Người lay động hàng triệu tâm hồn yêu Độc huyền cầm

Tiếng đàn bầu thánh thót và trầm lắng cùng phong cách biểu diễn sinh động, tươi mới đầy quyến rũ của người nghệ sĩ đa tài Hoàng Anh Tú đã làm lay động tâm hồn hàng triệu người dân Việt. Ý chí luôn khẳng định vị thế của cây đàn một dây trong nước cũng như quốc tế chưa bao giờ tắt trong người nghệ sĩ độc huyền cầm tài danh họ Hoàng này.

Tiếng đàn bầu thánh thót và trầm lắng cùng phong cách biểu diễn sinh động, tươi mới đầy quyến rũ của người nghệ sĩ đa tài Hoàng Anh Tú đã làm lay động tâm hồn hàng triệu người dân Việt. Ý chí luôn khẳng định vị thế của cây đàn một dây trong nước cũng như quốc tế chưa bao giờ tắt trong người nghệ sĩ độc huyền cầm tài danh họ Hoàng này.

NS Hoàng Anh Tú đang biểu diễn
NS Hoàng Anh Tú với cây đàn bầu đặc biệt của mình

Chưa nghe đàn bầu, chưa tới Việt Nam

Mặc cho cái lạnh tê tái tiết trời đông, những bạn trẻ Hà Thành đã đội mưa rét đến phòng thu của NSƯT Hoàng Anh Tú để “tầm sư học đạo”. Trong căn phòng mang đầy không khí nghệ thuật ở 221 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), tiếng đàn bầu thánh thót, êm dịu vang xa như xua tan cái lạnh giá.

Người nghệ sĩ ấy say sưa nắn nót từng giọt đàn cho những học trò của mình. Đối với anh, được đánh đàn truyền nghề đó là niềm vui khôn tả. Cây đàn bầu - Độc huyền cầm - như người bạn tâm giao, như hình với bóng mà hàng chục năm nay anh chưa bao giờ rời xa nó.

Không phải ngẫu nhiên, ngành văn hóa Hà thành lại trọng dụng nghệ sĩ Hoàng Anh Tú để giới thiệu nét văn hóa âm nhạc dân tộc của mảnh đất nghìn năm này. Dự án biểu diễn đàn bầu ở Nhà Bát giác khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ do Sở VH-TT&DL Hà Nội và Cty Hoàng Anh Tú phối hợp thực hiện rất thành công. Công chúng trong và ngoài nước náo nức đi thưởng thức tiếng đàn bầu vào mỗi tối thứ 3, thứ 5 khiến dự án được… “ngân nga” kéo dài tới 3 năm nay và chưa có hồi kết. 

Dự án này được làm miễn phí cho công chúng tới xem với mục đích cao nhất là quảng bá, giới thiệu nhạc cụ dân tộc tới rộng rãi đông đảo công chúng, để mỗi người thêm hiểu, yêu những giá trị văn hóa của cha ông.

NSƯT Hoàng Anh Tú và những cộng sự đã đưa cây đàn bầu đến gần gũi với công chúng hơn qua các nhạc phẩm: “Mẹ ru con”, “Bèo dạt mây trôi”, “Người ơi người ở đừng về”, “Về quê”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Xem hội trăng rằm”...

Không chỉ trình diễn những ngón đàn điêu luyện đã được khẳng định nhiều năm qua, nghệ sỹ còn giải thích cặn kẽ về cây đàn bầu Việt Nam bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế thêm hiểu thêm yêu tiếng đàn.

Ngoài đàn bầu, nghệ sỹ còn giới thiệu với công chúng những loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: sáo, đành tranh, đàn nhị, đàn tre… Mỗi tuần hai buổi diễn, người nghệ sĩ tài hoa này luôn thay đổi “thực đơn” để công chúng luôn cảm thấy hào hứng mỗi khi được thưởng thức “bữa cơm âm nhạc” đậm chất…Việt.

Đặc biệt, thỉnh thoảng, chương trình còn giới thiệu một “đặc sản” đặc biệt: giọng hát xẩm rất trẻ thơ nhưng chuyên nghiệp của bé Thanh Thanh Tấm (9 tuổi) - con gái út mà nghệ sĩ cất công mài dũa với bài xẩm chợ “Mục hạ vô nhân” và bài hát “Say trăng” hay điệu ca trù “Dẫu đẹp Hồ Gươm”.

Nghệ sĩ từng nhiều lần xúc động trước sự cổ vũ nhiệt thành từ phía công chúng. Những hôm mưa gió to, thời tiết Hà Nội lại lạnh buốt, vậy mà vẫn có nhiều người mặc áo mưa, ngồi co ro ở lùm cây để nghe những nghệ sĩ biểu diễn.

Công chúng khi thưởng thức tiếng đàn bầu không khỏi xúc động bởi trời lạnh, gió đông phần phật như vậy mà các nghệ vẫn mặc bộ diễn mỏng manh, vẫn hăng say biểu diễn dù tay nghệ sỹ nào cũng run run vì lạnh.

