Từ thành công ấy, trước sự mong mỏi của độc giả và khích lệ của đồng đội, Đào Trung Hiếu lại tiếp tục lao động miệt mài gần 2 năm trời, để viết ra hơn hai nghìn trang kịch bản, chuyển thể “Bão ngầm” thành series phim cảnh sát hình sự (CSHS) cùng tên, gồm 45 tập. Được biết, bộ phim dự kiến sẽ khởi quay vào tháng 10/2017.
Nhà biên kịch… kỳ lạ
Năm 2015, tại sự kiện “70 năm những trang sách vàng Công an nhân dân”, tiểu thuyết “Bão ngầm” của Trung tá, Nhà văn Đào Trung Hiếu đã được Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an trao giải cao nhất. Điều đáng nói là qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, “Bão ngầm” đã vượt qua hơn 600 tác phẩm dự thi, để giành ngôi vị quán quân. Nhận xét về tác phẩm này, nhà văn Chu Lai nói: “Đây là cuốn sách đi trên dây thép, mô tả người lính thật chênh chao ở vào giữa lằn ranh đúng – sai. Điều quan trọng là người lính đã không ngã. Tiểu thuyết hay bởi đã mô tả được đúng hiện thực cuộc chiến đấu chống tội phạm ngày nay”.
Với công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần gõ cụm từ “Trung tá Đào Trung Hiếu”, trong 0,48 giây đã cho khoảng 241.000 kết quả. Thông tin cho thấy đây là một người lính khá “kỳ lạ”, bởi anh đã góp mặt trên rất nhiều lĩnh vực. Trước hết, Đào Trung Hiếu là một cựu sỹ quan cảnh sát hình sự, từng nhiều năm công tác tại Đội điều tra trọng án, Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự, CA TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang - một trong những “thương hiệu” mạnh nhất của Công an Việt Nam trong đấu tranh trấn áp tội phạm). Nhưng trước đó, anh từng là trinh sát án ma tuý, đặt dấu chân mình trong hành trình truy lùng, đánh bắt các đường dây ma tuý ở miền Tây Bắc.
Đi theo tiếng gọi của niềm đam mê với chữ nghĩa, anh đột ngột “bỏ súng cầm bút”, chuyển sang nghề báo, nghề văn và nhanh chóng khẳng định mình. Tác giả này đã gây tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết “Bão ngầm”. Nhưng độc giả còn biết đến anh qua 3 cuốn sách khác, đó là: “Chuyện ngoài hồ sơ”; “Tiếng súng lạc bầy”; “Phía sau vụ án”.
Hiện nay anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; nhà báo, biên tập viên của Báo Công an nhân dân. Đồng thời, anh là huấn luyện viên trưởng, Chủ nhiệm CLB võ thuật Nhất Nam Yên Hoà và Nhất Nam Việt Hưng; là nghiên cứu sinh luật học; giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; chuyên gia tội phạm học, thường xuyên “lên sóng” nhiều đài truyền hình để tư vấn kỹ năng phòng ngừa tội phạm; một nghệ sỹ đàn bầu không chuyên... từng giật giải trong Hội diễn văn nghệ quần chúng ngành Công an.
Anh đã viết xong và chuẩn bị in cuốn sách thứ 5, tựa đề “Mẹo thoát hiểm”, dung lượng hơn 400 trang, với nội dung tư vấn kỹ năng phòng chống tội phạm. Hiện anh vừa viết luận án tiến sỹ luật học, vừa tranh thủ viết cuốn tiểu thuyết mới, tựa đề “Bản vá”, kể về cuộc chiến đấu chống tội phạm phi truyền thống của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Đặc biệt, mới đây anh đã chuyển giao toàn bộ kịch bản series phim truyền hình CSHS “Bão ngầm” cho nhà sản xuất, công tác chuẩn bị để khởi quay bộ phim đã gần hoàn tất.
Trung tá Hiếu chia sẻ, anh có lợi thế hơn nhiều tác giả khác trong việc khai thác đề tài hình sự, chính vì quãng thời gian gần 20 năm làm trinh sát, trực tiếp đối mặt với tội phạm. Chính công việc của một trinh sát hình sự đã cho anh cơ hội trải nghiệm tuyệt vời, khi được “chạm” đến tận cùng của sự thật, tận cùng của cảm xúc con người khi đứng trước sống chết, cám dỗ, thử thách... Tất cả đã trở thành kho chất liệu phong phú cho cây bút nhiều năng lượng này. Còn một điều nữa làm nên tố chất văn chương trong anh, đó là truyền thống gia đình. Đào Trung Hiếu chính là cháu nội của cụ Đào Phương Bình, một học giả Hán Nôm tinh thâm, thành viên sáng lập Viện Hán Nôm Việt Nam.
