Người lao động khi nghỉ việc được hưởng quyền lợi như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chị Nguyễn Thị Thủy (trú ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mới nghỉ việc, thời hạn thẻ BHYT do công ty đóng sẽ hết vào cuối tháng. Chị không biết có thể tự gia hạn thẻ BHYT hay phải mua BHYT mới theo diện hộ gia đình và chị đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu và thủ tục gồm những gì? Đến khi nào chị Thủy có thể làm thủ tục rút BHXH một lần?
Ảnh minh họa: Báo Người Lao động
Ảnh minh họa: Báo Người Lao động

Do đó, chị Thủy muốn biết cụ thể ngày sớm nhất và ngày chậm nhất cần đến làm thủ tục rút BHXH một lần là từ ngày nào đến ngày nào?

Trả lời thắc mắc của chị Thủy, BHXH Việt Nam cho biết: Trường hợp của chị đã nghỉ làm tại doanh nghiệp nên thẻ BHXH đã cấp cho chị chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối cùng của tháng doanh nghiệp báo giảm đóng BHXH cho chị, tức là tháng chị nghỉ việc.

Chị có thể được sử dụng BHYT dành cho người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp sau khi có quyết định được hưởng chế độ này. Tuy nhiên, thời điểm hưởng tùy thuộc vào thời gian làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp của chị.

Nếu thời điểm hết hạn BHYT do doanh nghiệp đóng đến khi bắt đầu thời gian hưởng BHYT dành cho người thất nghiệp kéo dài quá 3 tháng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục của chị.

Để tránh gián đoạn thời gian tham gia BHYT quá 3 tháng, chị Thủy có thể liên hệ và cung cấp mã số BHXH in trên thẻ BHYT cấp trước đó cho Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT nơi cư trú để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký tiếp tục tham gia đóng BHYT theo đối tượng hộ gia đình.

BHXH Việt Nam cũng cho biết, BHTN được quy định rõ tại Điều 49 Luật Việc làm. Nếu chị Thủy đạt điều kiện quy định tại điều này sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nếu đạt điều kiện trên, chị Thủy có thể liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm, chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài đăng ký trực tiếp, người lao động (NLĐ) có thể đăng ký hưởng thất nghiệp online trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về chế độ BHXH một lần, BHXH Việt Nam cho biết điều kiện hưởng được quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.

Theo đó, NLĐ mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, NLĐ đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ 55 tuổi khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai, NLĐ sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH.

Thứ ba, NLĐ ra nước ngoài để định cư.

Thứ tư, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Theo BHXH Việt Nam, nếu chị Thủy đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định nêu trên, chị có quyền lựa chọn rút BHXH một lần bất kể thời điểm nào căn cứ vào nhu cầu thực tế của mình. Trường hợp chị không lựa chọn rút BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH, đến khi đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH thì sẽ được cộng nối thời gian đóng BHXH.

Nếu có nguyện vọng hưởng BHXH một lần, chị Thủy có thể đến cơ quan BHXH địa phương để nộp trực tiếp hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính. Hồ sơ hưởng BHXH một lần được quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2014, bao gồm: Bản chính sổ BHXH và đơn đề nghị hưởng BHXH một lần.

Những trường hợp nộp hồ sơ nhận chế độ BHXH một lần vướng mắc về xác nhận cư trú hoặc căn cước công dân, NLĐ có thể gọi về số điện thoại 024.39340058 (số đường dây nóng của Văn phòng BHXH Việt Nam tiếp nhận phản ánh về thủ tục hành chính) để được tư vấn.

Đọc thêm