Người “giữ lửa” ca trù Lỗ Khê

 Ngày ngày, dân làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) lại thấy cái dáng liêu xiêu của ông lão Hoàng Kỷ cắp theo sổ sách, bút mực đi đến tận nhà từng nghệ nhân “gạo cội” trong làng ghi chép cẩn thận từng làn điệu ca trù cổ. Vốn biết chữ Hán nên ông tìm tòi thêm trong các văn bản cũ về nghệ thuật ca trù rồi phiên âm ra tiếng Việt. Tài sản của ông là những tập tài liệu viết tay về các làn điệu ca trù cổ cứ ngày một dày thêm.

Ngày ngày, dân làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) lại thấy cái dáng liêu xiêu của ông lão Hoàng Kỷ cắp theo sổ sách, bút mực đi đến tận nhà từng nghệ nhân “gạo cội” trong làng ghi chép cẩn thận từng làn điệu ca trù cổ. Vốn biết chữ Hán nên ông tìm tòi thêm trong các văn bản cũ về nghệ thuật ca trù rồi phiên âm ra tiếng Việt. Tài sản của ông là những tập tài liệu viết tay về các làn điệu ca trù cổ cứ ngày một dày thêm.

Được tâm sự với ông về nghề hát, chúng tôi mới thấy người “giữ lửa” ca trù của làng vẫn còn nhiều tâm huyết lắm, dù thời gian, tuổi tác, bệnh tật khiến sức khỏe của ông yếu dần.

“Đệ nhất trống chầu” đất Lỗ Khê

Cứ mỗi độ lễ tết, ngày giỗ tổ làng nghề, người dân lại được đắm mình trong tiếng trống chầu Hoàng Kỷ vang xa, đằm thắm, da diết, cùng nhịp sênh phách rộn ràng. “Đệ nhất trống chầu” là danh hiệu người dân làng Lỗ Khê dành tặng cho ông. Ông cho biết: “Tiếng trống chầu trong ca trù không chỉ có chức năng điều hành canh hát mà còn góp phần quan trọng tạo nên nét thanh nhã, cao sang của mĩ nhạc ca trù. Tiếng trống chầu do đó là thứ không thể thiếu để đưa lời ca vút bay... Tiếng hát hay mà tiếng trống không hay thì cũng xem như bài hát đó chưa đạt...”.

Ở đất Lỗ Khê, Nghệ nhân Hoàng Kỷ được mệnh danh là “đệ nhất trống chầu”
Ở đất Lỗ Khê, Nghệ nhân Hoàng Kỷ được mệnh danh là “đệ nhất trống chầu”
Trở lại ký ức những ngày trai trẻ, lão nghệ nhân say sưa tâm sự: “Thời xưa, phàm không phải con cháu hai họ Nguyễn Văn, Nguyễn Thế ở Lỗ Khê thì khó lòng được nhập vào giáo phường ca trù. Người ngoài muốn vào phường học phải được tuyển chọn kỹ càng, rồi làm lễ ra mắt, lễ nhập học trước ban thờ sư tổ ca trù. Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có bố là nghệ nhân Hoàng Lư - một tay trống chầu cự phách của giáo phường Kinh Bắc thủa ấy, hai cô ruột tên Lan và Vị đều là những nghệ nhân hát ca trù có tiếng. Theo bố và cô đi nghe hát nhiều, đến năm 12 tuổi, tôi tham gia phường bát âm: thổi sáo, kéo nhị, hát đình, đánh trống chầu... Vì thế từng lời ca, điệu hát ca trù cứ ngấm dần vào máu thịt tôi lúc nào không hay”.

Năm 1952, tạm gác lại niềm đam mê ca trù, Hoàng Kỷ vào quân ngũ. Ông tự hào nửa đời người mặc áo lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Trước lúc về hưu (năm 1988), ông là Đại tá Phó Cục trưởng về chính trị Cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ đội Biên phòng. Đáng lẽ đã có thể an hưởng tuổi già, nhưng cái duyên ca trù cứ day dứt khiến ông chẳng thể ngồi yên.

Thời điểm đó, ca trù Lỗ Khê đang bước vào giai đoạn khó khăn, các nghệ nhân có tên tuổi ngày càng ít đi, lớp trẻ thờ ơ với nghệ thuật ca trù. Nỗi lo lắng nghệ thuật truyền thống của cha ông bị mai một, thất truyền gieo vào lòng ông niềm khắc khoải nuối tiếc. Không cam chịu và vì thế cả cuộc đời tiếp theo của ông sau khi về hưu gần như dành trọn cho nghệ thuật ca trù. Ở làng này, bất cứ ai muốn hỏi về giáo phường ca trù không thể “qua mặt” ông Kỷ. Lịch sử gần 600 năm làng Lỗ Khê cũng như kiến thức cơ bản về ca trù dường như đã gói trọn trong tâm trí của nghệ nhân này.

