Từ ngày 1/1/2017, BLDS sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Điều 37 về chuyển đổi giới tính quy định rõ: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Quy định là vậy nhưng nhiều người còn băn khoăn, cho rằng luật còn mập mờ về việc có thực sự cho phép hay không, và cơ quan chức năng nào có thẩm quyền thực hiện việc “cho phép đó”. Ngay tại Điều 37 BLDS 2015 cũng quy định “Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật”, nhưng “quy định của cụ thể luật nào thì lại chưa ai biết”. Nhiều người đồng tính cho rằng BLDS quy định như vậy cũng có nghĩa là có thể phẫu thuật CĐGT ở Việt Nam. Có thực tế tìm hiểu sâu sát vấn đề mới thấy sự việc không đơn giản như vậy.
TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Quốc hội đã thông qua và giao Bộ Y tế xây dựng Luật CĐGT. Theo lộ trình, Dự án Luật sẽ xây dựng và trình Chính phủ vào năm 2018. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua cuối năm 2018 đầu năm 2019. Nhưng để ban hành luật này là một vấn đề không đơn giản. TS Quang cho biết, hiện có rất nhiều luật liên quan đến vấn đề này (Hiến pháp, BLDS , Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự…).
Như Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn chưa cho phép hôn nhân đồng giới. Liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự, hiện luật này mới quy định nam đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, chứ không đề cập đến người chuyển giới. Pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam đối với người đồng tính, chuyển giới cũng chưa được quy định rõ.
Ông Quang đưa ra câu hỏi: “Chúng ta nên sửa một loạt các luật rồi chờ Luật CĐGT ra đời, hay xây dựng Luật CĐGT rồi mới tiến hành sửa đổi các văn bản pháp luật kia?”.
Ông Quang cho biết, Bộ Y tế sẽ phải nghiên cứu, giải trình về tính cấp thiết, mục tiêu của luật, những vấn đề xã hội nảy sinh, tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, phải xem xét đến tính hợp hiến, hợp pháp của điều luật.
Đứng từ góc độ người quản lý, ông Quang nhận định dù Luật chưa cho phép nhưng vẫn có rất nhiều người cố tình tìm sang nước ngoài phẫu thuật CĐGT. Cũng bởi luật không cho phép nên họ phải phẫu thuật ở những cơ sở “chui”, rủi ro rất cao. Không chỉ thế, sau khi CĐGT về Việt Nam, họ còn gặp khó khăn trong việc công nhận nhân thân, gặp những trở ngại trong hoạt động giao dịch hàng ngày. “Rồi sau khi CĐGT, nếu sinh con bằng phương pháp khoa học thì ai sẽ là bố, ai là mẹ; đi đứng, vệ sinh thế nào… cũng là những vấn đề phải quan tâm. Chính vì những lý do trên, việc xây dựng một đạo luật chuyên ngành là một nhu cầu vô cùng bức thiết”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế lo ngại.
Giải thích này của ông Quang cũng trùng khớp với quan điểm của Ban soạn thảo Dự thảo BLDS 2015. Tại hành lang Quốc hội, ngay sau khi các ĐB nhấn nút thông qua BLDS sửa đổi bổ sung 2015, ông Hà Hùng Cường (khi đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp – đơn vị chủ trì soạn thảo Dự án BLDS sửa đổi, bổ sung 2015) đã phát biểu về vấn đề này: “Thừa nhận quyền thì có, nhưng thực thi quyền thì phải chờ luật”.
“Bao giờ sẽ có Luật CĐGT? Bao giờ người đồng tính mới được áp dụng những quy định của BLDS 2015?” là những câu hỏi người đồng tính đang mòn mỏi đợi chờ.
Nhưng dẫu sao, vẫn phải khẳng định một điều: Với BLDS sửa đổi, bổ sung 2015, Nhà nước ta đã có bước tiến rất quan trọng, thay đổi tư duy, công nhận quyền của một nhóm người không lớn trong xã hội. Điều này cũng thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tôn trọng quyền con người, dù người ta là thiểu số.