hiến định vấn đề cải cách bộ máy hành chính.
Hội đồng Hiến pháp là một chế định mới, nhưng theo Dự thảo thì cũng chỉ là cơ quan tham mưu, vì vậy sẽ ít phát huy tác dụng trên thực tế. Theo nhiều đại biểu thì phải thêm thẩm quyền phán quyết cho cơ quan này và cơ quan này nên do Chủ tịch nước là Chủ tịch.
Về chính quyền địa phương, Dự thảo cũng chưa đưa ra được những quy định thuyết phục vì trên thực tế còn nhiều tranh cãi về tên gọi, thẩm quyền, cách tổ chức và cả về bản chất; Chế định về Hội đồng bầu cử quốc gia được nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải đưa vào Hiến pháp vì cơ quan này chỉ thành lập khi bầu cử và tự giải tán sau khi bầu cử, cơ quan này thành lập sẽ chỉ làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, không hiệu quả…
Không nên dùng từ Hán Việt trong Hiến pháp
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, một trong những nhược điểm khiến Hiến pháp của nước ta phải sửa nhiều lần là vấn đề kỹ thuật, nhiều vấn đề quy định quá cụ thể, gây vướng mắc trong tổ chức, thực hiện và khi cần thay đổi lại phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Hiến pháp chỉ nên quy định các nguyên tắc, định hướng lớn và theo hướng mở.
Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật có hiệu lực cao nhất được dùng làm cơ sở pháp lý thống nhất cho toàn Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân tiến hành sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong một thời kỳ lâu dài. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần hoàn thiện thêm cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để vừa ngắn gọn, dễ hiểu và thống nhất, để đa số nhân dân đọc là hiểu được.
Trong các mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tổ chức cộng đồng đề nghị xem lại việc dùng cụm từ "tạo điều kiện", vừa thiếu tính quy phạm, vừa dễ tạo ra tâm lý “ban phát” “xin - cho”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi còn nhiều điểm cần phải xem xét, cân nhắc, bổ sung như: Phải làm rõ và đủ trong Dự thảo Hiến pháp các tổ chức quan trọng trong hệ thống chính trị như Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; Bổ sung, hoàn thiện và làm rõ hơn một số nội dung như cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Lời nói đầu còn dài, một số cụm từ, thuật ngữ nhiều chỗ chưa nhất quán, còn chung chung, khó hiểu hoặc hiểu thế nào cũng được, như: “công dân”, “mọi người”, “dân tộc thiểu số”; “an sinh xã hội”, “cách mạng”; “theo pháp luật”; “pháp luật quy định”; “có thể”, “không thể”, “nơi ở hợp pháp”, “chỗ ở hợp pháp”, “công dân nam, nữ”, “công dân nữ, nam”, “công dân Việt Nam”, “công dân nước cộng hòa XHCN Việt Nam”…, đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một số ngôn từ cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không nên dùng từ Hán hoặc Hán - Việt và từ có nhiều nghĩa.
Về chế độ chính trị, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo nên tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992 đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Nhật Thanh