Người thầy mặc áo lính nâng cánh ước mơ làm chủ bầu trời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rắn rỏi, mạnh mẽ, nụ cười hiền hậu luôn ánh lên khuôn mặt đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, đó là chân dung Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Động cơ, Khoa Máy bay - động cơ, Trường Sĩ quan Không quân.

Người thầy tận tụy với công việc

Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Cường sinh năm 1989, quê ở Thái Bình. Hoàn cảnh khó khăn, hai anh em sinh chỉ có cách nhau một tuổi nên bố mẹ Cường mong muốn mai sau, các con thi đỗ vào một trường Quân đội để nhẹ gánh chi phí.

Tuổi thơ vất vả, ngay từ bé, Cường đã ước mơ trở thành người lính Không quân. Ước mơ được bay lên chinh phục bầu trời là động lực phấn đấu trong suốt những năm tháng theo học phổ thông đầy gian khó. Năm 2007, Nguyễn Thanh Cường thi đậu vào Học viện Phòng không - Không quân với điểm số khá cao. Tại đây, anh theo học chuyên ngành kỹ sư hàng không. Thời gian là học viên của nhà trường, anh đã không ngừng cố gắng trong học tập, rèn luyện, tham gia nghiên cứu khoa học, phấn đấu đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Tháng 2/2013, Nguyễn Thanh Cường tốt nghiệp, mang quân hàm trung úy và được phân công về công tác tại e 910, Trường Sĩ quan Không quân, với nhiệm vụ là Kỹ thuật Trưởng phụ trách giữ máy bay và thực hiện các công tác kỹ thuật đảm bảo cho quá trình bay huấn luyện.

Tháng 10/2014, Trung úy Nguyễn Thanh Cường được điều động về làm giảng viên Trường Sĩ quan Không quân. Anh giảng dạy bộ môn động cơ, chuyên ngành bao gồm lý thuyết và thực hành khai thác sử dụng. Khoa Máy bay - động cơ gồm các học viên là phi công quân sự (trình độ đại học), học viên kỹ thuật (trình độ cao đẳng và trung cấp kỹ thuật).

Đại úy Nguyễn Thanh Cường hướng dẫn sử dụng thiết bị kiểm tra bơm thủy lực trên động cơ hàng không.

Đại úy Nguyễn Thanh Cường hướng dẫn sử dụng thiết bị kiểm tra bơm thủy lực trên động cơ hàng không.

Ngày đầu mới về trường, được sự giúp đỡ của các thế hệ đi trước, anh tích cực tham gia dự giờ, học tập phương pháp, cách thức lên lớp đối với một tiết giảng. Đêm về, anh miệt mài đọc tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu các môn học được phân công.

Ngày đầu lên lớp, mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ các nội dung, tự ngồi viết kịch bản trước ra giấy, vậy mà anh vẫn hồi hộp. Tuy nhiên, cảm giác ấy qua đi, anh đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học đường quân sự. Qua nhiều năm, kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức của anh nhiều lên. Ngoài việc trang bị cho học viên các kiến thức cơ bản, anh luôn cập nhật các kiến thức mới, đi sâu về kỹ thuật hàng không quân sự. Anh luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng giữa lý thuyết với thực tế đơn vị, qua đó giúp cho học viên nắm bắt vấn đề bao quát, sinh động và sâu hơn.

Đối với học viên phi công, ngoài việc nắm bắt kiến thức về động cơ còn phải rèn luyện khả năng phản xạ nhạy bén đối với các hỏng hóc phát sinh trong quá trình huấn luyện bay và kỹ năng thực hành lái máy bay. Khi xảy ra hỏng hóc ở trên không, thời gian rất hạn chế, nếu như phi công phản xạ chậm, không biết cách xử lý hỏng hóc, rất dễ mất an toàn và xảy ra tai nạn bay.

Còn với học viên kỹ thuật, ngoài việc nắm chắc kiến thức, yêu cầu phải rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự chắc chắn. Nhiệm vụ của nhân viên kỹ thuật là đảm bảo, duy trì tốt tình trạng của máy bay, kịp thời phát hiện và sửa chữa các hỏng hóc phát sinh. Đối với kỹ thuật hàng không, độ tin cậy yêu cầu phải tuyệt đối. Trước khi máy bay cất cánh bay lên, không cho phép có bất kỳ một hỏng hóc nào phát sinh dù là nhỏ nhất. Nếu như chủ quan, thiếu cẩn thận, kiểm tra không kỹ, bay lên phát sinh hỏng hóc, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của đồng chí, đồng đội mình.

