Người dùng mạng bắt buộc xác thực thông tin cá nhân: Liệu có rủi ro?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày 25/12/2024, người dùng mạng xã hội sẽ bắt buộc phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại hoặc mã số định danh. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra những lo ngại, bao gồm nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân và việc làm giảm khả năng tiếp cận mạng xã hội của một số đối tượng.
Đã có một số mạng xã hội yêu cầu người dùng xác thực tài khoản bằng căn cước công dân/chứng minh nhân dân. (Ảnh: Duyên Phan)
Đã có một số mạng xã hội yêu cầu người dùng xác thực tài khoản bằng căn cước công dân/chứng minh nhân dân. (Ảnh: Duyên Phan)

Hạn chế hành vi xấu, độc trên mạng xã hội

Chỉ còn 10 ngày nữa, quy định mới về việc bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024. Ngay sau khi được ban hành, Nghị định đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi quy định này tác động trực tiếp đến người dân trong bối cảnh mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản, mỗi người dân có ít nhất 1 - 2 tài khoản. Phổ biến nhất là trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… Tuy nhiên, trong số đó, tình trạng tài khoản ảo, ẩn danh và giả mạo vẫn diễn ra phổ biến.

Việc tồn tại các tài khoản ảo, ẩn danh đã tạo cơ sở cho các hành vi tiêu cực như phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, quấy rối, bình luận ác ý,… tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí nhiều đối tượng còn biến không gian mạng thành “mảnh đất màu mỡ” cho các hành vi lừa đảo trực tuyến hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân và xã hội mà còn gia tăng thách thức cho cơ quan chức năng trong việc truy vết, đặc biệt là trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng phổ biến và phức tạp.

Trên thực tế, trong năm qua, các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới đã có tiến bộ đáng kể khi hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý các nội dung vi phạm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết và cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo. Thế nhưng, do “ma trận” tài khoản ảo và ẩn danh, những nỗ lực này vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Trước thực trạng này, quy định bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng. Mặc dù chưa thể kỳ vọng quy định sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của mạng xã hội, nhưng đây là bước đi đầu tiên khiến các tài khoản ảo, giả mạo gặp nhiều khó khăn trong việc “ẩn mình” để thực hiện các hành vi lạm dụng trên không gian mạng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT nhận định việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có xu hướng gia tăng. Quy định này xuất phát từ yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá việc Bộ TT&TT quy định bổ sung yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng bằng số điện thoại là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành và cơ sở pháp lý quan trọng là Luật An ninh mạng. Nhiều mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới đều đã có yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký bằng email, số điện thoại hoặc căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Minh chứng là các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại khoảng 30%, bằng email khoảng 30%, chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại khoảng 40%.

Người dùng lo ngại những rủi ro tiềm ẩn

Có thể thấy, quy định xác thực tài khoản mạng xã hội thông qua số điện thoại hoặc mã số định danh sẽ có tác động theo chiều hướng tích cực tới người dùng và các mạng xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, song hành với những ý kiến ủng hộ cho rằng động thái này sẽ góp phần hạn chế hành vi xấu, độc trên mạng xã hội. Cũng có không ít người bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn như nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.

Rò rỉ thông tin cá nhân có thể xảy ra nếu mạng xã hội không quản lý tốt dữ liệu người dùng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Freepik)

Rò rỉ thông tin cá nhân có thể xảy ra nếu mạng xã hội không quản lý tốt dữ liệu người dùng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Freepik)

Số điện thoại hay mã số định danh là những dữ liệu cá nhân vô cùng nhạy cảm, nếu bị rò rỉ sẽ có nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng, chiếm đoạt nhằm mục đích xấu như tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng. Do đó, khi cung cấp thông tin cá nhân cho mạng xã hội, người dùng lo ngại có thể đối mặt với nguy cơ trên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, những quan ngại về việc lộ, lọt thông tin cá nhân ở trên mạng xã hội là chính đáng. Vì không phải mạng xã hội nào cũng có đủ các yếu tố về mặt kĩ thuật, nhân lực để bảo vệ thông tin cá nhân cho người dùng. Dù đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu làm mất mát, rò rỉ dữ liệu nhưng để có thể xử lý, điều tra những vụ việc này vẫn là một thách thức vô cùng lớn. Do đó, ông nhận định trách nhiệm thuộc về các cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Bộ Công an và Bộ TT&TT trong việc phổ biến cho doanh nghiệp tuân thủ các quy định và mạnh tay xử lý một số trường hợp vi phạm để tạo ra thông điệp mạnh mẽ trong việc nghiêm túc bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng.

Bên cạnh đó, quy định mới có thể làm giảm khả năng tiếp cận mạng xã hội của một số đối tượng. Đơn cử với người cao tuổi, mặc dù việc sử dụng mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong độ tuổi này nhưng họ thường chỉ quen với những thao tác cơ bản như xem thông tin, đăng ảnh, viết status, thả cảm xúc hoặc bình luận. Các thao tác phức tạp hơn như xác thực tài khoản có thể khiến người cao tuổi gặp khó khăn. Vì vậy, cần có phương thức xác thực phù hợp với mọi đối tượng để bảo đảm mọi người đều có sự tiếp cận mạng xã hội bình đẳng. Nhất là khi, mạng xã hội đang trở thành công cụ quan trọng giúp người cao tuổi vượt qua những rào cản về tuổi tác, khoảng cách thế hệ, từ đó kết nối và hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

Nhìn chung, dù có những rủi ro nhất định nhưng việc xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những giải pháp rất quan trọng bảo vệ người dùng khỏi những hành vi tiêu cực, tội phạm lừa đảo trực tuyến. Quy định này cũng góp phần chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng Internet là “vô danh nên vô trách nhiệm”, từ đó nâng cao ý thức cá nhân khi tham gia không gian mạng.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định: Trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.

Đọc thêm