Người nổi tiếng 'ăn cắp' - chuyện lùm xùm rồi lại vào yên lặng

(PLO) - Mấy năm trở lại đây, showbiz Việt đã xảy ra khá nhiều vụ lùm xùm giữa các ca sĩ, nhạc sĩ xung quanh chuyện bản quyền tác phẩm. Vi phạm bản quyền, cũng chẳng khác gì 'ăn cắp' trí tuệ của người khác. Nhưng rồi cũng lại chìm vào yên lặng...
Mỹ Tâm nhận lỗi với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Các kiểu vi phạm bản quyền âm nhạc

Sau những lời bức xúc của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tác giả ca khúc “Anh thì không” đối với ca sĩ Mỹ Tâm không xin phép, vi phạm bản quyền trên một số phương tiện truyền thông. Mới đây, Mỹ Tâm đã đăng clip xin lỗi tác giả Vũ Xuân Hùng và khán giả đồng thời thừa nhận sai sót khi sử dụng ca khúc “Anh thì không” mà không xin phép.

Trước đó, Mỹ Tâm đã buộc phải khóa MV “Anh thì không” (nhạc ngoại, lời Việt Vũ Xuân Hùng). Tối 18/2/2017, nữ ca sĩ tiếp tục quay clip nhận sai, đồng thời xin lỗi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Cô cho biết từ nhỏ đã nghe ca khúc và nghĩ nó xưa quá rồi nên cứ làm mà không để ý về tác quyền, cũng như nghĩ chắc là nhạc ngoại lời Việt thì sẽ không sao.

“Tuy nhiên đó là suy nghĩ sai và Tâm hoàn toàn nhận lỗi. Chú không vui là chuyện đương nhiên” - Mỹ Tâm chia sẻ.

 Sau khi nổi danh với ca khúc “Ông bà anh” tại “Sing My Song 2016”, Lê Thiện Hiếu đã gặp phải rắc rối về bản quyền của ca khúc “Nếu ta còn yêu” được anh đăng tải trên mạng trong thời gian qua. Ca sĩ Thái Quang - được biết đến từ cuộc thi “The Voice” năm 2013 đã đăng tải những hình ảnh và thông tin chứng minh quyền sử dụng ca khúc “Nếu ta còn yêu” của mình gồm “hợp đồng độc quyền tác phẩm” với nhạc sĩ Quốc Tuấn và giấy chứng nhận từ “Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam”.

Theo chia sẻ của Thái Quang, việc Lê Thiện Hiếu đăng tải ca khúc độc quyền của anh với hàng triệu lượt nghe nhưng không có động thái xin phép, bên cạnh đó còn phổ biến ca khúc này tràn lan khiến Thái Quang bức xúc.

Không chỉ “quên” xin phép tác giả, một số ca sĩ còn hát “nhầm” các ca khúc độc quyền. Khái niệm “ca khúc độc quyền” đã không còn xa lạ ở Việt Nam từ gần 20 năm nay. Hiện nay, sân khấu quá nhiều, ca sĩ cũng quá nhiều, nếu như không mua ca khúc độc quyền thì sẽ hát trùng lặp nhau.

Vậy nên, để tạo dấu ấn, các ca sĩ đua nhau mua ca khúc độc quyền. Chỉ một mình mình hát bài đó trong khoảng thời gian nhất định theo sự thỏa thuận giữa ca sĩ và nhạc sĩ. Hiện, chưa có một cơ quan chức năng, quản lý nào quy định giá cả của một ca khúc độc quyền. Giá thỏa thuận thường dựa trên tình cảm hay trên tên tuổi của ca sĩ - nhạc sĩ. 2-3 năm về trước giá một bài độc quyền thường dao động từ 3-5 triệu đồng, nhưng hiện nay cũng có thể là 2 triệu hoặc 6 - 7 triệu đồng. Nếu như hàng “độc” giá có thể 8-10 đồng triệu...

