Lão nông “quái kiệt” làm luận văn thạc sĩ ở tuổi... 70

(PLO) -“Nhiều người từng hỏi tôi làm hợp tác xã (HTX) và trang trại ở nhà thì cần gì phải học nhiều thế, tôi nói đã là học thì biết bao nhiêu cho đủ. Việc học giúp tôi giải quyết công việc tốt hơn. Đam mê học của tôi cũng có ích khi truyền thêm cảm hứng cho thế hệ con cháu”, ông Tuyển chia sẻ.
Vợ chồng ông Lương Tuyển
Vợ chồng ông Lương Tuyển

Học cao học ở tuổi “xưa nay hiếm”

Về xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) hỏi lão nông ham học Lương Tuyển (71 tuổi) không ai là không biết. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuyển kể về chuyện học khá đặc biệt và không ít khó khăn của mình. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên 3 anh em ông ở với ông bà ngoại. Cũng vì khó khăn nên việc học của ông bị gián đoạn. 

Vừa đi học vừa đi chăn bò, đến lớp 3 thì ông phải bỏ học. Tuy nhiên, bằng việc tự học và theo học một số lớp bổ túc, cho đến trước khi bị bắt lính vào quân đội Sài Gòn cũ, ông cũng học tới lớp đệ tứ (lớp 9), lấy được bằng trung học đệ nhất cấp (tương đương THCS hiện nay). Thời gian đi lính, ông làm nhân viên xét nghiệm ở Bệnh viện Quân đoàn 2, quân đội Sài Gòn tại Pleiku (tỉnh Gia Lai). 

Sau 1975, ông Tuyển về quê làm y tế thôn, rồi làm nhân viên thú y của HTX Nông nghiệp Ninh Quang. Ngày đi làm, tối đạp xe lên Trường THPT Trần Cao Vân ở thị trấn Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) để học bổ túc, ông cần mẫn học đến hết lớp 12. 

Năm 1981, ông Tuyển được cử đi học trung cấp ngành Chăn nuôi thú y ở Trường Trung học Nông nghiệp tỉnh Phú Yên. “Lúc đó mấy cán bộ ở xã được cử đi học đều ngại học xa, vất vả, nên suất đi học mới đến tôi”, ông Tuyển nói về điều mà ông cho là may mắn. 

Khoảng cách từ trường về Ninh Quang gần trăm cây số, xe đò ì ạch chạy bằng than mất  nửa ngày. Lúc đó vợ chồng ông có 2 con trai, đứa 6 tuổi, đứa 2 tuổi, ông đi học thì gánh nặng nuôi con dồn hết cho vợ, đã vậy không hiểu sao ông bị xã cắt mất tiêu chuẩn hỗ trợ người đi học là 20 kg lúa mỗi tháng. 

Năm học thứ 2, ông Tuyển ốm yếu vì thiếu ăn, lại bị bệnh phổi, tưởng phải bỏ. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn qua được 3 năm học, lấy được bằng trung cấp Chăn nuôi thú y. Học xong, ông Tuyển được cử làm trưởng trại heo của HTX Nông nghiệp Ninh Quang rồi làm Phó chủ nhiệm HTX. Năm 1997, khi HTX tách làm 2, ông làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Ninh Quang 2.

Năm 1988, ông Tuyển xin đi học lớp Kỹ sư nông nghiệp tại Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng tại chức nhưng không được chấp nhận vì ông không có trong biên chế, không thuộc diện cán bộ quy hoạch. 

Tới năm 1997, khi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa liên kết với Trường ĐH Mở TP.HCM mở lớp đại học Quản trị kinh doanh, ông Tuyển đăng ký học. 4 năm sau, khi đã 54 tuổi, ông có tấm bằng đại học của ngành này.

Đến năm 2005, ông Tuyển thi đậu vào Trường ĐH Luật TP.HCM, theo hình thức vừa làm vừa học. Gần 5 năm miệt mài bên những chồng sách vở ngổn ngang, cứ mỗi lần đến kỳ đi học tập trung, ông Tuyển lại tất bật ngược xuôi trên chặng đường hơn gần trăm cây số từ thị xã Ninh Hòa vào tận TP.Nha Trang bằng chiếc xe máy già cỗi. 

“Không ít lần chiếc xe trở chứng mất đèn bất chợt trong đêm mưa tối mịt khiến tôi phải dò đường từng cây số và đã có lúc suýt té ngã do vấp phải ổ gà”, ông Tuyển cười bảo.

Quá trình học, nhiều lần ông Tuyển phải kiếm cớ né tránh mấy cô cậu sinh viên cùng lớp khi họ rủ đi ăn bát phở sau buổi học cũng chỉ vì túi tiền của ông chỉ còn đủ để đổ xăng. Đáp lại những nỗ lực bền bỉ của chính mình và sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bè bạn, giữa năm 2010, ông Tuyển nhận bằng cử nhân Luật dân sự ở tuổi 64.

Khi có được 2 tấm bằng đại học trong tay, ông Tuyển quyết định tiếp tục học cao học để có bằng thạc sĩ trong sự thán phục của nhiều người. 

