Câu chuyện này được chính tướng Chức, nguyên Chỉ huy trưởng công binh quân đội Việt Nam Cộng hòa, một người được học ở nhiều trường quân sự kỹ thuật chuyên ngành của Mỹ kể lại.
Những viên tướng xúm xít “hầu chuyện” đứa bé 8 tuổi
Năm 1968, buổi chiều nọ, khi tới dự bữa cơm tối tại tư dinh Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh quân đoàn 4, ông Chức thấy ngồi ở đầu bàn là đứa trẻ, quanh đó có mặt Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh Tư lệnh phó lãnh thổ quân đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Ánh Tư lệnh Sư đoàn 4 không quân, Đại tá Huỳnh Văn Lạc Tham mưu trưởng, và nhiều đại tá khác.
Khi mọi nguời vào bàn ăn, tướng Thanh giới thiệu: “Đây là “ông đạo nhỏ” ở Hồng Ngự được mời tới đây để ăn cơm với chúng ta”.
Tiếp theo, ông Thanh giới thiệu từng thực khách với “ông đạo nhỏ” một cách hết sức trân trọng. “Ông đạo” lúc đó chỉ 8 tuổi, là con của ông Trần Kim Qui, Hiệu trưởng một trường học ở quận Hồng Ngự.
Mọi người đều dùng cơm chay vì “ông đạo nhỏ” không ăn mặn. Sau khi cơm nước xong xuôi, mỗi người được phân phát một tờ giấy và một cây viết chì. Tướng Thanh nói: “Ông đạo nhỏ” biết rất rành quá khứ vị lai (tức chuyện về trước, chuyện về sau) nhưng không nói chuyện được nên chỉ trao đổi bằng giấy viết. Vậy ai muốn hỏi cứ viết câu hỏi lên tờ giấy đưa ổng”.
Tướng Thanh viết câu hỏi đưa qua, “ông đạo nhỏ” cầm viết, viết rào rào rất nhanh xong rồi đưa lại cho ông Thanh. Ông Thanh coi xong úp tờ giấy xuống mặt bàn.
Sau đó tới lượt Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Chức ngồi gần nên liếc thấy đứa trẻ viết câu trả lời toàn bằng thơ, hầu hết là thơ ngụ ngôn (mỗi câu năm chữ). Ông Chức nhường hết cho mọi người chờ đến lượt cuối cùng, ông Chức viết trong giấy là: “Xin “ông đạo nhỏ” cho biết tương lai vận mệnh của ông Chức?”.
Ông Chức đưa cho ông Thanh, ông Thanh coi qua một chút rồi chuyển cho đứa trẻ. “Ông đạo nhỏ” viết xuống mấy chữ: “Đưa về nhà rồi sẽ cho sau”; nghĩa là không giải đáp liền trong khi mấy ông kia thì trả lời ngay. Sau đó, “ông đạo nhỏ” tỏ ý muốn đi ra đằng sau chơi, được dẫn ra phía sau hàng ba ngồi chơi một mình.
Số người còn lại trong nầy chuyền tay nhau những tờ giấy có câu trả lời của đứa trẻ, không ai giấu diếm. Ông Chức chỉ nhớ câu chót thôi không thể nhớ hết nguyên bài. Bài thơ trả lời cho tướng Thanh thì câu cuối cùng là “Tu mau đi kẻo muộn !”.
Bài thơ trả lời Đại tá Ánh và một Đại tá khác cũng viết như trên. Điều trùng hợp, cả ba ông này đều có một câu kết như nhau và sau đó không lâu cả ba đều chết vì tai nạn máy bay.
Riêng của ông Hạnh thì đứa bé cho một bài thơ Đường luật gồm 8 câu 7 chữ, câu cuối cùng là “Thân bại danh liệt tướng miền Tây”. Khi kết thúc câu chuyện, tướng Thanh nói là “ông đạo nhỏ” muốn về nhà của ông Chức chơi, ngày hôm sau đi về bằng trực thăng riêng.
Viên chuẩn tướng chở đứa trẻ về nhà, kêu lính trực đem một cái ghế bố với đầy đủ mùng mền cho nghỉ ngơi ngay tại phòng khách. Sáng dậy, hai người điểm tâm bằng cháo trắng, trong khi ông Chức ăn với đường hay thịt cá thì đứa trẻ ăn ba chén cháo với muối.
Đặc biệt là dù trời lạnh hay nóng, đứa trẻ cũng đều thích ra ngồi phía sau nhà, hướng mắt về phía nghĩa trang quân đội ngồi yên, không nói gì cả cho tới trưa. Sau bữa ăn cơm tối, ông Chức viết mấy câu nhắc lại câu hỏi của mình lúc trước thì đứa trẻ trả lời là “Đợi đến ngày rằm”, tức là khoảng 7 - 8 ngày nữa.
Trong thời gian lưu lại, nhiều khi con ông Chức đi học về đến nắm tay, nắm chân kéo ra ngoài chơi giỡn nhưng “ông đạo nhỏ” cứ ngồi im thin thít không nói không rằng và không thích vui đùa như mấy đứa con nít cùng trang lứa.
100 trang giấy cho tương lai chuẩn tướng
Đến ngày Rằm, ông Chức cho mấy đứa con đi ngủ sớm, đóng cửa phòng không cho ra ngoài, rồi chuẩn bị vào phòng khách để “đàm đạo” với đứa trẻ.
