Cay cay vị mứt gừng của mẹ

(PLO) - Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, thành phố chuẩn bị đón những đêm đông giá lạnh và nhất là những ngày Tết đến xuân về, gió se sắt trong mưa xuân lây phây, rùng mình xiết hai vạt áo vào người, tôi lại thấy nhớ quắt quay món mứt gừng của mẹ. Cay mà ấm. Như tình yêu của mẹ dành cho tôi, nghiêm khắc nhưng sâu nặng suốt đời. 
Mứt gừng nguyên củ
Mứt gừng nguyên củ
Vòng tay ấm áp - đó là kỷ niệm mà rất nhiều đứa con thường nhớ đến khi nghĩ về người mẹ của mình. Tôi là con của một bà mẹ Huế rất nghiêm khắc trong chuyện dạy con, nên ngay từ thuở ấu thơ tôi đã chẳng mấy khi được mẹ ôm. Đã từng có lúc tôi rất tủi thân dù biết rằng mẹ rất yêu tôi. 
Dù biết rằng, trong những giấc ngủ chưa sâu của mình tôi vẫn thấy tóc mẹ mơn man trên má, nụ hôn của mẹ lướt trên vai, trên tay. Và, giọng mẹ thầm thì như rót mật bên tai: “Bé con ơi, thương con lắm, nhưng chỉ thương lúc ngủ thôi. Thức phải nghiêm thì con mới nên người”…
Mẹ nghiêm khắc là vậy nhưng chưa bao giờ tôi xấu hổ với chúng bạn quần thủng đít vì mẹ không yêu tôi. Ngược lại, bạn bè tôi thường tị ghen vì những món ăn mẹ nấu cho cả nhà và đôi khi là chỉ dành riêng cho tôi. Lúi hui bên bếp lửa, đưa tay vén sợi tóc mai xòa xuống gương mặt đỏ hồng vì hơi nóng, mẹ kể với tôi rằng ,“gu” ẩm thực của người Việt mình là ưa gia vị. Đặc biệt, trong tâm thức của người Việt, cách phối hợp gia vị để bày tỏ tình cảm cũng khá đặc biệt. 
Ví như gừng, nếu cay xè thì chịu không nổi, nhưng cay kết hợp với mặn thì lại là nghĩa tình: "Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau "; "Muối mặn ba năm còn mặn/Gừng cay chín tháng còn cay/Dù ai xuyên tạc lá lay/Sắc son nguyện giữ lòng này thủy chung (Ca dao)"…
Tôi đã lớn lên từ những câu ca được mẹ ngâm nga, giảng giải bên cạnh bếp lửa bập bùng suốt những năm tháng ấu thơ như thế. Quê tôi miền Trung, dịp Tết đến xuân về, tuy không lạnh buốt vì những cơn gió mùa đông bắc như ở xứ Bắc, nhưng cái lạnh của những cơn mưa dài cũng tái tê không kém. Mưa rơi rào rạt trước hiên nhà, mưa gõ trên mái tôn, mưa thổi cái lạnh vào đứa trẻ gày gò, ít áo là tôi đang ngồi hít hà hơi ấm từ chiếc chảo sên mứt gừng của mẹ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Mứt gừng mẹ tôi làm rất độc đáo. Lớn lên, đi nhiều, được nếm nhiều món mứt nhưng tôi ít gặp lại ở nơi nào món mứt gừng nguyên củ như mẹ tôi đã làm. Để có đĩa mứt gừng thơm ngon như ý, mẹ phải trồng gừng từ năm trước, gừng đúng tuổi, mẹ nhổ và chọn những củ non nhất và không bị thối hỏng, không bị tổn thương bên ngoài, rửa sạch đất bám trên vỏ, các khe và chân nhánh gừng. 
Để nguyên củ gừng, mẹ tỉ mẩn dùng dao nhỏ cạo hết vỏ, ngâm nước lã chừng vài giờ, sau đó vớt gừng xoa muối vào để gừng mềm rồi bắt đầu xăm hết nước cay thì gừng mới trắng. Tôi vẫn còn nhớ đôi bàn tay mẹ nóng rực, đỏ au lên vì nước gừng chảy ra khi xăm. Gừng xăm xong trước khi luộc mẹ ngâm vài phút với nước vo gạo có vắt chút nước chanh. 
Luộc xong, ép khô kiệt nước thì đến khâu rim gừng. Ngày bé tôi thích nhất công đoạn này. Còn gì thú hơn khi ngồi ngắm đường sên trong chảo mứt gừng từ dẻo quánh đến khô dần, vón lại trắng óng ánh bao quanh những củ gừng săn chắc. 
Mứt gừng nguội, mẹ cất vào cái lọ thủy tinh to, đậy chặt. Mặc cho đứa bé - tôi cứ lượn qua lượn lại ngó nghiêng đầy thèm thuồng. “Để dành Tết!” – giọng mẹ nghiêm khắc làm nguội cơn thèm của tôi. Nói vậy, nhưng rồi trưa nào ngủ dậy, mưa đầy trời, mẹ cũng cho tôi một nhánh củ để nhâm nhi ấm cả người. 
Chiều ba đi làm về, gỡ cái áo mưa vào nhà đã có đĩa mứt gừng, ly trà ấm để quên cái lạnh, cái mệt của cả một ngày dài mưu sinh. Ba ngày Tết món mứt gừng của mẹ nằm trong khay mứt đón chào những lời trầm trồ, xuýt xoa của những vị khách và sự hãnh diện ngấm ngầm của ba về người vợ khéo…
Mẹ ơi, giá như thời gian trở lại. Để con lại được thấy mình ngày nào thơ dại cầm nhánh mứt gừng trong nụ cười yêu thương của mẹ…