“Khi đi học cao học, nhiều người cho rằng tôi bị gàn. Nhưng kệ, người trẻ học 1 tiếng thì mình học 2 tiếng. Người già muốn học được cần phải biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học và kiên trì. Trí nhớ không phải tự nhiên mà có, luyện tập mãi cũng thành công”, ông Tuyển tâm sự.

Ông Tuyển nhận bằng cử nhân Luật dân sự năm 2010
Ông Tuyển nhận bằng cử nhân Luật dân sự năm 2010

Xác định nhiều tuổi, học hành khó khăn, ông chọn thời điểm vào buổi khuya và sáng sớm để nghiên cứu bài giảng. Đặc biệt, ông luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, khi học cao học, ông luôn liên hệ các bài giảng trực tiếp với thực tế để dễ nhớ và lâu quên.

“Khó khăn lớn nhất của tôi trong quá trình học là tuổi tác. Do tuổi cao nên việc tiếp thu kiến thức cũng hạn chế. Có những đêm tôi ngồi học mệt quá, nhưng chưa hiểu bài, đau lưng quá nên cầm sách nằm học, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh dậy, thấy trời chưa sáng, lại ngồi dậy học tiếp”, ông Tuyển cho biết.

Nói rồi, ông Tuyển chia sẻ: “Càng học tôi càng đam mê và tự tin hơn khi vận dụng hiệu quả những kiến thức chuyên môn để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở HTX và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều người dân trong những vụ tranh chấp dân sự. Chính niềm đam mê đó mà đề tài luận văn thạc sĩ ngành Luật học tôi sắp bảo vệ tại Trường ĐH Luật TP.HCM có tên “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của HTX gây ra”.

Cứ tưởng hành trình học tập của ông Tuyển đã đến điểm dừng ở đó, nào ngờ ông vẫn muốn chưa ngưng việc học. Ông ước mơ chinh phục thêm một nấc đỉnh cao tri thức. “Tôi có ý định, sau khi lấy bằng thạc sĩ xong sẽ học thêm tiếng Anh, để có thể thi nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ”, ông Tuyển tâm sự.

“Đọc sách, học thêm là dưỡng sinh trí óc”

Với ông Tuyển, sự học là đam mê, là khát vọng, là ngọn lửa cháy bỏng đi cùng năm tháng thì người chắp cánh cho ước mơ ấy luôn rừng rực lửa chính là bà Trần Thị Sương (64 tuổi) - người vợ thủy chung, son sắt, một nắng hai sương tần tảo nuôi chồng đi học.

Chia sẻ về nghiệp đèn sách của người bạn đời, bà Sương cười hiền, nhớ lại: “Hồi xưa, chúng tôi lấy nhau cũng vì chữ duyên chứ ông ấy mồ côi, còn gia đình tôi cũng chẳng khấm khá gì. Gia sản lớn nhất của 2 vợ chồng chỉ là chiếc xe đạp cà tàng. Hồi đó, thấy ông ấy một đêm phải lội bộ hơn chục cây số từ xã về huyện học bổ túc, tôi thương quá mới dành dụm mấy vụ lúa, bán thêm con lợn mới đủ mua lại chiếc xe đạp phượng hoàng cũ rích”. 

“Nhiều thời điểm, gia đình gặp khó khăn, ông ấy buộc phải bỏ dở việc học để lo cho vợ, cho con. Những lúc như vậy thấy ông ấy buồn lắm, tôi lại dặn lòng cố gắng vất vả hơn chút, để chồng thỏa giấc mộng của đời mình. Khi thì gánh đậu hũ đi bán dạo, nấu rượu, chăn heo. Đến khi ông ấy bận đi học trung cấp nông nghiệp, tôi kiêm luôn chức thú y, y tá bên HTX. Khó khăn nào rồi cũng qua, nhìn ông ấy ham học là niềm vui lớn nhất của đời tôi, không khó khăn, vất vả nào so sánh được”, bà Sương tâm sự.

Nhắc đến gia đình ông Tuyển, người dân ở Ninh Quang đều tấm tắc khâm phục. Bởi một tay bà Sương quán xuyến mọi chuyện nuôi chồng, con ăn học. 4 người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. 

Trong quá trình trò chuyện, ông Tuyển luôn nói bể học là vô tận và không có điểm dừng. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn còn phong thái nhanh nhẹn, năng động và rất lạc quan. 

“Người ta bảo trí óc của tôi trẻ hơn tuổi, hình như do tôi hay học. Ngày nào tôi cũng dưỡng sinh, làm việc chân tay là dưỡng sinh thân thể; đọc sách, học thêm là dưỡng sinh trí óc”, ông Tuyển bộc bạch.

Vừa học vừa làm, giờ đây vợ chồng ông Tuyển có được một cơ ngơi với diện tích khoảng 10ha trồng lúa, bưởi, măng, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Không những vậy, ông còn trau dồi thêm kiến thức nông nghiệp, thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đổi mới trong khoa học kỹ thuật để hỗ trợ bà con trong xã sản xuất, phát triển kinh tế. 

Đọc thêm