Có vị khán giả, có lẽ vì quá xúc động đã đội áo mưa, vào lầu bát giác dúi vào tay NSƯT Hoàng Anh Tú 50 nghìn đồng và nói: “Mưa gió, tôi không mua được hoa, các nghệ sỹ nhận tấm lòng ít ỏi của tôi để uống nước trà cho ấm bụng nhé”.

Dù tiền thù lao cho mỗi buổi biểu diễn rất khiêm tốn, nhưng những người nghệ sỹ ấy luôn cảm thấy hạnh phúc được cống hiến, tự hào vì dự án mang cây đàn bầu truyền thống tới gần với công chúng hơn, và được công chúng ủng hộ nhiệt tình. Tự hào hơn cả khi bạn bè thế giới nói: “Tới Việt Nam chưa nghe đàn bầu thì chưa tới Việt Nam”...

Để đàn bầu “sống khỏe” thời @

Hiếm có nghệ sỹ nào lại có thể “biến hóa” nhiều thể loại nhạc: xẩm, nhạc cung đình, nhạc trẻ, nhạc cách mạng, nhạc cải lương… từ cây đàn một dây này như nghệ sĩ Hoàng Anh Tú. Trong 3 thập kỷ qua, anh đã từng “kinh qua” tới hơn 30 quốc gia trên thế giới để giới thiệu cây đàn mang đậm linh hồn dân tộc Việt. Lần nào đi lưu diễn, nghệ sỹ đều để lại ấn tượng sâu sắc với những người ngoại quốc.

Bởi ngoài trình diễn các bản nhạc Việt, nghệ sĩ họ Hoàng lại tặng các bạn nước ngoài những bản nhạc “hit” của đất nước họ qua cây đàn một dây khiến những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt, tiếng đàn bầu lại càng được ngân xa. Những lúc ấy người nghệ sĩ thấy tự hào đã thổi hồn Việt, ý chí Việt qua độc huyền cầm tới bạn bè quốc tế.  

Đặc biệt hơn, để giới thiệu “chủ quyền” cây đàn Việt với bạn bè quốc tế, người nghệ sĩ đã thửa riêng cho mình ba cây đàn bầu rất độc đáo mang dấu ấn Hoàng Anh Tú. Đó là cả thân ba cây đàn ấy đều được chạm khắc hình con rồng thời Lý với đường nét rất công phu, tinh tế. Nghệ sĩ coi đó là bảo bối vô giá của mình và đi tới đâu anh cũng mang theo bên mình.

Ước muốn khẳng định vị thế của đàn bầu trong nước cũng như trên trường quốc tế chưa bao giờ tắt trong con người nghệ sĩ. Để đàn bầu sống khỏe trong thời đại @ này, nghệ sĩ độc huyền cầm luôn cố gắng tìm trên mạng, đọc sách, nghe nhiều âm hưởng loại nhạc để tìm được một giai điệu mới hiện đại nhưng không kém phần cổ truyền cho đàn bầu. Đêm nào Hoàng Anh Tú cũng tập luyện tới 2-3 giờ sáng.

Anh đang ấp ủ làm liveshow, nơi mà cây độc huyền cầm có thể làm được đủ cung bậc, đủ giai điệu khiến khán giả không thể chán được. Liveshow ấy sẽ là cầu nối để khán giả trẻ trong và ngoài nước biết đến độc huyền cầm thật rộng rãi và tự hào về nó.

Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú rất mừng vì hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đã tìm nghe và học đánh những bản nhạc cất lên từ tiếng đàn bầu để hiểu hơn cội nguồn và giá trị âm nhạc Việt. Thắp lên ngọn lửa đam mê độc huyền cầm, nghệ sĩ luôn hy vọng ngọn lửa ấy sẽ được lớp trẻ tiếp tục thổi bùng lên để khẳng định giá trị cây đàn Việt Nam xứng tầm với quốc tế như khẳng định ý chí người Việt luôn khao khát và chinh phục những đỉnh cao.  

Công chúng yêu nhạc tôn Hoàng Anh Tú là nghệ sĩ đàn bầu số 1 Việt Nam hẳn không có gì là lạ. Bởi cho tới nay, chưa có ai vượt qua anh qua ngón đàn điêu luyện.

Mới đây, tháng 5/2012, NSUT Hoàng Anh Tú đạt Huy chương bạc Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (liên hoan không có giải thưởng vàng cho đàn bầu). Trước đó, anh đã xuất sắc giành Huy chương vàng độc tấu đàn bầu tác phẩm “Cung đàn mùa xuân” (tác giả Xuân Khải) tại Liên hoan biểu diễn Nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 1988- 1989. Năm 1992, Huy chương bạc độc tấu đàn bầu “Hội thi ca múa nhạc dân tộc”, và giải thưởng “April spring friendship art festival” tại Triều Tiên. Năm 1995, Huy chương Bạc tại “Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc”….

Thùy Dương

Đọc thêm