“Quyền lựa chọn” là công cụ hữu hiệu
Ông Đàm Tiến Đông, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (VCA) (Bộ Công Thương) khẳng định, việc bảo vệ quyền lợi NTD đã trở thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị xã hội. Bộ Công Thương cũng đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai mảng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD và việc triển khai các hoạt động này đã trở thành một tiêu chí đánh giá hoàn thành công tác của đảng viên.
Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại quận được thực hiện thường xuyên và theo từng chuyên đề cụ thể như: an toàn thực phẩm, tuyến phố văn minh thương mại, đề án trái cây, đề án gắn biển nhận diện an toàn thực phẩm tại chợ, quản lý giá thuốc.
Cũng theo ông Hà, để công tác bảo vệ quyền lợi NTD được hiệu quả hơn, quận sẽ tiến hành tập huấn kiến thức thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD, tập trung kiểm tra kiểm soát thị trường, vận động DN tham gia kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng. Đặc biệt, quận Cầu Giấy cũng đã công bố công khai đường dây nóng bảo vệ NTD với các số là số điện thoại của lãnh đạo quận Cầu Giấy, lãnh đạo phòng Kinh tế quận và Chi cục Thuế quận.
Cùng với đó là sự ra đời của trang fanpage Bảo vệ quyền lợi NTD quận Cầu Giấy để đảm bảo người dân có thể tương tác mọi lúc, mọi nơi với cơ quan quản lý nhà nước. Fanpage này chính thức ra mắt dịp tổ chức các hoạt động thực hiện Ngày Quyền của NTD (15/3/2019). Đại diện quận Cầu Giấy mong muốn, cùng với đường dây nóng, fanpage sẽ là cầu nối hữu hiệu cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, đại diện VCA cho rằng, bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, ban, ngành nhưng trước khi chờ đến các biện pháp bảo vệ của chính quyền, của Nhà nước, NTD có thể tự mình bảo vệ quyền lợi của mình đầu tiên bằng “quyền lựa chọn”. Dẫn chứng về một câu chuyện đã xảy ra cách đây khoảng 10 năm về một doanh nghiệp (DN) sản xuất xả thải ra sông Đồng Nai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân, ông Đông khẳng định “quyền lựa chọn” chính là biện pháp bảo vệ quyền lợi NTD tối ưu nhất.
Ông Đông kể lại, thời điểm ấy, toàn bộ người dân xung quanh khu vực sông Đồng Nai đã viết đơn kiện DN này đến Tòa án nhân dân nhưng không mang lại kết quả gì. Người dân đã vận động nhau không tiêu dùng các sản phẩm của DN này. Động thái này được các siêu thị đồng tình khi lần lượt nhiều siêu thị ngừng nhập hàng của DN. Điều này buộc DN phải ngồi vào bàn đàm phán chi trả những thiệt hại mà DN đã gây ra với người dân.
Trở thành người tiêu dùng thông minh
Ngoài quyền lựa chọn nói trên, người dân cũng phải đặt mình vào một mắt xích trong hệ thống tự bảo vệ quyền lợi của mình nói riêng, của NTD nói chung bằng cách phản ánh những vấn đề bất thường về sản xuất hàng hóa tại khu dân cư, những bức xúc khi mua phải hàng hóa kém chất lượng với địa phương, với cơ quan chức năng trên địa bàn để các cơ quan này có động thái thực hiện các bước tiếp theo.
“Đôi khi từ suy nghĩ của mỗi NTD, rằng một vài sản phẩm giá không cao, không cần phải phản ánh đến cơ quan chức năng chính là sự tiếp tay cho việc lừa dối khách hàng của các cá nhân, tổ chức cung ứng hàng hóa. Một trường hợp các cơ quan nhà nước có thể chưa lưu tâm nhưng nhiều trường hợp gọi đến, chắc chắn sẽ trở thành nguồn tin đáng tin cậy để chúng tôi tiến hành các quy trình cần thiết trong việc bảo vệ quyền lợi NTD” - ông Đàm Tiến Đông chia sẻ.
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, có cơ quan nhà nước tham mưu thực hiện biện pháp bảo vệ quyền lợi NTD, có Hội bảo vệ NTD nhưng số lượng NTD phải “cầu cứu” đến các cơ quan truyền thông vẫn còn khá lớn, nhất là hiện nay, khi TMĐT đang bùng nổ trên khắp các mặt trận, từ sàn TMĐT đến facebook cá nhân.
Theo số liệu thống kê của VCA, có thời điểm, số lượng khách hàng gọi đến đường dây nóng của Cục có thể lên tới hàng trăm cuộc gọi trong một tháng. Trong số đó hơn 70% là các cuộc gọi phản ánh về chất lượng hàng hóa, còn lại là các cuộc phản ánh về hợp đồng và dịch vụ bảo hành… Căn cứ vào các tính chất cuộc gọi, Cục sẽ tiến hành các biện pháp thương lượng, hòa giải giữa 2 bên, nếu không thỏa mãn, 2 bên có thể khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, mỗi cá nhân hãy trở thành khách hàng thông minh, mua bán các sản phẩm an toàn, đặc biệt cần phải biết tự bảo vệ mình trong môi trường TMĐT đang phát triển như vũ bão hiện nay. Bởi trong không gian mạng không thể kiểm soát được tất cả các cá nhân người dùng, các cá nhân tổ chức bán hàng qua mạng xã hội cũng không đăng ký kinh doanh… nên việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, nhà cung ứng uy tín là yêu cầu tiên quyết trước khi NTD quyết định chuyển tiền đặt mua sản phẩm.