Vừa dọn dẹp chăn, màn, chiếu, gối trên hành lang bệnh viện, chị Hường (SN 1975), quê ở Hòa Bình vừa rơm rớm nước mắt kể với tôi rằng: Cách đây hơn một tháng, chồng chị chẳng may bị tai nạn khi chạy xe trên đường, bác sỹ sau khi chụp chiếu kết luận bị rạn sọ, có một khối máu tụ trong não. Thế nên, hai mẹ con chị phải chọn một góc nhỏ bên hành lang bệnh viện để làm nơi trú ngụ, vừa là để tiện bề chăm sóc chồng, vừa giữ sức cho “cuộc chiến” giành giật mạng sống dài hơi.
Chị Hường cho biết thêm, mỗi buổi sáng chị phải dậy thật sớm để đi chờ xin cháo từ thiện mang về cho bữa ăn sáng của hai mẹ con. Buổi trưa, đôi lúc có một tổ chức hay cá nhân giàu lòng nhân ái nào đó đến bệnh viện cho cơm, bánh gói hoặc bánh mì thì mẹ con chị cũng đỡ được một phần chi phí. Buổi tối, thường là chị Hường phải đi ra trước cổng bệnh viện để mua cơm bụi, lúc thì chị ăn hết 10.000 đồng/bữa, nhưng những lúc giá cả đắt đỏ thì chị phải ăn đến... 15.000 đồng.
Cùng cảnh giống chị Hường, chị Nguyễn Thị Ngả có con trai là Đinh Văn L (SN 1988), nạn nhân một vụ tai nạn giao thông, rơm rớm nước mắt kể: Do không có bảo hiểm y tế nên mỗi ngày tiền thuốc thang, chạy chữa cho L cũng gần 3 triệu đồng. Số tiền này có thể đối với nhiều người là không quá lớn, nhưng với những gia đình quanh năm chỉ trông vào dăm sào ruộng, một đàn lợn còi như mẹ con chị Ngả thì đây là một gánh nặng trên hành trình đi tìm sự sống. “Hôm qua tôi tranh thủ về, bán tất cả của nả đi được hơn 20 triệu nữa, hi vọng sẽ đủ chi phí từ giờ đến lúc ra viện chứ nếu cần nhiều hơn nữa thì chẳng biết trông vào đâu...” – chị Ngả xót xa.
Tiết trời ngày hè đang nóng nực bỗng dưng trở lạnh, gió mỗi lúc một lớn, hành lang bệnh viện hút gió và nồng nặc mùi thuốc khử trùng. Những người nhà bệnh nhân, bên cạnh việc thiếu thốn, vất vả, lo lắng về tình hình bệnh của người thân, họ còn phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” theo đúng nghĩa.
Đối với một số người ở tỉnh, thành khác như Nam Định, Tuyên Quang, Thái Nguyên… hay xa xôi hơn nữa là những người từ trong Nam đưa người nhà ra để chữa bệnh không có tiền thuê trọ, họ chuẩn bị chăn, chiếu, màn rồi nằm tạm luôn ở dưới gốc cây, có người còn dựng lều trong sân bệnh viện. Lâu dần, họ trở thành “bạn” cùng cảnh ngộ, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm khi ở đây và nên ăn những gì vừa tốt mà lại vừa với túi tiền.
Bác T. (52 tuổi, quê Tuyên Quang) cho biết: “Ngày nào tôi cũng ngủ dưới gầm cầu thang này. Khu vực này là chỗ ngủ của 4, 5 người nhà tới chăm bệnh nhân, mỗi người một quê, mỗi người một cảnh ngộ. Tôi chăm chú đã được một tháng, không biết bệnh tình rồi thế nào nhưng cứ chăm sóc vậy chứ biết làm sao. Mọi khi nhiều muỗi lắm nhưng may hôm nay ít muỗi. Ở nhà trên chăn, dưới chăn còn lạnh, ở đây không có tiền thì đành chịu vậy”.
Chỉ tay vào chiếc ghế xếp đang nằm, bác T nói tiếp: “Cái ghế này lúc còn mới thì người ta mua 300.000 đồng, nhưng nay đã cũ nên bác mua chỉ có 100.000 đồng thôi. Chỗ này ai cũng nằm như thế”.
7 giờ sáng, giờ thăm bệnh đã hết phần lớn người nhà chăm sóc bệnh nhân điều trị ở Khoa Phẫu thuật thần kinh bị dồn ra một góc hành lang bệnh viện. Khu vực này vì thế cũng ồn ã hơn. Vừa kể chuyện, ông Thành, cha của bệnh nhân Đinh Văn Thưởng (31 tuổi) quê ở Hải Dương vừa vỗ đôm đốp vào chân như tự trách mình. Thì ra, đêm qua vì bận trông người con trai đến nỗi mệt lả nên ông Thành bị kẻ gian móc mất chiếc điện thoại và mấy trăm ngàn dắt lưng dành để mua cháo cho con.
Anh Đinh Văn T đứng gần đó kể, cảnh tượng bị “đạo chích” khoắng đồ như trường hợp ông Thành không phải là hiếm, trung bình tháng nào cũng có người bị “dính” phải như vậy. Trường hợp nhẹ thì mất các vật dụng chăm sóc người bệnh như bô, chậu, khăn mặt, giường, nghiêm trọng hơn thì mất tiền, ví, điện thoại. Nhưng có một điểm chung của tất cả các nạn nhân là họ đều không hề báo lại cho đơn vị bảo vệ, lãnh đạo bệnh viện./.