Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân: Được hưởng thêm nhiều chế độ hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi. Trong đó đáng chú ý là các quy định về tiếp nhận người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Công an cho biết, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng hơn, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân.

Từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2012) đến nay, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo phạm các tội về mua bán người; đã giải quyết, xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo). Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người. Theo đó, từ năm 2012 đến tháng 02/2023 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Từ kết quả nêu trên, có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn: Chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù; chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng; Những người đang trong thời gian xác minh là nạn nhân cần phải được hưởng một số chế độ hỗ trợ thiết yếu (ăn, mặc, ở, y tế, chi phí đi lại; hỗ trợ tâm lý…) và thực tiễn các cơ quan chức năng đã tổ chức hỗ trợ các đối tượng này nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các chế độ nêu trên.

Để khắc phục những tồn tại trên, Dự thảo Luật bổ sung đối tượng bảo vệ gồm: Người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; Người thân thích của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là người có quan hệ với người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân gồm: Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan và giữ nguyên quy định về một số biện pháp bảo vệ (trong đó có việc bố trí nơi tạm lánh cho người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ) và thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ đối với đối tượng này.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân; đồng thời, nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 theo hướng: Tất cả nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí tiền tàu xe và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ); Cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; Được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 03 tháng; Khi trở về địa phương được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; Có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh nếu thuộc đối tượng được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì được ưu tiên cho vay vốn theo quy định về chính sách tín dụng; Hỗ trợ chi phí phiên dịch nếu là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bị mua bán.

Đọc thêm