Người nâng tầm giống lúa tím vùng biên giới Tân Hồng

(PLVN) - Lão nông Nguyễn Văn Hương (ngụ ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài canh tác giống lúa tím sữa theo hướng an toàn, mở ra cơ hội mới cho bà con trồng lúa vùng biên, tạo nên thương hiệu “gạo tím Nghĩa Nhân” mới, lạ, chất lượng ổn định.
Ông Hương đã thuần chủng giống gạo có nguồn gốc ở vùng ngoài để phù hợp và thích ứng với thổ nhưỡng vùng biên

Tạo giống lúa thuần chủng, lạ, sạch

Ông Hương từ lâu đã nổi tiếng trong vùng là người tiên phong trong công tác sản xuất. Gần đây mọi người lại biết đến tên ông khi đã thành công trong canh tác lúa tím sữa, một giống lúa có nguồn gốc từ miền Trung theo hướng an toàn và đạt kết quả ngoài mong đợi. Nếu giá gạo bình thường chỉ dao động 10 – 15 ngàn đồng/kg thì gạo của ông có giá 30 ngàn đồng/kg, vậy mà lắm lúc chẳng đủ gạo để bán.

Con nhà nông, sinh ra tại vùng biên giới Tân Hồng, hàng chục năm ông Hương nếm trải hết những cay đắng ngọt bùi của nghề nông, ngán ngẩm với cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Từ đó, ông ôm ấp ý định đột phá. 

Tình cờ năm 2017, một nông dân gần nhà mang giống lúa tím sữa về trồng. Thấy lạ, ông hỏi thăm rồi quyết định mua lúa về làm giống trồng trên đất gia đình. Vụ này năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha, giá chỉ 10 ngàn đồng/kg. 

Người đầu tiên mang giống lúa này về Tân Hồng chỉ làm một vụ rồi chuyển sang làm giống lúa khác, riêng ông Hương không nản chí, vẫn tiếp tục canh tác với hy vọng “vụ sau cao hơn vụ trước”. “Tôi nhận định cứ theo đà này thì gạo tím sữa nhất định có chỗ đứng trên thị trường nên quyết tâm theo đuổi nhằm đảm bảo có nguồn giống ổn định cho các vụ sau cũng như đưa bà con xung quanh cùng làm”, ông Hương nhớ lại.

Khi mới canh tác, do thời tiết vùng biên giới Tân Hồng khá khắc nghiệt, năng suất lúa rất thấp. “Giống lúa mới nên cái gì cũng mới, có biết gì đâu. Mọi thứ phải tự mày mò rồi rút kinh nghiệm. Tôi quyết làm cho bằng được vì xu hướng hiện nay là phải ngon và sạch, bây giờ người ta chú trọng sức khỏe lắm, nên tạo nguồn gạo an toàn mới bền vững được”, ông Hương tâm sự.

Để có hạt gạo sạch, trong canh tác, ông sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học và theo ông cần phải chủ động nguồn giống thuần chủng. Giống thuần thì năng suất và chất lượng mới ổn định. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không đơn giản và đòi hỏi phải kiên trì.

Để làm được điều này, mỗi vụ ông đều thuê lao động địa phương tỉ mẩn cắt bỏ từng bông lúa lai, chỉ để lại giống lúa tím sữa. Đến vụ đông xuân 2018-2019, nguồn giống của ông Hương đạt thuần chủng, cho năng suất 5,5 tấn/ha.

Dẻo thơm gạo tím

Tạo được nguồn giống thuần chủng cho ra sản phẩm đạt chất lượng ổn định là thành công bước đầu. Tiếp đến là phải làm sao để đưa được loại gạo tím “lạ huơ lạ hoắc” này ra thị trường?

Ông Hương cho biết, lúc đầu đưa loại gạo này ra bán rất khó vì người dân đã quen với hình ảnh truyền thống “gạo trắng, nước trong”, nhất thời bà con cũng khó chấp nhận. Nhiều người tiêu dùng còn nghi ngờ lúa tím là do tẩm màu.

Để tạo niềm tin, những người đến mua gạo ông Hương đều cho dùng thử, nếu ưng ý mới đặt hàng. Với cách làm từ từ, “chậm mà chắc”, ngày qua ngày, “một đồn mười, mười đồn trăm”, nhiều người đã biết được chất lượng và giá trị thật sự của loại gạo lạ này.

Theo lời ông Hương, gạo tím khi nấu lên có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo. Ngoài nấu cơm, gạo còn có thể rang vàng làm trà hoặc làm sữa gạo. Một giá trị đặc biệt của loại gạo này là có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp người bị bệnh tiểu đường và huyết áp.

Để tạo tính bền vững và lâu dài của loại gạo này, ông đặt tên “Gạo Nghĩa Nhân”. Dự kiến trong tháng 9/2019 này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu gạo Nghĩa Nhân.

Khi đã thành công với mô hình này, không chỉ làm một mình, ông Hương còn hướng dẫn nhiều hộ dân trong vùng cùng tham gia sản xuất. Để tạo đầu ra ổn định cho hạt gạo, ông chủ động tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp thu mua lúa tím sữa.

Trong vụ đông xuân 2018-2019, thị trường lúa gạo gặp khó khăn nhưng ông và bà con trồng lúa tím sữa vẫn bán được hơn 20 tấn với giá cao thông qua việc ký hợp đồng với Công ty CP Nông trang Tràm Chim.  

Thực tế cho thấy, gạo tím Nghĩa Nhân đã có một chỗ đứng nhất định trong thị trường lúa gạo khi nhiều người ở tận các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung tìm mua. Gạo tím được nhiều khách hàng ưa chuộng vì hấp dẫn cả về “hình thức lẫn nội dung”. Bề ngoài có màu tím lạ lẫm gây sự tò mò cho người tiêu dùng; bên trong hạt gạo lại mềm dẻo, thơm ngon. Ông Hương cho biết có thời điểm khách đông, không có gạo bán. 

Đánh giá về gạo Nghĩa Nhân, ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, thời gian qua, gạo Nghĩa Nhân được đóng gói trưng bày tại các hội chợ, nhiều khách hàng đánh giá rất cao. Gạo khi nấu lên cơm màu tím đẹp, có thể giúp khống chế đường huyết cũng như huyết áp. 

Theo ông Tài, toàn huyện đã có 30ha lúa tím sữa được bà con trồng theo hướng an toàn. Sau khi định hình được vùng lúa tím sữa theo hướng sạch, huyện đã tiếp tục quy hoạch vùng chuyên sản xuất và tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạo Nghĩa Nhân đến người tiêu dùng. “Sắp tới ngành Nông nghiệp sẽ nghiên cứu và chọn lọc để có một bộ giống đặc sản của huyện nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, cho ra loại gạo có chất lượng cao hơn nữa”, ông Tài nói.

Tác phẩm tham dự Chương trình Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật - phát triển bền vững” xin gửi về Tổ Thư ký Chương trình,  địa chỉ email: baoplvn2014@gmail.com

Ghi rõ: bài tham dự Chương trình Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật - phát triển bền vững”. 

Đọc thêm