Hứa hẹn một bộ phim hay
Kể về lý do chuyển thể tiểu thuyết “Bão ngầm” thành 45 tập phim CSHS, Trung tá Hiếu bộc bạch: “Tôi luôn là người ngoại đạo, kể cả với nghiệp báo, nghiệp văn. Nhưng niềm đam mê đã cho tôi sự kiên trì cùng nỗ lực vượt khó, để rồi từng bước làm quen với những công việc hoàn toàn mới mẻ với mình. Sau thành công của tiểu thuyết “Bão ngầm”, ý tưởng chuyển thể câu chuyện này thành phim của tôi đã được đồng đội trận mạc ngày nào ủng hộ nhiệt liệt. Vậy là tôi lại “liều”, thử sức mình trong một lĩnh vực chưa từng biết đến trước đó. Vừa viết, vừa học hỏi… đã rất nhiều đêm tôi cặm cụi bên máy tính đến sáng, đánh vật với giới hạn của mình… Sau gần 2 năm miệt mài, cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành một khối lượng công việc tương đối lớn”.
Được biết, phim “Bão ngầm” do Hãng phim Phương Sáng (TP Hồ Chí Minh) sản xuất chuẩn bị bấm máy, với đạo diễn là ông Trần Chí Thành, bản thân Trung tá Hiếu được nhà sản xuất mời tham gia phim với vai trò phó đạo diễn, cố vấn chuyên môn, cố vấn võ thuật của phim.
“Bão ngầm” kế thừa và phát triển từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, đó là câu chuyện về hành trình điều tra khám phá đường dây ma tuý xuyên quốc gia của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý. Từ kết quả của một trận đánh lớn, phát hiện nguồn gốc ma tuý được sản xuất trong nước, lực lượng bài trừ ma túy đã đi từ những thông tin mơ hồ, rời rạc ban đầu, để lần tìm ra tên trùm tội phạm đội lốt doanh nhân, điều hành mạng lưới sản xuất và mua bán ma túy quy mô lớn từ Việt Nam đưa ra nước ngoài. Hành trình đó là cuộc đấu tranh khốc liệt, đầy gay cấn và mưu lược của lực lượng Công an đối với bọn tội phạm. Đồng thời là cuộc chiến cam go trong nội bộ và trong chính nội tâm người lính khi đứng trước những sự lựa chọn.
Phim “Bão ngầm” có tổng mức kinh phí đầu tư rất lớn, bởi nhà sản xuất, đạo diễn, ê kíp làm phim cũng rất tâm đắc và hạ quyết tâm làm cho được một bộ phim xứng tầm về chủ đề an ninh trật tự. Với vài trăm vai diễn có tên, trong đó quy tụ những ngôi sao điện ảnh, những cuộc đấu mưu đầy cam go và những trận đánh khốc liệt vào hang ổ tội phạm, các đại cảnh hoành tráng… hy vọng đây sẽ là series phim truyền hình ăn khách trong năm 2018.
Nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của phim “Bão ngầm”, Hội đồng thẩm định phim truyền hình cho rằng: “Đây là thực sự một kịch bản hay, bởi tác giả đã đưa ra được cả một “thế giới hình sự” với những tội ác ghê gớm, những nhân vận quái kiệt của cả hai phe chính và tà, những âm mưu, thủ đoạn với những tình huống rợn người. Tất cả được trình bày trong một câu chuyện rất tường tận, phong phú và tỉ mỉ. Có thể thấy rõ đặc tính nổi bật trong kịch bản này là sự tâm huyết, đau đáu, được hun đúc, tích tụ qua rất nhiều năm tháng bám sát, thấu hiểu hiện thực cuộc sống đã thúc đẩy tác giả viết ra kịch bản này. Các sự kiện, tình huống được miêu tả sống động, chân thực ngay từ những trang viết đầu tiên đến những cảnh cuối cùng. Đây là ưu điểm vượt trội mà không nhiều kịch bản ở mảng đề tài đấu tranh chống tội phạm có được”.