Theo chia sẻ của ông Mảnh, Tổ hòa giải Ấp 3 giải quyết trung bình 20 vụ việc/năm, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt gần 90%. Các mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu phát sinh trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như: tranh chấp lối đi, đường ống dẫn nước, vợ chồng cãi cọ, xô xát…
Ông nhớ lại về một cuộc mâu thuẫn xảy ra giữa đôi vợ chồng trẻ trên địa bàn. Do người chồng thường xuyên xay xỉn, không chịu làm ăn, trong khi đó gia đình lại có con nhỏ nên kinh tế rất eo hẹp nên hai vợ chồng thường xảy ra cãi vã, thậm chí là xô xát. Sau một thời gian căng thẳng, hai vợ chồng quyết định nộp đơn xin ly hôn. Khi biết tin, ông Mảnh và các thành viên Tổ hòa giải đã đến gặp hai vợ chồng và nhẹ nhàng khuyên nhủ họ phải suy nghĩ cho tương lai của đứa con mới chỉ vài tháng tuổi, nếu ly hôn, đứa bé sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Đồng thời phổ biến cho họ nắm được rõ hơn một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Mặt khác, biết được nguyên nhân gốc rễ của mâu thuẫn là do kinh tế eo hẹp, chồng thường xuyên xay xỉn nên Tổ hòa giải đã đề xuất với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân của địa phương tạo điều kiện cho hai vợ chồng vay vốn để nuôi một ao cá. Nhờ đó, người chồng tu trí làm ăn, không còn nhậu nhẹt nữa, kinh tế được cải thiện, hai người đã giảng hòa và nay đang sống rất hạnh phúc.
Một vụ việc khác xảy ra mà ông Mảnh nhớ rõ trong thời gian làm hòa giải của mình đó là câu chuyện của hai anh em trai tại Ấp 3. Do mâu thuẫn trong việc xử lý đường nước, hai anh em đã xảy ra xô xát. Biết tin, ông Mảnh đã mời một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư đến phân tích, khuyên nhủ và hòa giải thành công. Tuy nhiên, sau khi Tổ hòa giải ra về, hai anh em lại tiếp túc cãi cọ, đánh nhau.
Trước tình hình đó, công an cùng tổ hòa giải đã phải vào cuộc, hỏi rõ ngọn nguồn, xem sự việc vướng mắc ở đâu và tìm cách tháo gỡ. Sau một hồi phân tích, khuyên nhủ, hai anh em đã nhận ra được cái sai của mình và đồng ý ký cam kết sẽ không cãi vã, đánh nhau nữa đồng thời xin rút kinh nghiệm để giữ gìn tình cảm gia đình, không ảnh hưởng tới bình yên thôn xóm.
Những vụ việc kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều những mâu thuẫn đã xảy ra tại Ấp 3 trong những năm qua, nhờ sự nhiệt huyết và nỗ lực của các hòa giải viên mà những mâu thuẫn ấy đều được hóa giải. Tuy chỉ là những sự việc nhỏ, phát sinh trong đời sống hàng ngày nhưng khi hòa giải thành công đã góp phần gìn giữ cuộc sống êm ấm trong mỗi gia đình, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Với kinh nghiệm của mình, ông Mảnh cho biết: Mỗi khi nhận đơn yêu cầu hay nhận được phản ánh của người dân, tổ hòa giải đều họp lại để đề xuất các giải pháp xử lý trước, sau đó tiến hành hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành rất cao. Sau mỗi lần dù thành công hay thất bại, tổ hòa giải đều họp bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ việc về sau ngày càng được nhanh gọn và hiệu quả.
Theo ông, để hoài giải thành công, Tổ trưởng tổ hòa giải cần biết tập hợp những người có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư tham gia vào Tổ. Mỗi thành viên của Tổ hòa giải cần thường xuyên nâng cao kỹ năng hòa giải, trau dồi kiến thức pháp luật, vận dụng linh hoạt những phong tục tập quán ở địa phương để phân tích, vận động, thuyết phục cho người dân hiểu rõ vấn đề, từ đó hạn chế vi phạm. Ông Mảnh cũng nói thêm, trong khi giải quyết vụ việc, các bên đều đang vô cùng nóng nảy và cho là mình đúng, vì vậy bản thân mỗi người hòa giải viên phải giữ được bình tĩnh, biết lắng nghe và có thái độ nhẹ nhàng để phân tích được mặt phải, trái của đôi bên thì mới đưa ra được phương án xử lý phù hợp nhất.
Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác, ông Mảnh đã được UBND thị trấn Nàng Mau tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải năm 2019, năm 2020; Giấy khen của UBND huyện Vị Thủy vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải năm 2020; Bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang vì có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải năm 2020. Đó là những phần thưởng khích lệ cho những hòa giải viên như ông. Song với ông, nguồn động lực quý giá để ông tiếp tục hết mình với nghề đó chính là tình cảm yêu mến của bà con, sự êm ấm, bình yên, đoàn kết của thôn xóm