Điều này được thể hiện rõ nét qua việc xử lý các vấn đề pháp lý chiến lược liên quan đến công pháp quốc tế (CPQT), tư pháp quốc tế (TPQT), pháp luật thương mại và hội nhập quốc tế; tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế; công tác nhân quyền;…
Thẩm định hàng nghìn ĐƯQT, đàm phán nhiều ĐƯQT quan trọng…
Một trong những nhiệm vụ đặc thù và quan trọng của Vụ PLQT là thẩm định, góp ý, tham gia đàm phán ĐƯQT và TTQT. Trên cơ sở Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005 và Luật ĐƯQT năm 2016, trong gần 10 năm, Vụ PLQT đã thẩm định nhiều ĐƯQT (khoản 1.050 ĐƯQT) và góp ý rất nhiều TTQT. Bên cạnh đó, Vụ đã chủ trì đàm phán nhiều ĐƯQT thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (chẳng hạn như các hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, các công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về TPQT…); tham gia cùng các Bộ, ngành khác đàm phán một khối lượng lớn các ĐƯQT về nhiều lĩnh vực: biên giới, lãnh thổ, an ninh, quốc phòng, tư pháp, pháp luật, kinh tế, thương mại, … (chẳng hạn như: đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định về khuyến khích bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và các ĐƯQT đa phương, song phương khác…).
Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ PLQT, Bộ Tư pháp và ông Zoltán Nemessányi, Phó Quốc vụ Khanh, Bộ Tư pháp Hungary ký Biên bản Vòng Đàm phán lần thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Hungary ngày 10/01/2018 tại Hà Nội |
Theo ghi nhận và đánh giá của các Bộ, ngành, công tác thẩm định, góp ý và đàm phán ĐƯQT, TTQT của Bộ Tư pháp có chất lượng tốt, ngày càng đi vào thực chất, giúp các bộ, ngành đảm bảo các ĐƯQT và TTQT dự kiến ký kết phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, tương thích với các ĐƯQT khác trong cùng lĩnh vực.
Đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật
Từ khi thành lập Vụ năm 2003 đến nay, với vai trò “cầu nối” giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, Vụ PLQT đã chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quan trọng liên quan đến pháp luật quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài như: Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, Phần 5 Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, Nghị định số 51/2015/NĐ-CP ngày 26/5/2015 của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý (YKPL), …
Với tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm, Vụ PLQT cũng đã tham gia xây dựng các đạo luật cơ bản, quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, như: Hiếp pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam và nhiều luật, bộ luật khác. Vụ PLQT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005, Luật ĐƯQT năm 2016, Pháp lệnh Ký kết và thực hiện TTQT năm 2007 và hiện nay đang phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng Luật TTQT… Các VBQPPL này được ban hành đã giúp cho công tác ĐƯQT và TTQT được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Vụ đặc biệt chú trọng đầu tư thời gian và nguồn lực thích đáng để thực hiện một trong những chức năng chính là thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo VBQPPL. Chỉ tính riêng trong vòng khoảng 5 năm (từ năm 2013 đến tháng 6/2018), Vụ đã thẩm định 172 VBQPPL và góp ý 1.341 VBQPPL. Chất lượng thẩm định, góp ý đã ngày càng được tăng lên, không chỉ tập trung vào tính tương thích với hệ thống pháp luật, ĐƯQT, tính khả thi… của văn bản, mà còn đánh giá sâu về nội dung của từng điều khoản. Vụ đã thể hiện tốt vai trò là người “gác gôn” cho Bộ trong việc thẩm định, góp ý các VBQPPL liên quan đến yếu tố nước ngoài và pháp luật quốc tế.
Bài bản trong công tác TTTP và TPQT
Kể từ khi có Luật TTTP năm 2007, Bộ Tư pháp đã trở thành cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thống nhất về TTTP trên phạm vi toàn quốc ở 04 lĩnh vực: TTTP dân sự, TTTP hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách bài bản và có chất lượng, Vụ PLQT đã xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp; thường xuyên trao đổi trực tiếp với đơn vị đầu mối thực hiện TTTP nước ngoài và các cơ quan thực hiện TTTP trong nước. Số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp mà Vụ PLQT phải xử lý tăng dần theo từng năm (năm 2017, số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp đã lên đến hơn 4.000 hồ sơ).
Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Quốc Dũng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ký Thông tư liên tịch quy định về trình tự, thủ tục TTTP trong lĩnh vực dân sự ngày 19/10/2016 tại Hà Nội. |
Dấu mốc quan trọng nhất đánh dấu sự trưởng thành trong công tác TPQT là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về TPQT từ tháng 3/201. Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị. Từ đó đến nay, Vụ PLQT đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị này, dần khẳng định vai trò của Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2016, Việt Nam trở thành thành viên của Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Cũng trong năm 2016, Vụ PLQT đã tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN “Một số công ước Hội nghị La Hay về TPQT trong mối liên hệ với ASEAN”, Tổng kết 20 năm thực thi Công ước Niu Oóc năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối của Việt Nam thực thi Công ước. Ngoài ra, Vụ PLQT đã chủ động phối hợp hướng dẫn, cho ý kiến trong xử lý các nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp liên quan đến việc áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Đại diện pháp lý cho Chính phủ trong gần 10 vụ tranh chấp quốc tế
Một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Vụ PLQT là trực tiếp chủ trì hoặc tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian qua, Vụ PLQT đã chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong gần 10 vụ tranh chấp quốc tế giữa Nhà nước Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý nhiều vụ tiền tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các tranh chấp giữa cơ quan nhà nước ở địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Không những vậy, Vụ PLQT còn tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế khác mà nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam là một bên, trong đó có các tranh chấp thương mại quốc tế trong khuôn khổ WTO…
Bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT, Bộ Tư pháp tham gia Diễn đàn Pháp luật ASEAN về một số công ước của Hội nghị La Hay về TPQT trong mối liên hệ với ASEAN ngày 14-15/11/2016 tại Hà Nội. |
Đàm phán, cấp YKPL với những hồ sơ đồ sộ
Một công việc phức tạp nữa mà Vụ phải triển khai thực hiện hàng ngày là chủ trì đàm phán và xây dựng dự thảo YKPL cho các ĐƯQT và thoả thuận vay vốn nước ngoài, thoả thuận phát hành trái phiếu quốc tế, thư bảo lãnh Chính phủ, các tài liệu văn kiện dự án đầu tư lớn và trọng điểm quốc gia, chẳng hạn như: các ĐƯQT về ODA ký kết với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB),… Thực tế cho thấy, các thỏa thuận tài chính, tín dụng với các tổ chức tín dụng nước ngoài như KFW, Korean Eximbank, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc…, các tài liệu cho các dự án BOT, BTO, PPP và các dự án đầu tư lớn thường có nội dung đa dạng, phức tạp và chuyên sâu về pháp lý và phần lớn được ký kết bằng tiếng Anh.
Chỉ tính từ năm 2008 đến tháng 6/2018, Vụ PLQT đã cấp 554 YKPL. Qua công tác này, Vụ đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm yếu tố pháp lý của các giao dịch; rà soát, đánh giá sự phù hợp về mặt pháp lý của toàn bộ quy trình đàm phán, ký kết ĐƯQT, các văn kiện thoả thuận vay vốn nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ với pháp luật trong nước; bảo đảm tối đa các quyền và lợi ích của phía Việt Nam, giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam.
Công tác CPQT và nhân quyền
Trong lĩnh vực CPQT, Vụ PLQT thực hiện nhiệm vụ đầu mối của Bộ Tư pháp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, biển, đảo, hàng không, hàng hải,… ; xây dựng, tham gia xây dựng pháp luật trong nước để thực hiện các ĐƯQT và góp phần bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc ký kết, gia nhập các ĐƯQT... Công việc này đã được thực hiện một cách chủ động nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và dân tộc.
Trong lĩnh vực nhân quyền, Vụ PLQT đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, đảm vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Điều này được thể hiện rõ nhất trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 2013. Vụ PLQT được giao là cơ quan thường trực của Ban điều hành Đề án tổng thể thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW[1]; tham gia Tổ giúp việc Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); chuẩn bị nội dung và tham gia đối thoại nhân quyền với các nước và tổ chức quốc tế; trả lời kháng thư và xử lý các vụ kiện mang màu sắc chính trị và nhân quyền; xây dựng các tài liệu, văn bản, tập huấn liên quan đến công tác đấu tranh và bảo vệ nhân quyền…
Bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT, Bộ Tư pháp chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực thi ICCPR ngày 24-25/8/2018 tại Quảng Ninh. |
Trong lĩnh vực nhân quyền, thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối thực thi Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp (Vụ PLQT) đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và cuối năm 2017 nộp cho Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam thực thi Công ước ICCPR sau 16 năm với khối lượng thông tin đồ sộ, phức tạp. Đây cũng là báo cáo quốc gia công ước quốc tế đa phương đầu tiên do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, đánh dấu sự trưởng thành của mảng công tác nhân quyền quốc tế của Vụ PLQT. Dự kiến, Báo cáo quốc gia ICCPR lần này được bảo vệ trước Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 3/2019.
Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng nêu trên, Vụ PLQT còn thực hiện việc nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ chuyên môn khác như: rà soát pháp luật trong nước với các ĐƯQT; chủ trì, xây dựng nhiều đề án, văn bản quan trọng ở cấp Nhà nước, Chính phủ và cấp Bộ về các vấn đề liên quan tới pháp luật quốc tế và hội nhập quốc tế; tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về pháp luật quốc tế cho các đối tượng là cán bộ, công chức làm công tác pháp luật và tư pháp trên cả nước...
Có thể nói, chặng đường ra đời và phát triển 15 năm của Vụ PLQT đã tạo nên nhiều mốc son và dấu ấn lịch sử khi thực hiện nhiệm vụ “gác gôn” về mặt pháp lý cho đất nước trong quá trình hội nhập, trong công cuộc cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tập thể Vụ PLQT luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển của nước nhà.