Gần 2.000 người ở Hà Nội bị sốt xuất huyết, kể từ đầu năm đến nay. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai. Cuối tuần qua, nhiều quận huyện phát động diệt loăng quăng, phun thuốc, dọn vệ sinh môi trường, soi đèn vào chỗ tối để bắt muỗi. Trong ảnh là một nhân viên y tế soi đèn pin để bắt muỗi vằn.
"Muỗi vằn rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn, thích đậu trên các loại vải có màu sẫm tối, tối đậm, nhiều lông tơ mịn", bác sĩ Đỗ Danh Mạnh, Trung tâm Y tế bệnh tật huyện Quốc Oai, cho biết.
Khi phát hiện muỗi, các nhân viên y tế dùng ống thủy tinh nhỏ trong suốt để bắt và xác định giống muỗi có thể là trung gian mang virus sốt xuất huyết hay không. Tháng 4 đến tháng 11 là thời gian thuận lợi để muỗi phát triển do vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm.
Một con muỗi vằn bị bắt vào lọ thủy tinh. Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào. Những vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40% trong ngày, là nơi muỗi vằn thích đẻ trứng. Do đó để diệt loăng quăng, cách tốt nhất là lật úp các vật dụng có thể chứa nước lâu ngày, phát quang bụi rậm để môi trường sạch thoáng không cho muỗi trú ngụ.
Phun thuốc là cách để diệt muỗi trưởng thành. Hóa chất diệt muỗi là loại thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Thuốc được pha theo tỷ lệ 1:13 đạt độ an toàn cho người. Sau khi phun thuốc 2 giờ, con người có thể tiếp cận nơi vừa phun thuốc được.
Nhân viên y tế dự phòng dùng loại máy phun đeo vai để phun hóa chất trong các hộ gia đình, hoặc khu đông dân cư. Loại máy này dùng vòi phun tạo áp lực xa khoảng 2 mét. Loại máy phun công suất lớn như trong ảnh để phun nơi có không gian lớn, cây cối rậm rạp, nhà để xe, bể bơi...
Sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước do bước vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm. 8 tháng đầu năm, ngành y tế ghi nhận gần 130.000 người bệnh sốt xuất huyết, 16 người tử vong. Bệnh được dự báo diễn biến phức tạp và còn tăng nhanh từ nay đến cuối năm.