“Ông đạo nhỏ” viết lên giấy yêu cầu viên chuẩn tướng đốt hai cây đèn cầy đỏ thật lớn để trên hai cái chân đồng và tắt hết đèn điện, một tập giấy học trò 200 trang và một cây viết, bắt đầu viết lên tờ giấy: “Ông cứ đặt câu hỏi và viết lên đây, mỗi trang giấy là một câu hỏi”.
Đứa trẻ 8 tuổi được tướng quân đội Sài Gòn sùng kính? |
Còn nhớ, khi đứa trẻ cho mấy ông tướng tá kia thì mỗi người chỉ được một bài thơ, riêng ông Chức thì được cả một cuốn tập 200 trang. Đại ý những điều đứa trẻ viết về vận mệnh cho ông Chức như sau:
“Khi về già, cái mệnh cũng như ông Khương Thượng (tức Khương Tử Nha) đời nhà Châu giúp vua diệt nhà Thương, ngồi câu trên sông Vị thủy chờ Châu Văn Vương tới rước làm Đại tướng quân cầm quân đánh vua Trụ chứ không phải như lúc còn trẻ”.
Viên chuẩn tướng cho rằng kế tiếp, hỏi về chuyện quốc gia, “ông đạo nhỏ” trả lời chuyện quốc gia là đã lên tới 100 trang, ông Chức hỏi hoài từ 7h tối tới 12h khuya, hỏi đâu đứa trẻ trả lời đến đó. Đặc biệt, tất cả đều trả lời bằng thơ, từ Đường luật thất ngôn bát cú đến cả bài toàn chữ B. Đứa trẻ cũng cho ông Chức bài thơ khởi đầu toàn là chữ B mà lại viết liền không cần suy nghĩ.
Đến đây, ông Chức nói với đứa bé là cũng đã khuya rồi, chú lính đã giăng mùng sẵn, mời “ông đạo nhỏ” đi nghỉ. Sáng hôm sau đứa bé viết lên giấy đòi về nhà, ông Chức cho gọi trực thăng tới để đưa đi.
Tạm biệt, “ông đạo nhỏ” viết cho ông Chức: “Tôi biết ông có đủ khả năng để xây cất một cái miếu đường cho tôi có chỗ ở mà thờ phượng”.
Ông Chức đưa đứa trẻ ra trực thăng bay lên núi Sam (Châu Đốc) kiếm một Thiếu tá công binh đang bắn đá ở đó, lên cùng bay về Hồng Ngự. Khi trực thăng đậu, xe Jeep chờ sẵn chở mọi người đến phần đất mà đứa trẻ muốn xây cất miếu. Viên tướng nói với viên Thiếu tá công binh: “Thiếu tá cố gắng giúp “ông đạo nhỏ” xây cái miếu ở đây, cần phương tiện hay cần vật liệu gì, Thiếu tá cứ viết giấy về liên đoàn lãnh vật liệu lên làm”.
Đứa trẻ lấy giấy viết vẽ cái nền vuông rồi ngăn vách phân biệt nơi nào để thờ phượng, nơi nào là chỗ ngủ, chỗ để quần áo, nơi thay quần áo, rồi chỗ ở của người tu chung, cái bếp, nhà tắm, cầu tiêu… “Ông đạo nhỏ” còn ghi chú kích thước chiều ngang khoảng 12m , chiều dài chừng 16 - 18 thước.
Riêng phía trước chỗ phần thờ phượng thì chiếm 1/3 căn nhà có xây một cái trang ở trên, rồi có cửa trước và có cửa ra vô hai bên hông. Công tác này công binh hoàn thành khoảng 20 ngày dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Hoàng Bá Hải (khi ấy làm Giám đốc hầm đá núi Sam).
CIA đánh cắp "lời tiên tri"?
Về tập thơ 200 trang ghi nhận lời tiên tri của “ông đạo nhỏ”, ông Chức coi đi coi lại hoài, nghiền ngẫm nhiều lần, sau đó mang về Sài Gòn cẩn thận cất vô tủ sắt trong nhà. Bẵng một thời gian sau, ông Chức trở về Sài Gòn thăm vợ con, mở tủ sắt ra coi lại thì quyển sách đã bị mất.
Sau này khi sang Mỹ, ở thành phố Roseville, ông Chức được Colby mời lên nhà chơi. Lúc đó, Colby đang là Giám đốc CIA.
Colby tiết lộ đã cho người lúc ban đêm mở cửa vào nhà ông Chức, mở tủ sắt lấy hết hồ sơ đó cho người mang về Mỹ.
Ông Chức nói: “Thôi bây giờ đã nghiên cứu xong rồi, cho tôi xin lại dù là bản sao cũng được”. Colby từ chối: “Không được. Nó đã thành một văn kiện tối mật. Chính Tổng thống Mỹ cũng không được xem chứ đừng nói việc trả lại anh”.
Câu chuyện ly kỳ, lại toàn người thật, toàn quan chức cấp cao của chế độ cũ và gắn liền với những sự kiện có thật lại xuất phát từ một người có học hành, một chuyên gia quản lý một ngành kỹ thuật. Thiếu ướng Nguyễn Viết Thanh chết năm 1970 vì tai nạn máy bay cùng với mấy sĩ quan cấp tá là sự kiện có thật...
Tuy nhiên, câu chuyện, nội dung lời tiên tri của “ông đạo nhỏ” được công bố sau khi nhiều nhân chứng đã chết, sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc hàng chục năm, tài liệu gốc của ông Đạo thì CIA đang giữ, thì làm sao có thể kiểm tra đối chứng, xác tín nội dung này có thật?