Người dân trăn trở trước nguy cơ làng đóng tàu trăm tuổi chỉ còn là... ký ức

(PLO) -Nghề đóng tàu gỗ ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) có truyền thống cả trăm năm. Trước đây, khi khai thác thủy sản gần bờ có hiệu quả, nhiều ngư dân đã đầu tư đóng mới thuyền phục vụ việc đánh bắt. Nhờ đó, các cơ sở đóng tàu gỗ ở đây cũng hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, hiện tại, các xưởng đóng tàu đìu hiu, nhiều thợ đã bỏ nghề vì không có việc làm.
Nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải hiện đang gặp khó khăn
Nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải hiện đang gặp khó khăn

Hoài niệm và những khó khăn

Phường Ninh Hải nằm nép mình bên vịnh Vân Phong nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Từ lâu, nơi đây được biết tới là một trong những nơi đóng tàu vỏ gỗ nức tiếng ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Theo người dân miền biển nơi đây, nghề đóng tàu vỏ gỗ đã tồn tại hàng trăm nay năm.

Các bậc cao niên ở đây kể rằng, nghề đóng tàu gỗ ở vùng ven biển cát trắng này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời cha đến đời con. Bởi vậy, đến nơi này thì không khó để tìm được những gia đình có đến 3 đời làm nghề đóng tàu vỏ gỗ.

Anh Nguyễn Văn Thường (chủ xưởng đóng tàu Năm Chấm) cho biết: “Cơ sở của tôi có từ thời ông nội đến tôi là đời thứ 3. Hồi trước công việc làm ăn tốt lắm, lúc nào cũng có việc làm cả. Nhờ vậy gia đình mới duy trì nghề đóng tàu đến tận bây giờ”.

Theo ông Nguyễn Thanh Việt (chủ một xưởng đóng tàu gỗ ở làng Bình Tây), thời gian trước, nguyên liệu gỗ đóng tàu dễ kiếm, có thể mua được ở nhiều nơi, hơn nữa ngư trường gần bờ nhiều tôm cá nên có nhiều đơn đặt hàng. Chính vì vậy, các cơ sở đóng tàu làm ăn hiệu quả, có lãi đã đầu tư mua trang thiết bị máy móc thay thế cho hình thức đóng tàu kiểu thủ công. 

Tuy nhiên, hiện nay, giá nguyên vật liệu, nhân công để đóng tàu tăng 40% so với trước; các loại gỗ dùng để đóng tàu, nhất là bằng lăng dùng để làm be khan hiếm nên giá đội lên hơn 60%. Muốn đóng được một chiếc tàu gỗ dài 6m phải mất hơn 300 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ khoảng 200 triệu đồng. 

“Đây là thời điểm hết sức khó khăn với chúng tôi. Nếu như những năm trước, cơ sở chúng tôi nhận được hợp đồng đóng mới 12 chiếc thì năm nay chỉ đóng mới được 2 chiếc, sửa chữa vài chiếc. Vì vậy, số lao động làm việc tại xưởng cũng giảm. Tôi cố gắng duy trì hoạt động của xưởng trong khoảng 2 đến 3 năm nữa, khi dùng hết gỗ tồn trong xưởng thì tôi cũng đóng cửa”, ông Việt chia sẻ.

Trước đây, trung bình mỗi năm, xưởng đóng tàu gỗ của gia đình bà Nguyễn Thị Dung đóng mới cả chục chiếc loại lớn, nhưng năm nay chỉ đóng mới được 3 chiếc. Theo bà Dung, đây là khó khăn chung của tất cả các làng đóng tàu gỗ trên địa bàn tỉnh. Các làng biển vốn nổi tiếng đóng tàu gỗ ở huyện Vạn Ninh như xã Vạn Thọ, Vạn Hưng… cũng lâm vào cảnh phải đóng cửa do vắng khách hàng.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề biển hiện gặp khó khăn, hải sản đánh bắt gần bờ ngày càng cạn kiệt nên ngư dân không dám đầu tư đóng mới tàu. Nghề đánh bắt hải sản đang hướng đến xa bờ, với những tàu có công suất lớn, hiện đại… Vì vậy, tàu gỗ có công suất nhỏ dưới 20 CV, cấu tạo đơn giản không còn phù hợp. Thực trạng này đã khiến cho các xưởng đóng tàu gỗ ngày càng vắng khách. 

Bây giờ đến phường Ninh Hải, nhiều xưởng đóng tàu không còn hoạt động, nhiều thợ đã bỏ nghề do không có việc. “Trước đây, chưa vào đến đầu làng đã nghe rộn lên tiếng máy cưa xẻ gỗ, tiếng búa đóng thuyền. Ngày trước, làng này có rất nhiều người sống nhờ nghề đóng thuyền, hiện nay chỉ còn chưa được chục xưởng hoạt động”, ông Trần Thanh Hưởng (thợ đóng thuyền ở làng Bình Tây) chia sẻ.

Ở Ninh Hải, hiện chủ yếu các cơ sở sửa chữa chứ đóng mới rất ít
Ở Ninh Hải, hiện chủ yếu các cơ sở sửa chữa chứ đóng mới rất ít

Chưa có chính sách hỗ trợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời hoàng kim nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải là vào những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, nơi đây có hơn 15 cơ sở đóng tàu gỗ hoạt động liên tục. Tuy nhiên, hiện tại, toàn phường Ninh Hải có 9 cơ sở đóng mới, sữa chữa tàu gỗ, chiếm 50% số lượng các cơ sở trong toàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Phó chủ tịch UBND phường Ninh Hải, hiện chủ yếu các cơ sở sửa chữa chứ đóng mới rất ít. Bởi bây giờ hải sản gần bờ không còn, phải ra xa mới có, mà đóng tàu lớn thì không đủ tiền. Số lượng tàu đóng hàng năm không được bao nhiêu, thu nhập không đủ đóng thuế nên các cơ sở giải nghệ.

Ông Phong cũng cho biết, để có thể duy trì được nghề đóng tàu gỗ truyền thống ở Ninh Hải cần phải có những phương án phù hợp, nếu không nghề này sẽ một đi không trở lại.

“Các cơ sở đóng tàu chủ yếu nằm bên con lạch nước rất cạn, nếu đóng tàu lớn rất khó di chuyển ra biển. Do đó, địa phương rất muốn quy hoạch một địa điểm lập làng nghề đóng tàu. Ngoài ra, các cơ sở muốn tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 để mở rộng kinh doanh nhưng thủ tục rất khó, không có ai hướng dẫn cả. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì nghề đóng tàu gỗ ở Ninh Hải mới tồn tại”, ông Phong cho biết.

Theo ông Võ Khắc Én - Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ gỗ. Hiện nay đa phần những cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu gỗ đều do người dân tự bỏ vốn ra làm và cũng chưa có chính sách thiết thực hỗ trợ cho đối tượng này.

Trước đây, nghề đóng tàu gỗ giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, có thu nhập ổn định hơn. Chính vì vậy, khi nghề này gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều lao động. Hiện nay, các chủ xưởng đóng tàu ở phường Ninh Hải đang đứng ngồi không yên, bởi chưa biết phải làm gì để có đơn hàng, vực dậy nghề truyền thống này.

Đọc thêm