Lễ hội chọi dê được tổ chức tại các xã có truyền thống nuôi dê như Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng (Huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Vào ngày đầu xuân sau Tết nguyên đán, người dân tạm gác việc nương rẫy, nô nức kéo nhau lên thị trấn Mèo Vạc để chiêm ngưỡng những màn chọi dê độc đáo.
Dê núi lột xác
Những chú dê núi thường ngày kiếm ăn trên sườn núi, vào ngày cận Tết được các ông chủ chăm sóc chu đáo và dạy cho những miếng đòn trước khi bước lên đấu trường. Sới chọi được quây lại thành vòng nhỏ khoảng 40m2 để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách đến xem. Những “đấu sĩ” râu quặp đứng trên đấu trường trông thật dũng mãnh với những màn đá ngang, nhảy lên như để thị uy trước đối thủ. Mọi người đem ra những chú dê tốt nhất, khỏe nhất để phô diễn sức mạnh của chú dê cưng được mình chăm sóc, huấn luyện.
Trước mỗi trận đấu, chủ nhân đăng ký cân nặng, giống nòi của các “đấu sĩ” để ban giám khảo phân định các cuộc tranh tài theo từng hạng cân và phát số báo danh. Thường thì, các cuộc tranh tài sẽ diễn ra ở 3 hạng cân: Cuộc tranh tài thứ nhất giành cho các đấu sĩ dê từ 30 kg – 35 kg, cuộc tranh tài thứ hai diễn ra giữa các “đấu sĩ” từ 36 kg – 40 kg. Cuộc tranh đấu ở hạng cân cuối cùng 41 kg – 46 kg và được đánh giá là những cuộc tranh tài gay go, đáng xem nhất.
Đấu sĩ dê mang số hiệu 45, ở hạng cân 43 kg bước vào trận đấu với tư thế cẩn trọng, nghiền ngẫm đối thủ rồi tung những chiến thuật khéo léo. Sau đó, đấu sĩ dê ra đòn chính diện khiến đối phương bất ngờ, ngã lăn quay. Những màn húc chính diện đối phương, móc sừng vào bụng để hất ngược đối phương lên khiến người xem không muốn dời mắt khỏi cuộc chơi. Đặc biệt, những pha khóa sừng bất chợt từ đấu sĩ dê già dặn rất dễ hạ gục đối phương trong chớp nhoáng.
Tuy nhiên, không vì thế mà những cuộc so tài của các đấu sĩ trẻ ở hai hạng cân dưới vắng khán giả. Đấu sĩ dê ở mang số hiệu 36, hạng cân 36 kg bước vào trận với khí thế hùng hục, liên tục tung ra miếng đòn chí mạng như đá xỉa, dùng sừng đôi sừng nhọn húc vào bụng để rồi hất ngược đối thủ lên.
Hội độc nhất vô nhị
Trong cuộc chiến, hung hăng là vậy nhưng đấu sĩ dê chỉ mất sức nhiều, lớp da dày cùng thân hình thấp nhỏ giúp cho những chú dê khỏi bị thương nặng. Tuy nhiên, điều đó khiến cho trận đấu trở nên căng thẳng hơn. Sau cuộc chơi, những chú dê lẽo đẽo theo chủ về nhà.
Dù chú dê thắng cuộc hay thua cuộc đều không bị xẻ thịt như ở chọi trâu, chọi ngựa. Điều này đã làm nên nét đẹp trong lễ hội chọi dê ở xứ Mèo Vạc. Những chú dê thắng trận có dịp biểu dương sức mạnh vừa thể hiện người chủ biết chăm nuôi dê. Vì vậy, người có dê thắng cuộc luôn được mọi người tôn trọng, đặt mua dê với giá cao để phối giống, giữ nguồn gen quý.
Chọi dê ở đây được xem là “độc nhất vô nhị” ở vùng núi phía bắc. Để những chú dê núi lột xác thành các “đấu sĩ” trên võ đài, người huấn luyện phải chăm chút, với chế độ ăn uống, tập luyện đều mỗi tuần, trải dài cả năm trời thậm chí qua nhiều năm. Những đấu sĩ dê muốn được bước lên võ đài phải đủ 3 năm tuổi đời trở lên, thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, râu dài, sừng cao.
Anh Lý Trần Phín, thôn Tả Hô Piên, người chủ dê đoạt chức vô địch năm 2014 (hạng cân 25 – 30 kg) chia sẻ kinh nghiệm: “Để đào tạo được một võ sĩ dê bước lên võ đài cần phải tách đàn sớm, sau đến cho dê tập luyện đều mỗi tuần với chế độ ăn riêng hợp lý. Trước thời gian diễn ra cuộc thi 4 – 5 tháng, người nuôi nên để dê chạy đều với cường độ tăng dần để rèn sức bền. Sau hai tháng, ngươi nuôi kết hợp cho dê tham gia một số trận đánh tập huấn để làm quen, học mánh nghề từ đối thủ.”
Việc tổ chức cuộc thi mỗi năm không chỉ giúp bà con mở rộng mô hình chăn nuôi dê theo đàn mà còn phát triển chất lượng đàn dê. Đây là sân chơi bổ ích trong ngày đầu xuân, giúp người dân và khách du lịch biết đến nét văn hóa đẹp của người dân nơi đây nhiều hơn – bà Đào Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao – Du lịch huyện Mèo Vạc cho biết./.