Đại úy Cường hướng dẫn học viên thực hiện nội dung mở máy nóng động cơ.

Đại úy Cường hướng dẫn học viên thực hiện nội dung mở máy nóng động cơ.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động nhưng có một chuyện làm anh luôn trăn trở, lấy đó làm bài học.

Tháng 8/2016 xảy ra một vụ tai nạn bay cấp 1 làm một học viên phi công hi sinh anh dũng. Đó là 1 trong 20 học trò trong khóa học anh đang giảng dạy. Khi thực hiện nhiệm vụ, máy bay gặp sự cố, mặc dù đã cho phép nhảy dù thoát ly khỏi máy bay nhưng người học viên đó vẫn dũng cảm lái máy bay ra khỏi khu dân cư mà không màng đến sự sống chết của bản thân. Khi nghe tin đó, anh rất đau xót nhưng cũng rất tự hào. Từ đó, anh luôn tự nhắc mình phải rèn luyện tính kỷ luật, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc...

Chàng sĩ quan trẻ say mê nghiên cứu khoa học

Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, Nguyễn Thanh Cường còn tích cực tham gia viết tài liệu, giáo trình học tập và đặc biệt là anh rất say mê nghiên cứu khoa học. Anh đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao. Cụ thể như đề tài “Nghiên cứu đặc tính khí động cánh máy bay L39” với mục đích tìm hiểu các đặc trưng khí động của cánh máy bay, dùng phần mềm mô phỏng các đặc trưng khí động của cánh trong môi trường thực tế áp dụng trong quá trình khai thác sử dụng.

Hay đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của khối lượng đến đặc tính hạ cánh của máy bay Su-30MK2” và “Nghiên cứu ảnh hưởng của khối lượng đến tầm bay và thời gian bay của máy bay Su-30MK2”. Đề tài này, với mục đích tìm hiểu sự ảnh hưởng của khối lượng máy bay đến các đặc tính cất cánh và hạ cánh, cụ thể là quãng đường cất hạ cánh. Từ đó, có các khuyến cáo về sử dụng.

Rồi các đề tài: “Nghiên cứu hệ thống điều khiển miệng phun của động cơ”, “Nghiên cứu về sự bền nhiệt của các lá tuabin động cơ hàng không”. Anh đã đưa ra sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng quá trình xử lý bất trắc trên máy bay” dùng cho phi công quân sự và các nhân viên kỹ thuật khi chuyển loại trên máy bay L39. Sáng kiến này được đưa vào giảng dạy giúp cho học viên tiếp thu nhanh một cách trực quan các thiết bị buồng lái, nhận biết được các dấu hiệu và cách xử lý hỏng hóc khi xảy ra. Các sáng kiến về cải tiến, sửa chữa các trang thiết bị của phòng thí nghiệm, các mô hình giảng dạy của Khoa Động cơ đã nâng cao hiệu quả của môn học.

Nam đại úy tham gia hội nghị cơ học thủy khí.

Nam đại úy tham gia hội nghị cơ học thủy khí.

Đam mê tìm tòi, nghiên cứu cải tiến, anh còn tham gia các hội nghị khoa học về cơ học thủy khí. Ngoài công việc giảng dạy trên giảng đường, xưởng thực hành, thực nghiệm, anh còn dành thời gian hướng dẫn các nhóm học viên nghiên cứu khoa học. Năm 2016, anh còn theo học lớp cao học vào các buổi tối và cuối tuần.

Tháng 3/2019, anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí động lực tại Trường ĐH Nha Trang. Là một Chủ nhiệm bộ môn trẻ của nhà trường, trong 8 năm công tác, Đại úy Nguyễn Thanh Cường đã đạt nhiều danh hiệu: Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi, giải thưởng trong cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo năm 2019, 2020 của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trường Sĩ quan Không quân - mái trường bên bờ sóng, nơi nâng cánh những ước mơ bay lên làm chủ bầu trời. Nơi ấy có những người thầy mặc áo lính như Đại úy Nguyễn Thanh Cường vẫn tháng năm miệt mài vì sự nghiệp trồng người.

Đọc thêm