Khó “đáo tụng đình”

Ca khúc “Cô đơn mình em” đã được Thanh Thảo mua độc quyền từ nhạc sĩ Phương Uyên với giá 500 USD bằng hình thức “trao tay”, nhưng sau đó lại thấy Hiền Thục thể hiện. Không chỉ có vậy, Hiền Thục tự ý đưa 2 ca khúc “Quá khứ xa xôi” và “Ngày mai sẽ đến” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh vào album “Sunflower” của mình. Tương tự, ca khúc “Tình yêu” của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng được Thu Minh mua độc quyền và phát hành trong album “Nếu như thế” nhưng Hiền Thục vẫn hồn nhiên hát bài này ở nhiều sân khấu và cả trong một chương trình truyền hình thực tế.

Nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh  từng bức xúc khi phát hiện ra ca khúc “Hãy về đây bên anh” của mình đã bị ca sĩ Đan Trường hát bằng tiếng Thái trong  DVD “Thập nhị mỹ nhân” mà không hề có một lời xin phép. Duy Mạnh còn chỉ rõ, HT Production, đơn vị quản lý ca sĩ Đan Trường không chỉ vi phạm khi sử dụng ca khúc đã được mua độc quyền mà còn tự ý dịch bài hát sang tiếng Hoa, tiếng Thái và kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ cũng như biểu diễn trên sân khấu ca khúc này…

Với ca khúc “Đường cong”, Uyên Linh đã giành được nhiều sự bình chọn của khán giả và tự tin bước lên ngôi vị quán quân âm nhạc Idol. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã lên tiếng về việc Uyên Linh đã không xin phép anh sử dụng ca khúc này trong và sau cuộc thi. Chưa kể, ca khúc này đã được ca sĩ Thu Minh mua độc quyền. Tương tự, sau khi thí sinh Bùi Anh Tuấn khiến các khán giả trẻ phát cuồng vì ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” trong cuộc thi “Tiếng hát Việt” thì nhạc sĩ Minh Tiến lên tiếng cho biết trước khi hát, Bùi Anh Tuấn cũng chưa từng xin phép tác giả. Ca khúc này anh đã bán độc quyền cho một đơn vị sản xuất phim. Nguyễn Đình Thanh Tâm - quán quân Sao Mai điểm hẹn bức xúc vì ca khúc “Chạy mưa” do anh mua độc quyền bị hai học trò đội Hồng Nhung tự do “hát nhầm” tại một gameshow.

Hiện nay, Việt Nam còn chưa có tòa chuyên trách và thẩm phán chuyên trách về quyền tác giả nên các tổ chức cá nhân lại càng dè dặt khi sử dụng quyền khởi kiện tại tòa. Bởi vậy, các nhạc sĩ, ca sĩ mua ca khúc độc quyền luôn phải chịu thiệt thòi vì bị xâm phạm tác quyền, sở hữu trí tuệ. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết dù đã thành lập hơn 10 năm nay nhưng ít có vụ việc xâm phạm bản quyền các ca khúc độc quyền nào được đưa ra giải quyết công khai, cũng như chưa khởi kiện bất kỳ tổ chức, cá nhân vi phạm nào.

Có lẽ, chính thái độ dễ dãi, “hòa cả làng” của những người trong cuộc đã khiến cho những nghệ sĩ trẻ đi sau càng ít ý thức tôn trọng bản quyền. 

Các nhạc sĩ vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc thực thi luật

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam: “Trong hầu hết trường hợp, các vụ kiện tụng ca khúc độc quyền của giới nghệ sĩ thường chỉ nằm trên mặt báo, trong những lời dọa dẫm nhau chứ hiếm khi được đưa ra tòa án để giải quyết đến nơi đến chốn. Khi một sự việc bị phát giác, bên này lập tức đòi kiện, bên kia tuyên bố mời luật sư, thậm chí hạn định thời gian vài ngày cho nhau và… kết thúc trong im lặng, cùng lắm chỉ là lời xin lỗi suông. Trách nhiệm của chúng tôi là giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách bản quyền tác giả. Tuy nhiên hiện nay các nhạc sĩ vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc thực thi luật. Luật tác quyền và hướng dẫn luật còn quá chung chung và chưa đi vào các vấn đề, chủ thể chính”.

Đọc thêm