Luật “quyền ngắt kết nối” mới của Australia có hiệu lực kể từ ngày 26/8, Reuters đưa tin.
Theo luật mới này, hàng triệu người lao động tại Australia bắt đầu có "quyền ngắt kết nối", cho phép họ có thể bỏ qua những cuộc liên lạc ngoài giờ làm việc từ chủ sử dụng lao động.
John Hopkins - Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Swinburne, cho biết: "Trước khi có công nghệ số, không có sự xâm lấn nào cả, người lao động sẽ về nhà sau ca làm việc và không liên lạc với nhau cho đến khi quay lại văn phòng vào ngày hôm sau.
Bây giờ, trên toàn cầu, việc gửi email, nhắn tin SMS, gọi điện thoại ngoài giờ làm việc, ngay cả khi nghỉ phép đã trở thành bình thường".
Đối với các trường hợp khẩn cấp và công ty không quy định giờ làm cố định, luật mới này vẫn cho phép cấp trên được liên lạc với người lao động. Tuy nhiên, nếu các yêu cầu không hợp lý, nhân viên có thể từ chối.
Việc xác định xem lời từ chối có hợp lý hay không sẽ do Ủy ban công bằng lao động Australia (FWC) quyết định. FWC có thể áp dụng hình phạt mỗi cá nhân lên tới 19.000 AUD (khoảng 320 triệu đồng) hoặc 94.000 AUD (khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng) đối với doanh nghiệp vi phạm.
Trước đó, một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ Latinh cũng đã áp dụng luật tương tự. Pháp là nước tiên phong khi ban hành luật này vào năm 2017. Năm 2018, một công ty Pháp đã bị phạt 66.000 USD (khoảng 1 tỷ 600 triệu đồng) vì yêu cầu nhân viên luôn phải bật điện thoại.