(tiếp theo kỳ trước)
Để kìm hãm dân Việt trong vòng nô lệ, người Pháp hạn chế đến mức tối đa sự phát triển kỹ thương ở nước Nam. Việc buôn bán, thương mãi, chủ yếu nằm trong tay người Pháp cùng Hoa kiều, Ấn kiều. Riêng về mặt kỹ thuật, ít có sự thay đổi trừ một số ngành nghề cần thiết.
Việc một Nguyễn Sơn Hà dân “Annamite” dám chế tạo sơn, dám kinh doanh đương đầu với dân Pháp “mẫu quốc”, hẳn nhiên chúng chẳng để cho yên đâu.
Thực dân chống phá
Như chính lời nhà doanh nhân họ Nguyễn kể lại, việc kinh doanh sơn dầu của ông đang trên đà phát đạt, đến nỗi ngay cả người Pháp trước đây chê sơn của ông, “thì đến nay đều xin tôi cho đứng độc quyền đại lý ở các tỉnh như ở Sài Gòn, Tuaran (Đà Nẵng-Người dẫn chú), Phnom Pênh, Bangkok và cả ở Pháp nữa”.
Vậy là từ chiếc xe đạp bán đi để khởi nghiệp ban đầu, thì giờ đây, sản phẩm sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã có mặt rộng rãi cả trong và ngoài nước. Đứng về phương diện kinh doanh, còn thành công nào lớn hơn nữa. Đứng về phương diện tự tôn dân tộc, còn gì tự hào hơn nữa.
Ấy thế nhưng, việc không dễ “thuận buồm xuôi gió”, bởi thành công của một người Việt như ông trước chính người Pháp, lại là vật cản cho tham vọng của họ, bởi vậy mà “bọn thống trị thực dân kiếm mọi cách làm suy vong sự nghiệp của tôi, nên họ dùng mọi thủ đoạn đểu cáng, đê hèn, như đổ tôi mua hàng của kẻ cắp, phạt vạ…”
Mà như thế nào đã dừng. Có lần, nhà doanh thương nhận được giấy của Đốc lý, yêu cầu phải tức khắc dời cơ sở sản xuất đi nơi khác để đảm bảo sức khỏe cho người dân xung quanh. Trong khi ấy, bao nhiều tiền của dành dụm 10 năm được ông đầu tư cho cơ nghiệp này, khác nào muốn đẩy ông vào bước đường cùng.
Bình tĩnh tìm hiểu, ông mới biết rằng, chỉ có mỗi tên thực dân khai mỏ ở gần nhà ông kêu ca với Đốc lý nhà máy của ông làm ảnh hưởng đến sức khỏe con hắn. Vậy là ông xuống nước làm thân với tên Pháp bẩn thỉu này, biếu tiền để hắn rút đơn. Nhưng hắn đâu chỉ muốn vậy, mà muốn bán luôn căn nhà đang ở cho ông, dĩ nhiên là với món tiền to. Tương kế tựu kế, ông bảo hắn biên ngay ra giấy diện tích nhà của hắn cùng giá tiền để ông về xem xét.
Thế rồi sau đó, doanh nhân sơn dầu trực tiếp tranh biện với người Pháp tại Hà Nội mấy tháng trời, trưng ra luôn cả tờ giấy tên kia viết để vạch rõ âm mưu, dẫn cả chứng cứ nhà tên này trái hướng gió với nhà máy của ông, thì chẳng lý nào ảnh hưởng đến sức khỏe con hắn. Nhờ thế mà nhà máy của ông mới yên vị.
Mà nào đã xong, thực dân lại bắt ông phải đặt một máy hút khói trên mái nhà. Việc này rất tốn kém vì máy ấy phải mua bên Pháp, người bên Pháp sang tận nơi lắp đặt. Dần dà qua thời gian việc ấy cũng thôi đi. Nếu không sáng suốt, hẳn cơ nghiệp nhà doanh nhân họ Nguyễn đã lụn bại chỉ vì dã tâm nhỏ nhen của thực dân.
|
Ông Nguyễn Sơn Hà (đeo kính) và bà Mùi (đầu tiên từ trái sang) |
Chữ tín kinh doanh
Nhiều kẻ khi làm nghề kinh doanh thì “treo đầu dê, bán thịt chó” nhưng với doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, trong nghiệp doanh thương, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần khách hàng phàn nàn, có ý kiến về chất lượng sơn, là ông đến tận nơi để xác minh.
Thế nên như lời kể của cô con gái Nguyễn Thị Sơn Liên trong bài “Cha tôi luôn coi trọng chữ tín”, có lần đại lý sơn ở Sài Gòn điện ra rằng nhiều khách hàng phàn nàn một lô hàng rất lâu khô. Nghĩ có vấn đề về kỹ thuật, ông liền bay vào Sài Gòn, và quả nhiên, nguyên nhân được xác định do người thợ nấu sơn sai kỹ thuật, nấu mẻ dầu non, nên chưa đạt độ chín cần thiết. Ông liền “cho người đi đến các đại lý, các cai thầu để xin lỗi và đề nghị cho xin lại lô hàng đó, rồi đền bằng lô khác đảm bảo chính phẩm”.
