Người "mua" bằng giả của Đại học Đông Đô có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

(PLVN) - Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy - cho rằng, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả”. Căn cứ vào mức độ, hậu quả trong từng trường hợp mà hành vi có thể bị xử phạt tương ứng theo quy định, trong đó, mức khung hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Liên quan đến việc Trường Ðại học Ðông Ðô cấp bằng giả, người mua và sử dụng bằng giả có thể bị xử lý theo các quy định nào, Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy - nhận định, trường hợp này chúng ta phải đưa ra hai tình huống.

Đối với trường hợp biết biết rõ là bằng giả nhưng vẫn sử dụng thì căn cứ quy định pháp luật, cá nhân biết rõ là bằng giả nhưng vẫn cố tình sử dụng thì phải chịu những hậu quả pháp lý sau:

Về hành chính: Tại các khoản 3 và 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ quy định như sau:

"Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ

...

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

...

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này."

Như vậy, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng. Đồng thời, văn bằng, chứng chỉ giả cũng sẽ bị tịch thu. 

Về hình sự, trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

"Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."

Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả”. Căn cứ vào mức độ, hậu quả trong từng trường hợp mà hành vi có thể bị xử phạt tương ứng theo quy định, trong đó, mức khung hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Cũng theo Luật sư Tơ, đối với trường hợp người học và được cấp văn bằng nhưng không biết là giả thì không phải do lỗi của họ. Việc không biết là giả có thể do đơn vị đào tạo mặc dù chưa được sự cho phép của Bộ GD&ĐT nhưng đã làm cho người học tin rằng đơn vị đó đủ tiêu chuẩn cấp văn bằng, chứng chỉ.

Vì đây là bằng giả nên đối với người không biết, họ ghi danh học và được cấp bằng rồi dùng vào việc bổ túc hồ sơ cá nhân sẽ không có giá trị pháp lý. Do đó, tùy trường hợp cụ thể và quy định của cơ quan/tổ chức có thể cho những người này bổ sung bằng ngoại ngữ sau (nếu còn thời hạn) hoặc hủy kết quả công nhận.

Những người này cũng có quyền yêu cầu đơn vị cấp văn bằng bồi thường các thiệt hại do trường này không được cấp bằng nhưng vẫn tuyển sinh.

Đọc thêm