Miệt mài “giữ lửa”

Theo nghệ nhân Hoàng Kỷ, Lỗ Khê là nơi chốn tổ ca trù. Từ thế kỷ thứ XV, Lỗ Khê đã có giáo đường và nhiều giáo phường chuyên đi biểu diễn khắp các trấn, tổng xứ Kinh Bắc và Thăng Long xưa. Ngày nay, những dấu tích về ca trù Lỗ Khê vẫn còn được lưu giữ trong ngôi nhà thờ Tổ sư nghề hát ca trù.

Các cụ xưa truyền lại rằng, ca trù chính là từ đồng lúa mà ra. Người đào hát gốc là nông dân một sương hai nắng. Khi đi hát, họ vận quần, mặc áo dài tân thời, tóc vấn đuôi gà. Đến đầu thế kỷ thứ XX, người dân mới ra thành phố mở nhà hát. Những cái tên hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát gõ, hát thẻ... cũng bắt nguồn từ đó. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam.

Hát ca trù có 3 lối hát: Cửa đình, hát chơi và hát thi. Trong đó hát cửa đình nội dung chủ yếu là chúc tụng - chúc thánh mừng làng, là lối hát chính, xuyên suốt, từ lối hát này “đẻ ra” lối hát ca trù. Người đào kép đi hát cửa đình không bao giờ mặc cả tiền, khi hát người ta thưởng thẻ tre, nên người ta gọi hát cửa đình là lối hát thẻ tre. Khi hát có ông Hương lý đánh trống điều hành canh hát, hát hay thì được nhiều thẻ, căn cứ vào thẻ để làng trả tiền. Cái tinh hoa, cái hay cái đẹp nằm ở thể hát cửa đình. Vì thế không chỉ sưu tầm lời hát mà lão nghệ nhân Hoàng Kỷ còn vẽ cả sơ đồ về hát thể cửa đình và giảng dạy cho con cháu hiểu rõ.

Ông bảo, nếu không kịp lưu truyền lại thì nay mai thôi nghệ thuật ca trù sẽ bị quên lãng. Bước sang tuổi 84, căn bệnh tiểu đường quái ác lại liên tục hành hạ ông. “Đã hơn 3 năm nay tôi bị bệnh tiểu đường nặng tưởng chừng nhiều phen không qua khỏi nhưng tổ tiên vẫn chưa muốn “dẫn” tôi đi có lẽ vì tôi vẫn còn “nợ” trần gian chưa trả hết”, ông tâm sự. Không biết “món nợ” mà ông nói đến ở đây có phải là mối duyên nợ với ca trù hay vốn học vấn uyên thâm, cùng món trống chầu “không ai sánh bằng” của cụ chưa truyền hết cho thế hệ trẻ hay không?

Chỉ biết rằng, cứ nhắc đến ca trù là giọng ông lại sang sảng, hào hứng không biết mệt. Tính đến nay, ở Lỗ Khê, số nghệ nhân trên 70 tuổi không nhiều, nghệ nhân trống chầu cao tuổi như ông Kỷ càng hiếm hoi. Như một sự linh cảm và khát vọng cuối đời muốn lưu truyền nghệ thuật ca trù của cha ông để lại đã thôi thúc ông tập hợp các văn bản chép tay từ 10 năm qua thành hệ thống tập san về nghệ thuật ca trù để truyền lại cho thế hệ sau.

Ông giãi bày: “Lớp trẻ bây giờ hiếm người sống với nghề, nhưng tôi vẫn nghĩ chỉ cần cái cốt, hồn ca trù còn thì dù có đi đâu, sau này con cháu vẫn nhớ về đất tổ. Có như thế, mỗi dịp lễ hội, Tết đến xuân về, ngón đàn, nhịp phách, lời ca một thủa mới có dịp ngân lên, hướng con người đến điều thiện”.

Tạm biệt lão nghệ nhân Hoàng Kỷ trong cái bắt tay siết chặt, chúng tôi tin rằng niềm mong mỏi của ông sẽ trở thành hiện thực, nghệ thuật ca trù sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Thu Hồng

Đọc thêm