Người tiêu dùng lo lắng.
Khảo sát tại thị trường Hà Nội, phóng viên báo PLVN nhận thấy, mặc dù các sản phẩm nước giải khát mang nhãn hiệu C2, Rồng Đỏ vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường, cũng như nhiều siêu thị Fivimart; Thành Đô… Trên thực tế, phần lớn các loại sản phẩm này đều hạn chế nhập và người tiêu dùng cũng không dám sử dụng.
“Sau khi sự việc Cty URC Hà Nội sản xuất lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì quá mức cho phép được phát hiện. Khách hàng của chúng tôi đều rất e dè, cảnh giác, nên sản phẩm này bán rất ế ẩm. Lượng hàng nước giải khát C2, Rồng Đỏ cửa hàng tôi nhập hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với thời điểm trước khi sự cố xẩy ra. Nhưng nhìn chung là vẫn không bán chạy, tôi đang cân nhắc có nên nhập sản phẩm này về bán nữa hay không, vì bán không được thì để lại cũng chật chội, vô ích” – bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một đại lý tạp hóa tại khu Bách Khoa nói.
Là một khách hàng từng có thời gian dài trung thành với sản phẩm nước giải khát nhãn hiệu C2, Anh Tô Đình Quang (Quảng Ninh) cho biết: “Tôi từng rất yêu thích nước giải khát C2, đúng như lời kêu gọi sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất “chỉ một tình yêu chỉ một C2”, giờ biết được thông tin c2 và rồng đỏ nhiễm chì, tôi không sử dụng nữa, thậm chí khi uống loại nước ngọt khác, tôi cúng không yên tâm, uống cốc nước mà chẳng được ngon.”
Thực tế, nước giải khát C2, và Rồng Đỏ ở thời điểm trước khi sự cố “nhiễm chì” được phát hiện, từng là sản phẩm yêu thích của nhiều khách hàng, trong đó cũng có rất nhiều khách hàng là học sinh sinh viên. Tuy nhiên, sau khi được biết có lô hàng không đảm bảo chất lượng vẫn được nhà sản xuất tung ra thị trường, nhiều người tiêu dùng có cảm giác như họ bị âm thầm “đầu độc”. Thế nên sự e dè cảnh giác, thậm chí bức xúc của những khách hàng đối với các lô sản phẩm thực phẩm nhãn hiệu C2, Rồng Đỏ kém chất lượng cũng là hoàn toàn chính đáng.
Chị Đặng Khánh Linh ở Trung Hòa, Nhân Chính cho biết: “Ngày trước tôi toàn dùng C2 thôi, giờ nghe thấy thông tin của Bộ Y tế C2 bị nhiễm chì, giờ tôi vẫn còn sợ, nhìn thấy tôi cũng chỉ đi qua mà thôi, chẳng dám uống nữa.”
Vi phạm hàng loạt.
Trước đó, chiều 31/05, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt công ty URC Hà Nội với số tiền hơn 5 tỷ 800 triệu đồng do có những sai phạm về kho bảo quản, đặc biệt là hành vi sản xuất và bán sản phẩm có hàm lượng chì cao hơn so với mức công bố ra thị trường.
Khách hàng dường như "thờ ơ" với sản phẩm C2, Rồng Đỏ. |
với sự chứng kiến của đoàn thanh tra của Bộ Y tế, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Công ty TNHH URC Hà Nội đã bàn giao toàn bộ lô sản phẩm thực phẩm không đạt chất lượng (chủ yếu là lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2, NSX: 4 – 2 - 2016 – HSD: 4 – 2 - 2017) cho cơ sở xử lý chất thải của Công ty CP đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên để tiêu hủy theo quy định. Cụ thể tổng số sản phẩm đem đi tiêu hủy khoảng hơn 10 tấn.
Quy trình tiêu hủy lô hàng này được tiến hành gồm các công đoạn như: Sau khi tiếp nhận lô hàng không đạt, bộ phận kỹ thuật của cơ sở xử lý chất thải đã cho sản phẩm vào máy để tách vỏ và nước ra riêng biệt. Đối với vỏ chai sau khi tách riêng sẽ được làm sạch đạt tiêu chuẩn quy định rồi tái chế.
Đối với phần nước sau khi được tách ra khỏi vỏ đã được xử lý tại trạm xử lý nước thải lỏng của cơ sở theo đúng quy định về môi trường hiện hành. Hiện Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiếp tục quá trình thanh tra toàn diện Công ty URC Hà Nội.
Nhưng dường như động thái “tích cực” nói trên vẫn chưa đủ để khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi quyết định tiếp tục lựa chọn các loại nước giải khát mang nhãn hiệu C2, Rồng Đỏ.
Mặc dù Cty URC Hà Nội cũng đã thu hồi bàn giao tiêu hủy 2 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì quá mức công bố. Nhưng căn cứ từ thực tế, cơ quan chức năng cũng xác định được: Không phải tất cả các sản phẩm C2, Rồng Đỏ “nhiễm chì” đều đã thu hồi, tiêu hủy. Theo tính toán, có khoảng 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố không thể thu hồi, tiêu hủy mà vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Không thể biết được trong số này có bao nhiêu chai đã được tiêu thụ? Bao nhiêu chai còn bày bán?