Gương sáng Pháp luật

Người giữ công lý “bên lề” tòa án và những cuộc đấu lý vì quyền lợi người lao động

(PLVN) -  Không phải luật sư, cũng chẳng phải thẩm phán nhưng suốt hơn 20 năm qua, chị Lê Thị Ngọc Oanh - Trưởng ban Nghiệp vụ Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng vẫn âm thầm đứng sau hàng trăm vụ việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có vụ ra tòa, có vụ kết thúc bằng một cái bắt tay, nhưng điểm chung lại họ đều được bảo vệ đúng pháp luật. Bằng sự bền bỉ, tận tâm và thấu cảm, chị giữ gìn công lý không chỉ bằng chuyên môn mà còn bằng tinh thần trách nhiệm và trái tim của một người cán bộ công đoàn.
Chị Lê Thị Ngọc Oanh (bên trái) cùng cán bộ Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đại diện cho 62 công nhân, đòi quyền lợi tại tòa. (Ảnh: NVCC)
Chị Lê Thị Ngọc Oanh (bên trái) cùng cán bộ Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đại diện cho 62 công nhân, đòi quyền lợi tại tòa. (Ảnh: NVCC)

Chị luật trong lòng công nhân

Hơn 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, chị Lê Thị Ngọc Oanh không hành nghề luật sư, nhưng với nền tảng học vấn là cử nhân ngành Luật và Thạc sĩ Luật chuyên ngành kinh tế, chị được người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đà Nẵng tin tưởng như một người “nắm luật không kém gì luật sư”. Họ tin chị không phải vì những lời nói hay, mà vì những việc chị làm đúng lúc họ cần nhất.

“Mỗi người lao động tìm đến tôi đều mang theo một nỗi lo, một câu hỏi. Nếu không thể giúp họ yên tâm bước ra khỏi cửa công đoàn, tôi thấy day dứt lắm”, chị Oanh chia sẻ.

Xuất thân là cán bộ công đoàn cơ sở, rồi giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, chị Oanh dần khẳng định vai trò khi chuyển sang lĩnh vực chính sách pháp luật và quan hệ lao động. Đến tháng 5/2024, chị được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng. Hiện chị đang là Trưởng ban Nghiệp vụ Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng.

Công việc của chị là giải quyết những vụ việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng vô cùng thiết thực như: tiếp nhận đơn thư, lắng nghe, đối chiếu quy định pháp luật, hướng dẫn viết đơn, thu thập chứng cứ, kết nối luật sư và hỗ trợ người lao động ra tòa. Không đứng trên bục xét xử, nhưng những quyền lợi mà người lao động lấy lại được là minh chứng rõ ràng cho vai trò “giữ công lý” của chị.

Có nhiều trường hợp, chị Oanh đại diện công đoàn phối hợp với Toà án để hoà giải, giải quyết vụ việc trước khi toà thụ lý để giải quyết theo thủ tục tố tụng. Như trường hợp của anh N.Đ.T., công nhân Công ty CP D.K Đà Nẵng có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Khánh bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định. Anh T. được hướng dẫn làm đơn khởi kiện, yêu cầu công ty thanh toán 1,5 tháng tiền lương theo quy định và yêu cầu bồi thường 2 tháng tiền lương khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Hay như trường hợp của anh P.T.L., sau gần 20 năm làm việc cho Công ty TNHH SX & TM T.A thì xin chấm dứt hợp đồng lao động và hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp thôi việc theo quy định.

Trường hợp này, xác định nếu Tòa án thụ lý đến khi xét xử cũng như thi hành án sẽ rất mất thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bởi vậy, sau khi hướng dẫn người lao động nộp đơn, chị Oanh “âm thầm” hỗ trợ người lao động từ phía sau để vụ án được tiến hành hoà giải trước khi thụ lý, hạn chế các vụ án tranh chấp lao động được giải quyết bằng bản án của Toà án theo thủ tục tố tụng. Đây cũng là phương án hiệu quả trong giải quyết tranh chấp lao động mà chị đã áp dụng trong thực tiễn công tác, nhờ đó, quyền lợi của người lao động được phục hồi một nhanh chóng.

