Người dân vẫn khổ khi dùng chứng minh nhân dân 12 số

Chứng minh nhân dân (CMND) mới 12 số được triển khai thí điểm đến nay đã gần 1 năm. Bên cạnh một số kết quả đạt được, ngành Công an cũng thừa nhận có những ảnh hưởng trực tiếp đến công dân khi được cấp CMND mới, nhất là trong thực hiện giao dịch về đất đai, ngân hàng…

Chứng minh nhân dân (CMND) mới 12 số được triển khai thí điểm đến nay đã gần 1 năm. Bên cạnh một số kết quả đạt được, ngành Công an cũng thừa nhận có những ảnh hưởng trực tiếp đến công dân khi được cấp CMND mới, nhất là trong thực hiện giao dịch về đất đai, ngân hàng…

Gặp phiền toái với chứng minh thứ 12 số khi giao dịch
Gặp phiền toái với chứng minh thứ 12 số khi giao dịch

Chưa được tạo điều kiện…

Anh Nguyễn Văn T. (trú tại ngõ 79, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), một trong những công dân được cấp đổi CMND theo mẫu mới từng chia sẻ, quy trình làm CMND mới rất thuận tiện (thời gian tiếp nhận, xử lý, hoàn thiện 1 hồ sơ đề nghị cấp CMND giảm xuống chỉ mất khoảng 3 phút - PV) nên anh còn động viên vợ, con đi làm luôn.

Sau khi có CMND mới, anh T. đã đến một số ngân hàng và sử dụng vào các giao dịch thì được ngân hàng chấp nhận. “Khi đem CMND mới đến giao dịch, chứng thực các hợp đồng mua bán nhà đất thì thấy có một số bất cập, thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, khi ký hợp đồng mua bán nhà đất theo CMND mới thì trong hộ khẩu vẫn ghi CMND cũ có 9 số nên lại phải sử dụng CMND cũ mới hợp lý” - anh T. nói.

Vất vả hơn là trường hợp của chị Phạm Thúy H. ở khu tập thể Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Do bị đánh cắp toàn bộ giấy tờ, trong đó có chứng minh thư, thẻ ATM... nên chị xin cấp lại CMND mẫu mới và rắc rối cũng xuất phát từ đây. Cụ thể, chị cầm sổ đỏ đến một ngân hàng trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội làm thủ tục thế chấp vay tiền thì bị nhân viên ở đây từ chối phục vụ với lý do: Sổ đỏ ghi chứng minh thư có 9 con số, trong khi chứng minh thư chị đang sử dụng lại là 12.

Theo hướng dẫn, chị cầm sổ đỏ đến Phòng TN&MT quận Cầu Giấy để khớp lại với dãy số mới. Một cán bộ Phòng cho rằng để đính chính số chứng minh thư cũ và mới là của một người, chị phải đến UBND phường sở tại xin xác nhận. Làm đơn xác nhận mang đến, cán bộ phường yêu cầu phải điền vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hộ khẩu. Thấy phức tạp, sau đó, chị H. cầm sổ hộ khẩu (ghi chứng minh thư 9 số) đến Công an huyện Từ Liêm với hy vọng được xác nhận cho 2 dãy số chứng minh thư là của một người; tuy nhiên, chị H. được hẹn mấy ngày sau mới có kết quả…

Những ảnh hưởng trực tiếp đến công dân khi được cấp CMND mới đã được ngành Công an thẳng thắn nhìn nhận tại Hội nghị sơ kết công tác triển khai thí điểm cấp CMND 12 số vừa diễn ra mới đây. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VIII) Trần Văn Vệ cho biết: Khi triển khai cấp CMND mới 12 số, Tổng cục VII đã có văn bản thông báo đến các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các giao dịch, xác nhận… do thay đổi CMND từ 9 số sang 12 số. Tuy nhiên, theo ông Vệ, vẫn còn phản ánh của nhân dân về khó khăn trong thực hiện giao dịch, nhất là các giao dịch về đất đai, ngân hàng…

Bỏ tên cha, mẹ trên CMND mới

Qua triển khai thí điểm cấp CMND mới, ngành Công an nêu lên những vướng mắc khác như chỉ in thẻ CMND tại Trung tâm CMND quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM sẽ không đảm bảo được thời gian trả CMND theo quy định vì mất thời gian vận chuyển đi các địa phương. Không những thế, “chất lượng ảnh chân dung và vân tay trên CMND mới không sắc nét, khiến người dân không hài lòng khi tiếp nhận” – Trưởng phòng PC64 (Công an TP.Hà Nội) Đỗ Đức Quang góp ý.

Đặc biệt, một bất cập đã phát sinh là việc ghi tên cha, mẹ trên CMND mới. Do có các ý kiến không đồng tình với quy định này nên Tổng cục VII đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về CMND theo hướng bỏ tên cha, mẹ trong CMND mới. Theo đó, Bộ Công an đã xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/NĐ-CP, Nghị định số 170/2007/NĐ-CP về CMND và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức, xác định nội dung thể hiện trên CMND chỉ là những nội dung, thông tin cần thiết về đặc điểm riêng của mỗi công dân (ổn định, đơn giản, dễ phân biệt được) trong nhiều nội dung dữ liệu công dân mà cơ quan quản lý thu thập. Theo đó, CMND mới cần được đơn giản hoá nội dung, còn các thông tin khác, kể cả thông tin cha mẹ sẽ được lưu trữ trong hệ thống quản lý dữ liệu và chip điện tử.

Cấp gần 86 nghìn CMND mới

Sau gần 1 năm triển khai thí điểm cấp CMND mới tại các quận, huyện Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm (Hà Nội), cơ quan Công an đã thu nhận, xử lý thông tin, phê duyệt hồ sơ và in hoàn chỉnh 85.998 CMND cho công dân. Việc cấp CMND mẫu mới đảm bảo nguyên tắc mỗi người chỉ được cấp một số CMND duy nhất (12 chữ số). Trong 1 năm qua đã phát hiện, xử lý 54 trường hợp hồ sơ không hợp lệ, gồm 10 hồ sơ bị sai vân tay, 22 hồ sơ làm thủ tục cấp mới 2 lần, 1 hồ sơ công dân làm thủ tục cấp mới tại 2 đơn vị khác nhau, 21 trường hợp công dân làm hồ sơ cấp mới có thay đổi nhân thân khác.

Thục Quyên

Đọc thêm