Người ốm nặng tăng do rét, bệnh viện quá tải

Lạnh giá kéo dài hàng tuần khiến các bệnh viện (BV) chuyên khoa đang quá tải trầm trọng. Nhiều người, phần lớn là người già và trẻ em, nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, biến chứng. 

Lạnh giá kéo dài hàng tuần khiến các bệnh viện (BV) chuyên khoa đang quá tải trầm trọng. Nhiều người, phần lớn là người già và trẻ em, nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, biến chứng. 

Tai biến, đột quị, cấm khẩu... vì lạnh

Quá tải nhiều nhất vẫn phải kể đến Viện Tim mạch Quốc gia. Từ Khoa Khám bệnh đến các khoa, phòng xét nghiệm đều la liệt người chờ khám. Các bác sĩ (BS) cho biết, mấy tuần qua, BN đến viện khám chủ yếu là người cao tuổi, bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp...

Có BN bị tai biến mạch máu não (TBMMN) đến 3-4 lần; có người phải can thiệp tới 3-4 động mạch vành. Nhiều người bị TBMMN từ trước, trong đợt lạnh này, do người nhà chủ quan, mặc ít áo ấm, bị gió lùa... nên bị nhiễm lạnh khiến BN bị viêm phổi, suy hô hấp... và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Ngoài ra, số BN do dậy sớm, đi tập thể dục, thay đổi không khí đột ngột bị đột quị, cấm khẩu phải nhập viện cũng gia tăng một cách chóng mặt.

Không chỉ Viện Tim mạch Quốc gia, Viện Lão khoa cũng trong cảnh tương tự. Theo BS.Nguyễn Văn Long (Khoa Khám bệnh), số BN cao tuổi bị TBMMN, tim mạch, mắc các bệnh đường hô hấp... bình thường nhập viện đã đông, giờ thời tiết rét đậm, rét hại nên càng đông hơn. Trong đó, BN nặng và biến chứng chiếm tới 50% tổng số BN nhập viện. 

Nói về nguyên nhân của bệnh, BS.Long phân tích: Khi gặp lạnh đột ngột, các mạch máu thường co lại ngay khiến các cụ già bị tăng huyết áp dẫn đến TBMMN. Thậm chí, ở những người đã có bệnh lý về mạch vành, có thể tăng lên về cường độ cũng như về thời gian cơn đau thắt ngực hoặc dẫn đến nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành gây hẹp khít lòng mạch.

Với căn bệnh viêm phổi và viêm phế quản, có người già do sức đề kháng kém, khi mắc bệnh này, họ không có biểu hiện sốt để kháng bệnh, mà chỉ có các triệu chứng âm thầm nên rất khó phát hiện. Đến khi bị quá nặng, không thể thở được, nhập viện thì đã trong tình trạng suy hô hấp, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Còn tại BV Nhi Trung ương, theo BS.Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám dịch vụ, trong những ngày vừa qua, nhất là 3-4 ngày gần đây, số BN nhi phải nhập viện tại BV khá nhiều. Phần lớn là BN nặng, chủ yếu măc các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch và tiêu chảy do Rotavirus. Thời gian này do rét đậm, rét hại kéo dài, những người tỉnh xa ngại đem con lên tuyến trên khám nên BN chủ yếu tại Hà Nội và những khu vực lân cận (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...).

Bệnh viện Nhi Trung ương đang quá tải bệnh nhân.

Khoa Nhi của BV Bạch Mai hơn tuần qua cũng luôn trong tình trạng quá tải vì số trẻ nhập viện cứ tăng lên vùn vụt. Chỉ tính riêng số trẻ đến khám dịch vụ, ngoài giờ buổi tối cũng tăng lên từ 40-50 BN/tối.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết thêm, BN nhập viện thời gian này chủ yếu vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó, có không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng khó thở nặng, suy hô hấp phải cấp cứu và thở máy. Đáng chú ý có một số trẻ do hít phải không khí lạnh gây kích thích niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và là yếu tố khởi phát cơn hen ở những BN đã có tiền sử bệnh hen.

Hạn chế để người già ra ngoài vào sáng sớm và ban đêm

Để phòng tránh các bệnh mùa đông cho trẻ, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Phụ huynh cần theo dõi thời tiết thường xuyên để lựa chọn quần áo ấm phù hợp với mức độ rét cho con vì trẻ em dễ bị mất nhiệt do tỉ lệ diện tích da/trọng lượng cơ thể tăng; khi cho trẻ ra khỏi nhà, nên đội mũ, quàng khăn, đeo khẩu trang, găng tay, tất... cho các em vì những vùng da không được phủ kín là nơi gây mất nhiệt, đặc biệt vùng đầu mặt gây mất nhiệt chiếm khoảng 40% toàn bộ cơ thể.

Nên cho trẻ ăn hoặc uống đồ ấm, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng sức đề kháng. Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như tím tái khắp mặt, miệng và lưỡi, thở nhịp mau, nghe tiếng thở mạnh, lơ mơ một cách bất thường, không nói hay phát âm như thường lệ được, cần gọi ngay cấp cứu hoặc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và cấp cứu kịp thời.

Đối với người cao tuổi, BS.Nguyễn Văn Long lưu ý: Hạn chế để người già ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột, đặc biệt vào ban đêm và buổi sáng sớm. Khi có các biểu hiện như nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm..., cần nghĩ đến đột quỵ, nếu đột quỵ nặng dễ gây tử vong, vì thế phải đưa BN mắc các bệnh tim mạch, hô hấp đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không nên dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm vì dễ ngộ độc bởi hít phải khí CO.

Bị tai biến mạch máu não lần thứ 7 nên bác Lê Văn Như (70 tuổi) phải vượt tuyến để được khám chữa bệnh kịp thời.

PGS.TS Đỗ Trung Quân - Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Bạch Mai cho biết thêm: Viêm xoang, viêm mũi là bệnh dễ mắc trong ngày rét. Vì thế, để phòng tránh ho hen, phế quản, người già nên giữ ấm cổ, uống đủ nước để nâng cao thể trạng (vì thông thường, người già hay bị mất nước mà bản thân không biết), đừng chờ khi có cảm giác khát mới uống nước.

Tốt nhất nên uống khoảng 1,5-2 lít nước/ngày qua nhiều đường khác nhau như: Nước lọc,  nước canh, nước hoa quả, thậm chí cả nước chè cũng tốt. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C qua rau quả, điều trị tích cực bệnh lý mãn tính nếu có.

Trong những ngày giá rét, các cụ vẫn cần tập thể dục đều đặn (những người trên 60 tuổi, đi bộ là cách thể dục tốt nhất nhưng phải mặc ấm khi ra đường và không nên ra đường quá sớm). Đặc biệt, khi nhiệt độ thấp, không nên tắm lâu, khi cần phải tắm nhanh và nước phải đủ ấm, phòng tắm cần kín gió để đề phòng cảm lạnh.

Trà Long

Đọc thêm