Chị cũng từng hỗ trợ pháp lý cho hàng trăm người lao động bị nợ lương, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, bị từ chối thanh toán các khoản trợ cấp theo luật định. Trong vai trò là “người bào chữa không danh xưng”, chị trực tiếp viết đơn khởi kiện, hướng dẫn lập hồ sơ khởi kiện tập thể, thậm chí hỗ trợ từng công nhân soạn thảo mẫu đơn và chuẩn bị tài liệu chứng minh khi cần thiết.

Sau khi được điều động về Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, chị Oanh tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ tham mưu công tác quan hệ lao động, tuyên truyền pháp luật lao động. Để hoạt động không khô khan, chị luôn tìm tòi cách tiếp cận mới như sân khấu hóa, tọa đàm, thi tìm hiểu trực tuyến…, giúp người lao động dễ tiếp nhận và tự tin bảo vệ quyền lợi của mình.

Giành lại công lý tại những điểm nóng lao động

Trong giới công đoàn tại Đà Nẵng, không ai không biết đến vụ việc xảy ra vào năm 2018 - 2019 tại Công ty TNHH MTV TBO Vina - một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, bất ngờ đóng cửa, để lại gần 200 người lao động bị nợ lương và bảo hiểm, tổng giá trị lên đến gần 14 tỷ đồng. Người lao động hoang mang, trắng tay, mất việc, không biết bám víu vào đâu. Lãnh đạo công ty thì… biến mất.

Khi ấy, chị Oanh là Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Chị có mặt tại hiện trường từ sớm, không chỉ để “nắm tình hình”, vận động từng người lao động hợp tác với mình, hướng dẫn họ cung cấp hồ sơ, đối chiếu mức lương, thời gian làm việc và từng bước hướng dẫn họ khởi kiện theo đúng quy trình pháp luật.

Khi đó, nhiều công nhân không hiểu luật, đơn từ viết sai, giấy tờ chưa đủ. Chị cùng các cán bộ công đoàn tận tay chỉnh sửa đơn từ, chuẩn bị tài liệu, thu thập chứng cứ, kết nối luật sư và đồng hành trong suốt gần một năm xử lý vụ việc.

Chị Lê Thị Ngọc Oanh hướng dẫn người lao động thủ tục khởi kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh. (Ảnh: NVCC).

Chị Lê Thị Ngọc Oanh hướng dẫn người lao động thủ tục khởi kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh. (Ảnh: NVCC).

Đến ngày 10/6/2019, gần 200 hồ sơ khởi kiện được nộp, và cuối cùng, Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người lao động, buộc công ty phải thanh toán đầy đủ tiền lương và nợ bảo hiểm.

Không chỉ có TBO Vina, chị Oanh còn đồng hành cùng người lao động trong nhiều vụ việc khác. Tại Công ty CP Dệt Hòa Khánh, 62 công nhân sau khi hòa giải không thành đã được chị hướng dẫn lập hồ sơ khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Liên Chiểu để đòi lại quyền lợi. Tranh chấp lao động kéo dài đến phúc thẩm do doanh nghiệp kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, tuy nhiên đến thời điểm này 62 vụ án cũng đang được chị tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ cho người lao động thực hiện các thủ tục thi hành án.

Những vụ việc như vậy diễn ra thường xuyên. Có thời điểm, chị phải giải quyết cùng lúc nhiều tranh chấp trong một khu công nghiệp, mỗi vụ là một câu chuyện: người bị đuổi việc trái luật, người bị ép nghỉ sau khi sinh con, hay có người bị từ chối trả lương chỉ vì nghỉ một ngày không phép.

Trong mỗi tình huống, chị Lê Thị Ngọc Oanh luôn kiên trì phân tích, lý giải để tìm tiếng nói chung, nhưng cũng đủ bản lĩnh để kiên quyết khi cần thiết. “Có doanh nghiệp từng né tránh, từ chối hợp tác, nhưng sau khi tiếp xúc đã dần thay đổi thái độ, thậm chí chủ động tìm đến khi phát sinh vấn đề. Nhiều người lao động ban đầu định đưa nhau ra tòa, nhưng sau khi được tư vấn, họ lại chọn một con đường khác như hòa giải, thương lượng, tuân thủ pháp luật và giữ lại sự tôn trọng dành cho nhau”, chị Oanh chia sẻ.

Giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, chị cũng có mặt tại nhiều “điểm nóng” để ghi nhận thực tế khó khăn và cùng công đoàn cơ sở kiến nghị các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động.

Một điểm đặc biệt trong cách làm của chị là luôn cân nhắc kỹ trước khi đưa vụ việc ra tòa. Với những tranh chấp còn có thể thương lượng, chị ưu tiên phương án hòa giải, giúp các bên giữ được mối quan hệ lao động ổn định, để người lao động vẫn có việc làm, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, chị còn trực tiếp đến doanh nghiệp để tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc người lao động quan tâm nhất như chế độ thai sản, tiền lương, bảo hiểm xã hội…

Kiên trì gieo hạt nơi không mặn mà với công đoàn

Từ năm 2015, khi giữ vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng - đơn vị phụ trách gần 7 khu công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chị Oanh được giao nhiệm vụ vận động thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là thử thách lớn bởi không ít nơi né tránh, từ chối, thậm chí không tiếp đoàn công tác.

“Có những nơi, mình đi lại cả năm trời mới được gặp người đại diện doanh nghiệp. Nhưng tôi vẫn kiên trì, vì tôi tin, nếu người lao động thấy quyền lợi được bảo vệ, họ sẽ lên tiếng”, chị kể.

Chị Oanh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho công nhân tại một buổi sinh hoạt công đoàn. Những buổi gặp gỡ trực tiếp như thế này giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi, chế độ liên quan đến lương, bảo hiểm, thai sản… (Ảnh: NVCC).

Chị Oanh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho công nhân tại một buổi sinh hoạt công đoàn. Những buổi gặp gỡ trực tiếp như thế này giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi, chế độ liên quan đến lương, bảo hiểm, thai sản… (Ảnh: NVCC).

Chị cũng là người đi đầu áp dụng hình thức vận động công đoàn cơ sở theo Điều 17 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tiếp cận công nhân sau giờ làm, phát tờ rơi, nói chuyện trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Với cách làm này, nhiều công đoàn cơ sở được thành lập từ nhu cầu thực sự của công nhân.

Không chỉ tập trung vào tuyên truyền, chị còn chú trọng đến công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Chị là người tham gia trực tiếp biên soạn tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng đàm phán, thương lượng, hướng dẫn xây dựng nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể cho hàng trăm cán bộ công đoàn tại các khu công nghiệp.

Hằng tuần, chị đều đến doanh nghiệp để lắng nghe, tư vấn, cập nhật chính sách mới và giải đáp những vướng mắc phát sinh. Trong các dịp Tháng Công nhân, lễ Tết, chị cùng công đoàn cơ sở đi tặng quà, thăm hỏi tận khu trọ. Chị từng nhiều lần cùng tổ công tác đi vào những điểm nóng, những nơi đang có khiếu nại, đình công, hay đơn thư tập thể để tiếp xúc, lắng nghe người lao động. Tại đây, chị luôn là người ngồi xuống cùng công nhân, trao đổi thẳng thắn, không né tránh khó khăn và tìm phương án hợp lý nhất để giải quyết.

Hơn 20 năm công tác công đoàn, trải qua nhiều vị trí công tác, chị Oanh vẫn luôn giữ cho mình một nguyên tắc “Công đoàn là nơi để lắng nghe và đồng hành”. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để lắng nghe mỗi nỗi lo nhỏ, không phải ai cũng đủ dũng cảm để đứng về phía người yếu thế giữa những cuộc giằng co quyền lợi. Nhưng chị chọn cách đó như chị từng nói: “Tôi vui vì mình là nơi để công nhân tìm đến khi họ cảm thấy không còn ai đứng về phía mình.”

Đọc thêm