|
Bác Hồ và Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức KPD Max Reimann tháng 7/1957 |
Tháng Giêng năm 1976 - lúc đó tôi là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Béclin – đã may mắn được gặp Cụ nhờ sự sắp xếp của Trung ương Đảng XHCN thống nhất Đức. Đã 78 tuổi, song cụ Mác Reimann vẫn hoạt bát và có trí nhớ tuyệt vời, kể lại rành rẽ với chúng tôi những kỷ niệm ấm áp với Bác Hồ:
- Đối với chúng tôi, những người còn hoạt động âm thầm ngay giữa lòng xã hội tư bản, đồng chí Hồ Chí Minh luôn luôn dành cho những tình cảm anh em vô cùng thắm thiết. Cứ mỗi lần gặp Người, các đồng chí Togliatti (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italia), Tore (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) và tôi lại cảm thấy vui mừng kỳ lạ. Chúng tôi gọi Người một cách trìu mến là "người đồng chí từ phương Đông". Ở đồng chí Hồ Chí Minh dường như lúc nào cũng toả ra một tình cảm ấm áp, một sự thông cảm đầy tinh thần anh em. Và chỉ bằng ấy thôi cũng đủ sức thu hút và hấp dẫn những người xung quanh. Kỳ diệu thay, con người mảnh dẻ và dịu dàng ấy lại đã từng làm cho bao thế lực cường quyền phải khiếp sợ!
Trong thời kỳ bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sang Đức mấy lần và thường là với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản. “Bấy giờ tôi cũng có biết, song không thể gặp đồng chí vì đang hoạt động ở một tỉnh xa. Vào những năm 20, Người cải trang làm một người Trung Quốc tham dự Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản ở Étxen (Essen).” Dịp này, Người ngủ tại nhà những người công nhân Đức.
- Tôi chính thức tiếp xúc với đồng chí Hồ Chí Minh vào mùa hè năm 1935, tức là khi tiến hành Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tại thủ đô Matxcơva. Đại hội này họp tại Nhà Công đoàn trong gần một tháng, kể từ ngày 27 tháng 7 đến 21 tháng 8…Tại Đại hội ấy, tôi được phân công cùng đồng chí Peter Florin viết 10 trang về tình hình Đức để bổ sung cho bản báo cáo của Đimitrốp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về phần tình hình Đông Dương và phong trào thuộc địa. Cũng dịp này, tôi được gặp đồng chí Lê Hồng Phong, bạn chiến đấu và học trò ưu tú của đồng chí Hồ Chí Minh. Lê Hồng Phong đã được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội và đọc bản tham luận hấp dẫn nói về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản ớ Việt Nam và Đông Dương.
Từ sau Đại hội này, cụ Mác Reimann còn được gặp đồng chí Hồ Chí Minh nhiều lần. “Người coi tôi như một người bạn thân thiết, tuy rằng tôi ít hơn đồng chí những tám tuổi Mỗi lần trông thấy tôi từ xa, đồng chí đã giơ hai tay lên cao rồi mở rộng vòng tay, bước tới ôm hôn tôi trìu mến. Người thường hỏi tôi bằng tên riêng:
- Đồng chí Max, đồng chí vẫn khoẻ đấy chứ?
Từ thâm tâm mình, tôi luôn luôn coi đồng chí Hồ Chí Minh là một người anh lớn, một tấm gương sáng ngời của người mácxít - lêninnít mẫu mực. Phải nói rằng, đồng chí Hồ Chí Minh đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có uy tín rất lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, đấu tranh với tinh thần bền bỉ và kiên quyết cho sự thống nhất của những người cách mạng chân chính toàn thế giới.”
Lần Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Mác Reimann gặp nhau lâu nhất là vào mùa hè 1957, khi Bác Hồ sang thăm hữu nghị chính thức nước CHDC Đức. “Chúng tôi thường tìm đến nhau sau những hoạt động chính thức của đồng chí. Có hôm đồng chí tiếp tôi ở ngay chân cầu thang phía ngoài biệt thự. Đồng chí mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc hai màu đỏ và đen. Bữa ấy, tôi mang cả hai cậu con trai là Hans và Michael sang thăm Bác Hồ. Hai cháu rất sung sướng được gặp Người. Người rất yêu mến chúng, âu yếm xoa đầu và hỏi chúng về chuyện học hành. Lát sau, đồng chí Hồ Chí Minh khoác tay tôi ôi dạo trong vườn. Người hỏi tôi: - Bệnh dạ dày của đồng chí đã đỡ chưa?
Tôi rất lạ là Người còn nhớ đến cả một chuyện nhỏ ấy. Tôi nói với Người rằng, sau khi được các nhà chuyên môn của CHDC Đức xem xét, điều trị, tôi thấy có khá hơn. Tuy nhiên, công việc liên miên, nhiều khi khá căng thẳng, ít được nghỉ ngơi nên cũng khó lòng khỏi hẳn. Người nhìn tôi đầy thông cảm...”/.