Lấy ý kiến về quy trình tiếp nhận, xác định nạn nhân mua bán người đang ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công an đang lấy ý kiến dự đối với thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Trong đó, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung quy định mới về tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài và quy định tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.
Lấy ý kiến về quy trình tiếp nhận, xác định nạn nhân mua bán người đang ở nước ngoài

Tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài

Theo đó, trong tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài Bộ Công an đề xuất như sau: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do chính họ, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau:

Trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ.

Trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy tờ xuất nhập theo quy định.

Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước.

Đối với việc tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân từ nước ngoài trở về qua Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như sau: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước.

Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc tiếp nhận người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, nếu họ có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường và hướng dẫn họ làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ quy định. Trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì chuyển giao họ cho những cơ sở này.

Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Việc tiếp nhận người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài có đủ điều kiện trở về Việt Nam theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế song phương được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế song phương đó.

Tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam

Dự thảo cũng đề xuất về việc tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam. Theo đó, khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu.

Trường hợp họ đã được giải cứu hoặc khai là nạn nhân tự trình báo thì Cơ quan Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển nơi giải cứu nạn nhân hoặc cơ quan Công an (cấp xã, huyện, tỉnh) nơi tiếp nhận người khai là nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân nếu thấy cần thiết và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi họ được giải cứu hoặc nơi gần nhất họ khai báo về việc bị mua bán.

Trường hợp người được giải cứu có đủ căn cứ xác định nạn nhân thì cơ quan giải cứu cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán trước khi chuyển giao.

Cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về thời gian, cửa khẩu, phương tiện chuyên chở nạn nhân về nước (trường hợp phía nước ngoài không bố trí được phương tiện chuyên chở thì có thể đề nghị các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ), sau đó thông báo bằng văn bản và chuyển giấy tờ xuất, nhập cảnh của nạn nhân cho Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an.

Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện cấp thị thực xuất cảnh, tạm trú cho nạn nhân, thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang lưu giữ nạn nhân; Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh; các tổ chức quốc tế (nếu có liên quan) để phối hợp đưa nạn nhân về nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi lưu giữ nạn nhân chỉ đạo cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân đưa nạn nhân tới cửa khẩu và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc đưa nạn nhân về nước.

Đọc thêm