Lại một lần khác, Công sứ Quảng Yên phàn nàn cửa gỗ sơn đã 7 ngày mà vẫn chưa khô. Rõ ràng, nhận lời phàn nàn của người đầu tỉnh là vấn đề nghiêm trọng rồi. Ông liền tức tốc sang Quảng Yên xem xét kỹ lưỡng, phát hiện sơn lâu khô là do cửa làm bằng gỗ dầu, loại gỗ có hàm lượng dầu cao khiến sơn lâu khô. Ông lấy cũng lô sơn đó quét lên gỗ thường thì chỉ một ngày sau đã khô, viên Công sứ trước người thật việc thật, phải công nhân là đúng.
Nhờ chữ tín ấy, mà khách hàng thêm tin tưởng hãng sơn của ông, uy tín vì thế ngày càng được nâng cao. Không chỉ thế, vì nguyên liệu chủ yếu nhập từ Pháp, nếu chúng độc quyền cung cấp thì việc kinh doanh bấp bênh, ông từng có lần đem toàn bộ tài sản thế chấp ngân hàng để mua trọn cả chuyến tàu chở nguyên vật liệu làm sơn; tìm cách chủ động nguồn sơn nên mua đồn điền trồng trẩu, ép dầu trẩu, hợp đồng lâu dài mua dầu thông ở Quảng Yên, khai thác mỏ đá màu ở Đông Triều, Thanh Hóa…
Những mong chấm dứt việc dùng mắt thường ước lượng nhiệt độ khi nấu sơn, ông mua đồng hồ đo nhiệt để nâng cao chất lượng các mẻ nấu. Mặt khác, để khuyến khích thợ thuyền, ông hứa ai làm tốt sẽ được thưởng. Nguyễn Sơn Hà từng trích quỹ mua 41 căn hộ đặt tên là ngõ Sơn Lâm để cho nhiều gia đình thợ ở… Chính bởi chữ tín cũng như không ngừng cải tiến, sáng tạo trong nghề, mà ông chủ sơn dầu Nguyễn Sơn Hà có vị trí đáng nể trong ngành sơn dầu đất Việt.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ kế của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà |
Duyên cầm sắt
Sự nghiệp kinh doanh của Nguyễn Sơn Hà đi lên, không chỉ ở tài năng, sức vóc của ông, mà nơi hậu phương, còn được sự hỗ trợ đắc lực của người đầu ấp, tay gối nữa. Góc riêng trong đời này, cũng đáng nói lắm.
Đời ông, trải qua hai lần đò, nhưng ở thế chẳng đặng đừng. Và duyên lành làm sao khi cả hai người vợ, đều tốt người, đẹp nết. Ban đầu, cha mẹ định mai mối một cô gái con lý trưởng đẹp nhất làng cho ông nhưng không hợp ý nên sự tác hợp không thành. Người vợ đầu của Nguyễn Sơn Hà, là bà Đinh Thị Nhiêu. Mối lương duyên ấy, được hình thành trên chuyến tàu chung khi ông đi Hải Phòng, còn cô về đất Quảng Yên.
Nhờ có bà Nhiêu khéo vun vén, mà trong bài “Hai người bạn đời của cụ Hà” cho hay “bà Nhiêu đã giúp chồng quán xuyến mọi công việc nhà và đặc biệt là tiếp bè bạn hết sức tế nhị, lịch thiệp. Ai ra về cũng hài lòng vì thái độ chân thành, niềm nở của bà”. Hiềm nỗi, duyên cầm sắt đang như điệu đàn du dương cùng 5 người con, thì bà Nhiêu vì làm việc nhiều nên lao lực, hai lá phổi đều hư cả, đã vô phương cứu chữa. Biết mệnh mình sắp dứt cõi hồng trần, bà bình tĩnh sắp đặt mọi việc, rồi về cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của chồng con.
Trước khi mất, bà Nhiêu còn tìm nơi tìm chốn để có người thay thế mình gá nghĩa với chồng. Bởi vậy nên, người vợ sau của doanh nhân họ Nguyễn, lại chính từ sự tác thành của người vợ quá cố. Ấy là cô Nguyễn Thị Ngọc Mùi từng đỗ tiểu học ở Bắc Ninh, con nhà nho gia giáo nền nếp, vừa xinh xắn lại sắc sảo.
Cũng bởi cảm hoàn cảnh gà trống nuôi con của nhà doanh nhân yêu nước, cô Mùi về làm vợ ông, “sau khi làm bạn với ông, bà đã giữ vững nếp nhà, hợp sức cùng ông đẩy mạnh kinh doanh, hoạt động xã hội, nuôi dạy con cái nên người”.
|
Bút tích của bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi |
Dù là mẹ kế, nhưng cô Mùi thương con chồng như con đẻ, nuôi dạy nên người. Nhà hiền triết nào đó từng có câu “Trên bước đường thành công của đàn ông, không thể thiếu bóng dáng phụ nữ”, cứ ứng vào trường hợp ông Hà, thật chẳng thể sai khác cho được khi “nhờ hai bà vợ tài giỏi như vậy, cụ có đàn con trưởng thành là công dân hữu ích, đa số qua trường đại học và trên đại học”... “Ở đâu các con của cụ đều là những người trung thực, sáng tạo, nắm vững nghề nghiệp của mình nên làm việc có chất lượng cao”.../.